Dow Jones đứt mạch 8 phiên tăng liền; Dầu tăng khi nhu cầu có tín hiệu phục hồi

Chỉ số Dow Jones giảm điểm vào thứ Hai (13/05), khi nhà đầu tư đối mặt với kỳ vọng lạm phát gia tăng trước khi các báo cáo quan trọng sẽ công bố vào cuối tuần này. Giá dầu tăng khi những dấu hiệu về nhu cầu được cải thiện ở quốc gia nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc và khả năng gián đoạn nguồn cung ở Canada đã giúp giá dầu phục hồi.

Dow quay đầu giảm điểm

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones lùi 81.33 điểm, tương đương 0.21%, xuống 39,431.51 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0.02% xuống 5,221.42 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite tiến 0.29% lên 16,388.24 điểm.

Một cuộc khảo sát của Fed khu vực New York cho thấy người tiêu dùng vào tháng trước đã tăng kỳ vọng về lạm phát cao hơn trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trên cơ sở 1 năm, kỳ vọng lạm phát tăng lên 3.3%. Triển vọng 5 năm tăng lên 2.8%.

Chứng khoán Mỹ đã lấy lại mức tăng trước đó sau khi kết quả khảo sát được công bố. Số liệu này cũng được công bố trước 2 dữ liệu kinh tế quan trọng.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng CPI dự kiến công bố vào ngày 15/05. Các chuyên gia kinh tế dự báo CPI tháng 4 tăng 0.4% so với tháng trước và tăng 3.4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Dow Jones. Chỉ số giá sản xuất PPI, dự kiến công bố vào ngày 14/05, được kỳ vọng tăng 0.3% trong tháng trước.

Cổ phiếu meme GameStop bật tăng 74% sau khi “Roaring Kitty”, biệt danh của nhà giao dịch Reddit đứng sau cơn sốt cổ phiếu meme năm 2021, đã đăng bài trực tuyến lần đầu tiên trong 3 năm.

Dow Jones vừa trải qua tuần tăng tốt nhất năm 2024, tiến hơn 2% trong tuần trước. S&P 500 và Nasdaq Composite đều cộng hơn 2% trong khoảng thời gian này.

Các chỉ số chính đã quay trở lại gần mức cao kỷ lục đã ghi nhận vào tháng 3/2024 sau một đợt điều chỉnh giá ngắn. Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều cách mức đóng cửa cao kỷ lục khoảng 1%.

Dầu tăng giá trước những tín hiệu tích cực về nhu cầu

Kết phiên, hợp đồng dầu Brent nhích 42 xu, tương đương 0.5%, lên 83.21 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI thêm 66 xu, tương đương 0.8%, lên 78.92 USD/thùng.

Dữ liệu của Trung Quốc vào cuối tuần qua cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 4 tăng tháng thứ 3 liên tiếp, trong khi giá sản xuất tiếp tục giảm, báo hiệu nhu cầu trong nước được cải thiện. Nước này cũng đang có kế hoạch huy động 1 ngàn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 138.26 tỷ USD, để kích thích các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.

Về mặt nguồn cung, nhà đầu tư đang chú ý đến khả năng gián đoạn nguồn cung do cháy rừng ở miền tây Canada, sự việc mà Chính phủ nước này đã cảnh báo có thể là “thảm họa”.

Alex Hodes, Chuyên gia phân tíhc tại StoneX, cho rằng: “Sản lượng cát dầu tại Canada hiện có công suất 3.3 triệu thùng/ngày, rất có thể bị ảnh hưởng khi bước sang mùa hè.”

Giá dầu cũng nhận được hỗ trợ từ kỳ vọng rằng OPEC+ sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng sang nửa cuối năm nay.

Iraq, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 2 OPEC, cam kết cắt giảm sản lượng dầu đã được nhóm đồng thuận, Bộ trưởng dầu mỏ nước này cho biết. Những nhận định này được đưa ra sau những đề xuất của ông vào ngày 11/05 rằng Iraq sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất cắt giảm bổ sung nào tại cuộc họp ngày 01/06.

Nhà đầu tư cho biết họ thận trọng về vấn đề Trung Đông khi những hy vọng về lệnh ngừng bắn ở Gaza đã tan thành mây khói. Israel vào ngày 12/05 đã đẩy mạnh tấn công miền bắc Gaza, trong khi số người thiệt mạng trong chiến dịch quân sự của Israel đã vượt qua 35,000 người Palestine.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ dự kiến công bố vào ngày 15/05 để tìm kiếm gợi ý về thời điểm Fed sẽ xem xét hạ lãi suất.

Các chuyên gia phân tích kỳ vọng Fed sẽ giữ lãi suất không đổi lâu hơn, qua đó hỗ trợ đồng USD và làm dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ những đồng tiền khác.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/dow-jones-dut-mach-8-phien-tang-lien-dau-tang-khi-nhu-cau-co-tin-hieu-phuc-hoi-post113996.html