Dự án công kéo dài, đội vốn: Cái sảy nảy cái ung

Nhiều dự án đầu tư có vai trò hết sức quan trọng, cấp bách đáp ứng nhu cầu dân sinh và kết nối liên vùng nhưng lâm vào tình trạng lãng phí, kéo dài, đội vốn.

Nhiều dự án kéo dài

Dự án chống ngập ngăn triều ở TP. Hồ Chí Minh có mức vốn ban đầu 10.000 tỉ đồng, khởi công giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng đã trải qua bốn lần gián đoạn, ngưng thi công kéo dài.

Nguyên nhân hàng đầu được cho là công tác phối hợp, giải quyết thủ tục rất trắc trở. Ví dụ, hồi giữa năm 2018 dự án này đã bị ngưng thi công do nhà đầu tư chưa được ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân để tiếp tục được cấp vốn. Giữa tháng 11 năm 2020, dự án thêm một lần nữa lại ngưng thi công do cấp thẩm quyền chưa ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành (hợp đồng hết hạn từ tháng 6 năm 2020).

Chỉ riêng thiệt hại ngưng thi công từ giữa tháng 11 năm 2020, trải qua 32 tháng khiến tăng thêm hơn 3.000 tỉ đồng. Trong đó, lãi vay phát sinh hơn 1.500 tỉ đồng, mỗi ngày còn phải trả thêm tiền lãi 1,46 tỉ đồng. Dự án đã thi công hơn 93% khối lượng, chỉ còn 7% khối lượng.

Tương tự cao tốc Bến Lức - Long Thành thi công dang dở kéo dài, nhiều nhà thầu khiếu nại việc chậm trễ đòi bồi thường thiệt hại hơn 1.650 tỉ đồng. Nguyên nhân ban đầu ai nghe qua cũng ngạc nhiên, các cơ quan chức năng chậm thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án theo quy định chỉ vì chưa có sự phân công trách nhiệm cơ quan quản lý nào làm chủ quản, cấp quyết định đầu tư. Từ đó, không gia hạn được hiệp định vay và tái cấp vốn.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có số vốn đầu tư 31.320 tỷ đồng đến nay vẫn dang dở và chưa thể kết nối liền mạch

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành có số vốn đầu tư 31.320 tỷ đồng đến nay vẫn dang dở và chưa thể kết nối liền mạch

Dự án này có chiều dài tuyến 57,8km với tổng mức đầu tư là 31.320 tỉ đồng (khoảng 1,6 tỉ USD), sử dụng vốn vay từ ADB và JICA, khởi công từ tháng 7-2014, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2018.

Dự án dừng thi công đã gần 5 năm, kể từ tháng 9-2018 khi Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam được chuyển từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, lúc đó chưa xác định cơ quan nào đứng ra thực hiện vai trò quyết định đầu tư nên chưa thể điều chỉnh dự án dẫn đến không gia hạn được hiệp định vay.

Như VietNamNet đã phản ánh, danh sách các dự án chậm tiến độ, đội vốn còn kéo dài. Ở TP. Hồ Chí Minh là các dự án như Dự án xây dựng cầu Tăng Long điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ hơn 450 tỷ đồng lên 688 tỷ đồng; Dự án xây dựng cầu Ông Nhiêu điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ hơn 425 tỷ đồng lên gần 76 tỷ đồng; Dự án xây dựng cầu Phước Long điều chỉnh tăng từ gần 398 tỷ đồng lên hơn 748 tỷ đồng; Dự án xây dựng nút giao Mỹ Thủy điều chỉnh tăng từ 1.998 tỷ đồng lên 3.622 tỷ đồng; Dự án Cải tạo, mở rộng Bệnh viện Quận 8 điều chỉnh tăng từ 180 tỷ đồng lên gần 259 tỷ đồng; Dự án xây dựng Trường Tiểu học Tân Kiên, huyện Bình Chánh điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 100 tỷ đồng lên gần 139 tỷ đồng…

Tuy nhiên, thiệt hại đâu chỉ đội vốn mà còn do ngưng thi công quá lâu nên một số máy móc được chuyển đến nơi khác, thiết bị còn lại rỉ sét, rác thải chất thành đống tại công trình.

Những dự án đầu tư có mục đích tạo ra việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp, cải thiện thu nhập cho người lao động, tiêu thụ hàng hóa cho doanh nghiệp, tăng tính thanh khoản trên thị trường.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, trả mặt bằng, cửa hàng đóng cửa; người lao động mất việc, giảm lương do hàng hóa doanh nghiệp không bán được.

Giải ngân các dự án đầu tư công, đặc biệt với các thành phần công việc đã làm xong và có khối lượng là rất cần thiết để tăng tính thanh khoản, lưu thông hàng hóa, tạo sức mua bán và công ăn việc làm.

Nhà đầu tư, nhà thầu bao giờ cũng mong sớm hoàn thành để thu hồi vốn và có lợi nhuận. Trong triển khai có phát sinh, công việc vượt ngoài thẩm quyền, nếu cơ quan chức năng không quyết định hoặc chưa cho phép thì không nhà đầu tư hay nhà thầu nào dám làm.

