Dự án ngọt hóa ở ĐBSCL và 'mặt trái' trên thực tế

Một số công trình ngọt hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đầu tư với mục tiêu ngăn mặn, giữ nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, không ít nơi đã xảy ra những tác động tiêu cực, bao gồm cả sụt lún, sạt lở khi 'nước ngọt không có, nước mặn cũng chẳng thấy đâu'.

Dự án ngọt hóa rơi vào cảnh “nước ngọt không có, nước mặn cũng không”. Ảnh: Trung Chánh

“Mặt trái” ở vùng ngọt hóa

Vùng ngọt hóa Bắc Cà Mau có 5 tiểu vùng, bao gồm một phần huyện Thới Bình, toàn bộ huyện U Minh và phần lớn huyện Trần Văn Thời với diện tích hơn 154.000 héc ta. Tuy nhiên, do không có nguồn nước ngọt bổ sung lẫn nguồn nước mặn, đã dẫn đến một số hệ lụy phát sinh từ việc khô hạn.

Tại hội thảo “Sống chung với hạn mặn vùng ĐBSCL” tuần trước, ông Đỗ Minh Điền, Phó chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, vùng Bắc Cà Mau thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy- chữa cháy rừng.

Theo ông, thiếu nước đã dẫn đến khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy và mất phản áp lực nước lên bờ kênh dẫn đến sạt lở, sụt lún đất đường giao thông nghiêm trọng.

Tiểu vùng III của vùng Bắc Cà Mau thuộc huyện Trần Văn Thời mực nước trên các hệ thống kênh mương bị sụt giảm khô cạn. Tính đến ngày 25-3 vừa qua, trên địa bàn 9 xã, thị trấn vùng ngọt có 131 tuyến đường bị sạt lở, sụt lún với 569 vị trí có tổng chiều dài gần 15 km, tổng thiệt hại hơn 20,1 tỉ đồng.

“Ngoài ra, việc khó khăn trong lưu thông vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy như nêu ở trên đã khiến giá lúa sụt giảm. Đợt rồi, thời điểm thu hoạch lúa đúng lúc các dòng kênh cạn nước, lưu thông thủy không được, khiến giá lúa giảm 1.000-2.000 đồng/kg”, ông Điền dẫn chứng.

Trong khi đó, với vùng dự án ngọt hóa Gò Công, trong những ngày qua người dân cũng đang rơi vào tình cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất vì nguồn nước ngọt trong vùng đã dẫn cạn kiệt do hạn mặn kéo dài. Hình ảnh người dân mang can nhựa ra các vòi nước công cộng để lấy nước đã không còn là điều lạ ở nơi đây.

Điều đáng nói, tình trạng “vùng ngọt hóa thiếu nước ngọt” đã không ít lần xảy ra, nhất là thời điểm mùa khô 2015-2016 tất cả các dòng sông trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công cũng bị khô cạn vì thiếu nước.

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Cố vấn khoa học Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, một số công trình được đầu tư với “tham vọng” ngăn mặn đưa nước ngọt đi vào, nhưng không phát huy được tác dụng, thậm chí còn tạo ra những tác động tiêu cực do thiếu nước.

“Thời điểm cực đoan như năm 2016, 2020 và năm nay, ở một số nơi như: Cà Mau bị sụt lún nặng, có nơi ở Trần Văn Thời lên tới 2 mét và nó diễn ra rất nhanh, dù địa phương đã cố gắng hạn chế xe, giảm tải trọng… Tuy vậy, ngay cả ban đêm không có xe chạy vẫn sụt lún một cách đột ngột”, ông cho biết.

Theo ông, việc thiếu nước ngọt trong khi nước mặn bị ngăn không vào được, khiến áp lực nước lên bờ không còn, nên những tác động trên bề mặt làm đất sạt lở một cách đột ngột. “Chúng ta mong muốn có nước ngọt, nhưng đôi khi việc này lại dẫn tới một cái hệ quả khác và cái thiệt hại này nó cũng không phải nhỏ”, ông Tuấn cho biết.

Vị cố vấn khoa học của Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu cho biết, cần tính toán những thiệt hại như nêu trên để thấy có cần thiết cố tìm mọi cách ngọt hóa để chuyển sang sản xuất lúa hay không?

Sẽ có nhiều công trình hơn cho ĐBSCL

Tại hội thảo nêu trên, ông Đặng Văn Ngọ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Sóc Trăng đề xuất, xây dựng công trình ngăn tất cả các cửa sông lớn ở ĐBSCL nhằm giúp vùng này tránh được xâm nhập mặn. Bởi lẽ, khi có công trình sẽ giúp giữ nước ngọt vào mùa mưa, trong khi mùa khô ngăn không cho mặn từ biển đi vào. “Khi đó, chúng ta sẽ không còn lo chuyện nước sông bị kiểm soát ở phía thượng nguồn”, ông nói.

Theo ông Ngọ, với các dự án như đề xuất nêu trên, không chỉ giúp ĐBSCL tránh được nguy cơ chìm xuống khỏi mực nước biển, mà còn nổi lên để phát triển. “Hà Lan nằm dưới mực nước biển mà họ vẫn tốt, tại sao chúng ta lo mà không biết cách thích ứng với nó?”, ông đặt vấn đề.

