Đồng yên mất giá kỷ lục, thị trường lao động Nhật Bản vẫn thu hút nhiều lao động Việt

Đồng yên Nhật đang có mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 24 năm, khiến thu nhập của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản (quy đổi sang VND) giảm đáng kể. Tuy nhiên, số lượng lao động sang Nhật làm việc vẫn ngày một tăng lên. Hiện, số lao động sang Việt Nam làm việc tại Nhật Bản vẫn chiếm hơn một nửa số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm.

Giới phân tích nhận định áp lực đối với đồng yên càng lớn hơn khi trên thị trường tiền tệ, đồng USD tiếp tục giữ ưu thế trước các đồng tiền chủ chốt, duy trì xu hướng tăng. Dự báo đồng yên có thể giảm về gần mốc chủ chốt 150 yên đổi 1 USD do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 11 tới đây. Như vậy, hiện nay 1 yên Nhật đã giảm 30% so với trước đây.

Thu nhập giảm 4-7 triệu đồng/tháng vì yên rớt giá

Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 9, Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc với 55.690 lao động. Hiện tổng số lao động đang làm việc tại Nhật Bản lên đến gần 500.000 người.

Nhật Bản tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc với 55.690 lao động.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan, đánh giá mặc dù số lượng không ngừng tăng, nhưng người lao động Việt Nam đang có tâm lý e ngại do đồng yên thời gian qua bị mất giá đáng kể khiến cho thu nhập thực tế của lao động tại Nhật Bản giảm nhiều. Từ đó, dẫn đến người lao động băn khoăn khi lựa chọn làm việc tại thị trường Nhật Bản hay thị trường lao động khác.

Anh Nguyễn Thanh Cường, công nhân chế biến thủy sản tại Hokkaido (Nhật Bản), quê tại Hà Tĩnh cho hay, mức lương hiện tại của anh là 150.000 yên/tháng. Tính theo tỷ giá JPY/VND, đầu năm ngoái mức lương của anh tương đương hơn 33 triệu đồng/tháng, nhưng theo tỷ giá hiện tại, mức lương của anh chỉ còn tương đương 26 triệu đồng/tháng, giảm 7 triệu đồng/tháng.

“Trước đây, 1 yên đổi được hơn 208 đồng, hiện nay chỉ khoảng 159 đồng, tương ứng mức giảm khoảng 6%. Nhiều bạn bè khuyên giữ yên trong tài khoản, khi nào tỷ giá tăng thì gửi về Việt Nam để quy đổi sang tiền Việt, nhưng tôi phải gửi về luôn để trả nợ, nên chấp nhận thiệt thòi”, anh Cường cho biết.

Tính ra cả năm anh Cường bị hụt hơn 80 triệu đồng tiền gửi về cho gia đình. Tình trạng bão giá ở Nhật đang khiến chi phí sinh hoạt trở nên rất đắt đỏ khiến kế hoạch trả nợ của anh Cường sẽ kéo dài hơn dự kiến.

Việc đồng yên mất giá so với các đồng tiền khác, đặc biệt là VND, đã làm giảm đáng kể thu nhập quy đổi sang tiền Việt của các lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy, đồng yên sẽ chưa thể tăng giá trở lại ngay, các lao động Việt Nam ở Nhật vẫn đang tìm cách thích ứng với đồng yên yếu bằng cách chắt chiu hơn trong chi tiêu và một số lao động gom đồng yên đợi tăng giá để đổi gửi về quê hương.

Nhật Bản vẫn là thị trường lao động hấp dẫn

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động cho biết, đồng yên mất giá cũng làm giảm số lượng đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản vẫn có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối người lao động do chế độ phúc lợi, văn hóa, môi trường làm việc phù hợp với người lao động Việt Nam, chính sách gia hạn visa, chuyển đổi visa để hưởng mức lương cao hơn, kéo dài thời gian làm việc tại Nhật Bản vô cùng dễ dàng, thuận lợi.

Bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc điều hành Công ty CP cung ứng nhân lực Tadashi, cho biết mặc dù yên Nhật đang mất giá, nhưng mức lương cho người lao động vẫn hấp dẫn, nếu so sánh số tiền một lao động tiết kiệm được khi làm việc tại Việt Nam với số tiền khi làm việc tại Nhật Bản thì Nhật Bản vẫn là thị trường tốt, người lao động có thể gắn bó lâu dài.

Hơn nữa, các công ty Nhật luôn bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt, hiện nay lượng lao động kết thúc hợp đồng trở về nước có nhu cầu muốn quay lại Nhật Bản làm việc theo chương trình Kỹ năng đặc định (Tokutei) 5 năm là rất lớn.

“Số lượng lao động sang Nhật làm việc vẫn ngày một tăng lên, Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm, tạo nên một cộng đồng người Việt rất đông đảo tại Nhật Bản”, bà Hằng cho hay.

Trước xu thế đồng yên mất giá hiện nay, bà Hằng cho rằng chỉ là tạm thời, người lao động hãy xác định rõ mục tiêu, sở thích, năng lực của bản thân để lựa chọn hướng đi phù hợp nhất cho mình và Nhật Bản vẫn là thị trường tốt và vô cùng tiềm năng.

Được biết, hiện nay, chi phí đi Nhật của mỗi lao động khoảng 80 - 120 triệu đồng, tùy từng công ty. Ông Lê Quang Trường, giám đốc công ty dịch vụ xuất khẩu lao động Sudeco cho hay, chi phí đi Nhật gồm chi phí dịch vụ mà doanh nghiệp được thu theo luật định và chi phí đào tạo trong 6 tháng (phí đào tạo, dịch vụ ăn ở) trung bình 6 triệu đồng/tháng/lao động.

Mặc dù chi phí khá cao, thời gian đào tạo dài, song các doanh nghiệp cho hay, ưu điểm của xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật là có đơn hàng rồi mới đào tạo, nên tỷ lệ xuất cảnh thường lên tới 100%. Còn với trường hợp đào tạo chờ để tuyển dụng, thì tỷ lệ xuất cảnh cũng lên tới 85-90% do thị trường đang phục hồi tốt.

Trước thực tế này, Bộ Lao động & Thương binh xã hội đã đề nghị phía Nhật Bản: Tăng lương tối thiểu, đặc biệt là miễn thuế cư trú và thuế thu nhập đối với thực tập sinh Việt Nam bình đẳng như ở phía Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước khác; Quan tâm thực chất đến quyền lợi người lao động vì mục tiêu hài hòa lợi ích của 2 quốc gia trong thời gian tới.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/dong-yen-mat-gia-ky-luc-thi-truong-lao-dong-nhat-ban-van-thu-hut-nhieu-lao-dong-viet-1096077.html