Đồng yen suy yếu có làm ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế Nhật Bản

Thông tin về đồng yen yếu liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, từ TV, báo chí cho đến các quầy giao dịch ngân hàng.

Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Nikkei Asia (25/4): Trong khi đà suy yếu liên tục của đồng yen đang trở thành tâm điểm chú ý, các nhà đầu tư toàn cầu không khỏi băn khoăn liệu giới chức trách ở Tokyo có đang thực sự hành động hay không. Điều tương tự cũng xảy ra với người dân Nhật Bản, khi họ cảm thấy sự mâu thuẫn giữa những báo cáo hào nhoáng về thị trường Nhật Bản và những khó khăn tài chính của chính họ.

Những người lao động Nhật Bản đã chứng kiến thị trường chứng khoán Tokyo đạt đỉnh 34 năm và mức tăng lương mạnh nhất kể từ năm 1991, sau các cuộc đàm phán lương hàng năm giữa các công đoàn và các nhà tuyển dụng lớn. Họ tự hỏi liệu mình có đang bỏ lỡ điều gì không khi lạm phát vẫn tiếp tục vượt xa mức tăng lương đối với hầu hết mọi người.

Thông tin về đồng yen yếu liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, từ TV, báo chí cho đến các quầy giao dịch ngân hàng. Du khách nước ngoài tràn ngập các đường phố và cửa hàng ở các thành phố lớn của Nhật Bản, hưởng lợi từ một "Nhật Bản giá rẻ" mà ít ai ngờ tới. Tuy nhiên, đến thời điểm nào thì đồng yen yếu sẽ "bào mòn" niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản? Có thể nói, Nhật Bản đã đạt đến điểm tới hạn này khi các nhà hoạch định chính sách nước này ngầm chấp nhận đồng yen giảm 9,7% kể từ đầu năm nay. Không đâu xa, chỉ cần nhìn vào kỳ vọng gần như chắc chắn rằng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ không có bất kỳ động thái nào trong cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày bắt đầu từ ngày 25/4.

Thêm vào đó, sự im lặng đến khó hiểu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, vốn là cơ quan đưa ra những quyết định can thiệp vào thị trường tiền tệ. Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki tuy đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Chính phủ nhật Bản đang "theo dõi diễn biến thị trường với tính cấp thiết cao", song việc thiếu vắng hành động kiên quyết để kiềm chế đồng yen lao dốc lại nói lên nhiều điều hơn thế. Trong khi đó, tốc độ bình thường hóa lãi suất một cách chậm chạp của BoJ cũng nói lên điều tương tự.

Các nhà chức trách Nhật Bản có thể khẳng định rằng họ hy vọng đồng yen sẽ ổn định. Tuy nhiên, việc họ không hành động khi đồng USD tăng vọt lại cho thấy họ đang chấp nhận sự trượt giá của đồng yen, thậm chí có thể họ sẽ không bị lay chuyển ngay cả khi đồng yen giảm xuống mức 160 yen đổi 1 USD.

Những tác động tiêu cực đến niềm tin vào nền kinh tế không nên được đánh giá thấp. Làm sao sự suy yếu của đồng yen lại không tồi tệ đối với nhận thức của người dân về "sức khỏe" của kinh tế Nhật Bản, khi nó nhận được quá nhiều sự chú ý? Các nhà đầu tư toàn cầu đổ tiền vào các công ty thuộc chỉ số Nikkei 225, coi chứng khoán Nhật Bản là câu chuyện về "sự trở lại ngoạn mục" của năm. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, ngay cả những nhà đầu cơ cuồng nhiệt nhất cũng sẽ nhận thấy sự mất kết nối giữa một nền kinh tế đang trên đà phục hồi và một ngân hàng trung ương bị kẹt trong vào tình trạng của năm 1999, thời điểm BoJ lần đầu tiên áp dụng lãi suất bằng 0%. Nếu các công ty Nhật Bản đang hướng tới một sự bùng nổ như các quỹ đầu tư toàn cầu hy vọng, thì tại sao Đảng Dân chủ Tự do của Thủ tướng Fumio Kishida lại bám víu vào một chính sách tiền tệ kiểu Argentina- một cuộc gia đang chìm trong khủng hoảng và chứng kiến tình trạng siêu lạm phát? Tại sao Bộ trưởng Suzuki và Thống đốc BOJ Kazuo Ueda không lên tiếng tuyên bố rằng một đồng yen mạnh hơn sẽ có lợi cho Nhật Bản?

Không ai muốn chứng kiến đồng yen đột ngột tăng vọt 20%, nhưng việc Chính phủ đặt ra một giới hạn, chẳng hạn như 150 yen/USD, sẽ thể hiện sự tự tin rằng nền kinh tế lớn thứ hai của châu Á đang thoát khỏi giai đoạn phục hồi. Nó cũng có thể giúp Tokyo tránh can thiệp vào thị trường ngoại hối, điều mà các cơ quan chức năng nước này chưa thực hiện kể từ tháng 10/2022.

Chính phủ Nhật Bản và BoJ nên thành lập một mặt trận thống nhất để chống lại sự suy yếu dai dẳng của đồng yen. Các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản cũng nên khuyến khích BoJ chấm dứt các chương trình nới lỏng định lượng (QE). Một trong những lý do khiến BoJ duy trì lãi suất gần bằng 0 trong một thời gian dài là lo ngại về phản ứng chính trị dữ dội.

Bởi vậy, việc chấm dứt QE sẽ là bước ngoặt quan trọng hướng tới việc khôi phục trạng thái bình thường của nền kinh tế và tạo động lực cho các nhà lập pháp cũng như giới lãnh đạo doanh nghiệp.

Đã 24 năm trôi qua và BoJ vẫn đang trì hoãn việc chấm dứt chương trình QE. Điều này cho thấy ngay cả khi kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 2%, thì mức tăng trưởng này cũng đang được tạo đà bởi chương trình nới lỏng tiền tệ quy mô lớn nhất thế giới và việc người dân vẫn chấp nhận khoản nợ công lớn nhất trong số các quốc gia phát triển. Chiến lược này đang phản tác dụng. Suốt 1/4 thế kỷ, BoJ hoạt động như một cỗ máy rút tiền tự động, làm giảm bớt tính cấp thiết của việc Chính phủ cần cắt giảm thủ tục hành chính, hiện đại hóa thị trường lao động, hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và trao quyền cho phụ nữ. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy ít áp lực để tái cấu trúc, đổi mới và mạo hiểm hơn. Đồng yen yếu đã cản trở việc hồi sinh tâm lý lạc quan mạnh mẽ của thị trường Nhật Bản, vốn từng khiến cả thế giới phải kinh ngạc. Điều này vẫn đúng cho đến ngày nay, mặc dù các nhà đầu tư huyền thoại như tỷ phủ Warren Buffett đang quay trở lại với cổ phiếu Nhật Bản và bất chấp mức tăng thu nhập của các hộ gia đình Nhật Bản không bao giờ được như kỳ vọng. Đã đến lúc các quan chức Tokyo thử một cách tiếp cận khác. Điều này sẽ bắt đầu bằng việc thừa nhận trách nhiệm của họ đối với tình trạng đồng yen không được ưa chuộng và sau đó là thiết kế một tỷ giá hối đoái hợp lý hơn. Cuộc họp tuần này là cơ hội để các quan chức BoJ thảo luận và đề xuất một chiến thuật mới. Thị trường kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản sẽ thực sự hành động.

Minh Trang (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-yen-suy-yeu-co-lam-anh-huong-den-su-phuc-hoi-kinh-te-nhat-ban/331052.html