Ông Kiều Văn Công, Phó giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 10 (Ban 10) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiệm vụ chính của đơn vị này là đầu tư các dự án thủy lợi. Trong đó, có ba loại chính: thứ nhất là chuyển nước, trữ nước; thứ hai là tạo nguồn và thứ ba là phòng chống thiên tai.

Theo ông Công, trong giai đoạn 2016-2021, đơn vị này hoàn thành nhiều dự án quan trọng, phát huy hiệu quả tốt. Có thể kể đến như âu thuyền Ninh Qưới, dự án thủy lợi Nam Măng Thít và đặc biệt là dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé. “Giai đoạn 2021-2025, chúng tôi phụ trách 8 dự án, trong đó, có 2 dự án chuyển nước, 2 dự án trữ nước”, ông cho biết thêm.

Theo ông, hai dự án chuyển nước, bao gồm dự án kênh Nguyễn Tấn Thành và dự án Nam sông Hậu. Trong đó, dự án Nam sông Hậu khi hoàn thành sẽ phục vụ trực tiếp cho 19.000 héc ta và tạo nguồn cho 36.000 héc ta, giúp kiểm soát ngọt phục vụ sản xuất đa mục tiêu và cung cấp nước cho các nhà máy nước; dự án kênh Nguyễn Tấn Thành hoàn thành sẽ phục vụ cho 41.000 héc ta trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Long An.

Còn với giai đoạn 2026-2030, ông Công cho biết, hiện đơn vị này đã trình phê duyệt một loạt dự án bao gồm Nam quốc lộ 1 và dự án Tắc Thủ… Đáng chú ý với dự án Tắc Thủ, Chính phủ đã phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư và khi thực hiện sẽ có hợp phần chuyển nước từ lưu vực sông Cái Lớn và sông Hậu qua kênh Chắc Băng về Cà Mau.

Theo ông Công, khi đầu tư một dự án đều có hai mặt, đó là mặt tốt và mặt hạn chế. “Do đó, khi đầu tư công trình phải cân nhắc cái gì đem lại lợi nhiều hơn thì quyết, tất nhiên chúng ta giảm thiểu cái thiệt hại”, ông giải thích.

Còn trong giai đoạn dài hơn nữa, Ban 10 đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp tục đầu tư cửa sông Hàm Luông và sông Vàm Cỏ. Nếu làm đươc việc này, bức tranh hạn mặn hàng năm sẽ giảm đi rất nhiều so với con số xâm nhập 50-60 km hiện nay.

Hiệu quả của các dự án đang và sẽ triển khai ra sao vẫn chưa thể kết luận được ngay trong lúc này, mà phải chờ thực tế chứng minh. Tuy nhiên, khi thực hiện một số dự án như dự án ngọt hóa như nêu ở trên, mục tiêu ban đầu được kỳ vọng là tạo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, nhưng kết quả vẫn chưa hoàn toàn như mong đợi ở thời điểm hiện tại…

Nói về việc “sống chung với hạn mặn”, ông Tuấn cho biết, người dân ở ĐBSCL vốn đã sống chung hơn 300 năm nay như ở vùng ven biển. Chẳng hạn như sản xuất, dù Nhà nước chỉ đạo xuống giống vụ đông xuân trước ngày 31-12, nhưng nhiều vùng, ngay giữa tháng tháng 11 đã xuống giống cây trồng. Điều này cho thấy người dân đã nhận thức được những tác động tiêu cực liên quan đến đến sinh kế và thu nhập nên họ chủ động.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, người dân ở vùng hạn mặn họ cũng biết cách trữ nước trong những điều kiện cho phép. “Tôi đi xuống nhiều nơi, họ trữ nước mưa ở trong lu hoặc nạo vét ao lót bạt để trữ nước ngọt, tức họ đã tự chủ động rồi nên giờ giảm rất nhiều áp lực cho ngành cấp nước”, ông cho biết.

Thậm chí, người dân hiện đã biết cách chuyển đổi sang một số mô hình thích ứng như lúa – tôm, nuôi tôm kết hợp cây năn tượng ở Sóc Trăng, để vừa cho tôm thích ứng nguồn nước và vừa thích ứng với biến đổi khí hậu.

TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế ở ĐBSCL, một trong những vấn đề ông gợi ý để người dân chủ động thích ứng, đó là thông qua công cụ khoa học kết hợp với tri thức bản địa và thực tiễn cần có dự báo sớm cho người dân biết. Để thực hiện tối ưu thì ngoài kênh truyền thông, kênh thông tin hành chính, cần tận dụng tốt mạng xã hội để cung cấp thông tin cho người dân, nhất là vùng hạn mặn.

“Chúng ta nhớ, đợt dịch bệnh vừa qua, hàng ngày người dân đều nhận được thông tin về dịch bệnh, vậy tại sao chúng ta không làm tốt việc này để tiếp cận người dân, giúp họ thích ứng trong vấn đề hạn mặn”, ông gợi ý cách làm.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/du-an-ngot-hoa-o-dbscl-va-mat-trai-tren-thuc-te/