Đầu tư theo hợp tác công tư, vay vốn nước ngoài khi chậm trễ xảy ra thiệt hại suy cho cùng cũng là ngân sách, người dân sẽ gánh chịu. Những tổn thất, lãi vay phát sinh sẽ được đưa vào phương án hoàn vốn. Dự án sử dụng vốn vay càng nhiều, lãi vay sẽ càng cao.

Vì sao tái diễn dự án chậm trễ, ngưng thi công kéo dài? Dễ thấy nguyên nhân chủ quan nhưng lại xác định khách quan, đổ lỗi cho thể chế thành ra không ai chịu trách nhiệm.

Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm

Nước ta đã và đang triển khai nhiều dự án cao tốc đường bộ, sân bay Long Thành. TP.HCM sắp tới sẽ càng triển khai đầu tư, xã hội hóa nhiều dự án lớn như cầu Cần Giờ (12.500 tỉ đồng), cầu Thủ Thiêm 4 (5.000 tỉ đồng), cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (khoảng 15.900 tỉ đồng), vành đai 4 (gần 19.200 tỉ đồng, Kéo dài trục Đông - Tây về phía nam nối ra đường vành đai 3 (khoảng 13.837 tỉ đồng), mở rộng trục đường Bắc - Nam (54.204 tỉ đồng)… Cùng với hàng loạt dự án metro, đường sắt đô thị có chiều dài đến 200km.

Phương án kiến trúc cầu Cần Giờ được chọn hồi tháng 4/2019. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM

Phương án kiến trúc cầu Cần Giờ được chọn hồi tháng 4/2019. Ảnh: Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM

Nếu làm tốt, kịp tiến độ giải ngân sẽ hạn chế phát sinh lãi vay, lại hoàn thành cam kết trong hợp đồng giữa các bên liên quan, tạo uy tín với các quỹ đầu tư trong nước và quốc tế. Dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng càng tạo ra giá trị lớn, động lực và cơ hội thúc đẩy môi trường đầu tư xây dựng, kéo theo các lĩnh vực khác có liên quan phát triển.

Ngược lại, nếu dự án kéo dài chậm giải ngân, không đạt hiệu quả sẽ có thể biến những ý tưởng từ thiết thực trở thành gánh nặng. Nhà nước, ngân sách sẽ phải trả thêm các khoản chi phí và kéo theo tốn kém cho các công việc liên quan cũng tăng lên.

Bên cạnh đó là việc đối diện rủi ro pháp lý, khiếu nại, bị phạt vi phạm các nguyên tắc cam kết trong hợp tác đầu tư và ký hợp đồng. Vì vậy, một đồng cho tăng trưởng phải trả giá bằng rất nhiều đồng vốn đầu tư.

Những bất ổn thời gian qua cần được xem xét thấu đáo, rút kinh nghiệm sao cho tránh lặp lại tình trạng chậm trễ phối hợp, giải quyết thủ tục. Cao tốc Bến Lức - Long Thanh nên sớm tái khởi động lại, hoàn thành các hạng mục dang dở. Dự án chống ngập ngăn triều 10.000 tỉ cần kịp giải quyết khó khăn về nguồn vốn, nên chăng bố trí ngân sách để thi công ngay phần khối lượng còn lại chỉ 7% công trình nhằm giảm tối đa lãng phí thiệt hại.

Trong bối cảnh phát triển hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn, ngân sách có hạn thì không có cách gì tốt hơn là thu hút đầu tư tư nhân. Cần chính sách đa dạng hóa các nguồn vốn khác từ các quỹ ưu đãi, đầu tư dài hạn, trái phiếu công trình, góp vốn xây dựng. Tăng góp vốn ngân sách, bảo lãnh doanh thu, chia sẻ rủi ro vừa hài hòa lợi ích. Giảm trừ chi phí đầu tư hạ tầng ra khỏi thu nhập trước khi tính thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…

Từ đó tạo ra cạnh tranh và đấu thầu chọn đối tác có năng lực tốt nhất với tài chính vốn tự có, hạn chế tối đa vay ngân hàng, nhân lực và giải pháp mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án.

Các thành phần tham gia dự án cần được phân quyền, giao việc cụ thể. Hơn nữa, rà soát lại có bảng mô tả công việc cho từng vị trí chức vụ cùng với đó là quyền hạn, chức năng, vai trò, nhiệm vụ trong bộ máy hành chính trong quá trình thực hiện dự án.

Bên cạnh có cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, không vụ lợi. Xem cơ quan quản lý, cán bộ là đối tượng phục vụ doanh nghiệp, người dân và có trách nhiệm giải trình, bồi thường nếu gây ra thiệt hại cho đối tượng được phục vụ. Đây còn là cách thức thúc đẩy cán bộ tự giác thấy được sự chế tài pháp luật và nhiệm vụ rõ ràng đến mức phải nghĩ, phải làm mới gọi là hoàn thành nhiệm vụ.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị và bản thân cán bộ chịu trách nhiệm phối hợp giải quyết công việc không hiệu quả và gây chậm trễ dẫn đến lãng phí, thiệt hại sẽ bị kỷ luật. Như vậy mới giải quyết tận gốc tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Kỹ sư Trần Văn Tường

Trần Văn Tường

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-an-cong-keo-dai-doi-von-cai-say-nay-cai-ung-2172518.html