Dự án tàu điện không ray được đề xuất triển khai tại Hà Nội có gì đặc biệt?

Tàu điện không ray là một loại hình vận tải hành khách công cộng mới được đề xuất áp dụng vào mạng lưới giao thông công cộng thành phố Hà Nội. Tàu không chạy trên đường ray truyền thống mà thay thế bằng đường ray ảo với công nghệ hiện đại.

Mới đây, tại hội thảo khoa học về đường sắt đô thị nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị diễn ra tại TP Hà Nội, đại diện Công ty HUNAN CRRC - Một trong những tập đoàn sản xuất tàu lớn nhất thế giới, đã đề xuất đầu tư 3 tuyến tàu điện không ray (ART) tại Hà Nội.

Công ty HUNAN CRRC là một trong những tập đoàn sản xuất tàu lớn nhất thế giới có trụ sở tại Trung Quốc. Ảnh: HUNAN CRRC

Theo đó, tàu điện ART là phương tiện sử dụng bánh lốp. Hệ thống dẫn hướng không sử dụng đường ray giống của tàu truyền thống mà được thay thế bằng đường ray ảo với công nghệ hiện đại, tạo thành hệ thống lái tự động cho ART.

Người lái tàu chỉ có nhiệm vụ xử lý các tình huống khẩn cấp nếu có trên đường. Tàu ART được thiết kế hai đầu, giúp tiết kiệm thời gian khi đảo chiều. Năng lượng được tàu sử dụng là pin lưu trữ Lithium-Titanate hoặc nhiên liệu Hydro giúp bảo vệ môi trường.

Tàu ART lần đầu tiên được vận hành tại Trung Quốc vào năm 2015. Ảnh: HUNAN CRRC

Tàu ART có thể ghép nối và tháo dời từ 3-5 toa chở 300-500 hành khách, chạy ở làn đường riêng với tốc độ 70-100km/h, tàu có chiều cao 3,4m, rộng 2,65m, dài 31,6m,

Tàu ART được đề xuất cho Hà Nội sẽ gồm 3 tuyến chính: Tuyến số 1 dài 30 km từ Trung tâm Hội nghị quốc gia đến Đại học Quốc gia Hà Nội chạy trên dải phân cách giữa đại lộ Thăng Long; Tuyến số 2 dài 6,3 km từ công viên Thiên đường Bảo Sơn đến Nhổn; Tuyến số 3 dài 10 km từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Nước Ngầm chạy trên dải phân cách giữa.

Phần khoang tàu được thiết kế rộng rãi, hiện đại. Ảnh: HUNAN CRRC

Ba tuyến có 28 nhà ga và 32 đoàn tàu (mỗi đoàn 3-4 toa), tổng kinh phí xây dựng và phương tiện dự kiến 466 triệu USD, tương đương khoảng 11.650 tỷ đồng.

Theo vị đại diện của Công ty HUNAN CRRC cho biết, tàu điện không ray có chi phí đầu tư và vận hành thấp hơn nhiều so với tàu điện truyền thống, vốn đầu tư chỉ bằng 1/10 so với metro. Ví dụ dự án Bến Thành - Suối Tiên dài 19 km có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, nếu đầu tư tàu không ray số 1 dài 30 km thì hết hơn 6.600 tỷ đồng.

Tại Trung Quốc đến nay có 15 tuyến đã đi vào hoạt động và đang triển khai, tại nước ngoài 5 tuyến với tổng chiều dài 120km. Ảnh: HUNAN CRRC

Công suất hành khách trên tàu điện thông thường đạt 25.000 người/giờ trên một hướng tuyến, còn tàu điện ART đạt 10.000-15.000 người. Ngoài ra, tàu không ray chạy trên đường bằng bánh lốp, có làn riêng nên thời gian xây dựng nhà ga, dải phân cách chỉ trong 6-10 tháng.

Với chi phí 5.000 - 6.000 tỷ đồng cho một tuyến tàu điện, Hà Nội có thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư thay vì vốn ngân sách hoặc vốn ODA như hiện nay. Loại hình này thi công nhanh, chi phí vận hành thấp, yêu cầu kỹ thuật đơn giản hơn so với tàu điện truyền thống nên có thể đáp ứng nhu cầu cấp bách xây dựng hệ thống giao thông công cộng nhằm giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội.

Điểm hạn chế của tàu không ray là cần vận hành trong làn đường riêng giống buýt nhanh BRT. Ảnh: HUNAN CRRC

Mặc dù vậy, điểm hạn chế của tàu điện không ray là cần vận hành trong làn đường riêng nên phù hợp xây dựng tại những nơi có dải phân cách, dải cây xanh đủ rộng, cần được ưu tiên qua các các ngã tư bằng hệ thống giao thông thông minh.

Được biết, cho đến nay, đã có 4 nước sử dụng tàu ART bao gồm Trung Quốc, Úc, thủ đô Abu Dhabi của các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất và Malaysia. Thành phố Kuching ở Malaysia cũng đã mua 38 tàu ART. Hiện phương tiện này đang được sử dụng với mục đích chính là kết nối các tuyến metro với các vùng ngoại ô của đô thị.

Trung Sơn

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/du-an-tau-dien-khong-ray-duoc-de-xuat-trien-khai-tai-ha-noi-co-gi-dac-biet-172240424162715551.htm