Động vật có nuôi thú cưng như con người không?

Một số động vật có những hành vi tương tự chăm sóc và gắn bó với các loài khác. Nhưng liệu hành vi này có giống với hành vi nuôi thú cưng của con người?

Khỉ đột Koko và "mèo cưng" của nó. Ảnh: The Gorilla Foundation.

Theo Live Science, hơn 60% dân số Mỹ sở hữu ít nhất một thú cưng, chi tiêu hàng năm cho chúng lên tới hơn 100 tỷ USD. Nhưng liệu có loài nào khác con người nuôi thú cưng hay không?

Bạn có thể đã từng bắt gặp nhiều trường hợp động vật "nuôi" động vật khác. Khỉ đột Koko và "mèo cưng" của nó có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất cho thấy động vật có thể và thực sự nuôi thú cưng.

"Rất tiếc, hầu hết mối quan hệ 'chủ tớ' khác loài này đều diễn ra trong điều kiện do con người tác động. Chúng xảy ra trong các khu bảo tồn, trong nhà của con người hoặc trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu sự gắn bó của động vật. Thực tế, rất hiếm khi những tương tác kiểu này hình thành tự nhiên trong môi trường hoang dã", chuyên gia về hành vi động vật Harold Herzog (Đại học Tây Carolina, Mỹ) cho biết.

Trong tất cả tài liệu khoa học, chuyên gia Harold Herzog cho biết chỉ có vỏn vẹn 5 trường hợp được chứng minh rõ ràng về mối quan hệ nuôi dưỡng khác loài hình thành trong tự nhiên, bao gồm:

Một chú cá heo chăm sóc một chút cá voi đầu dưa,
Một con sư tử nuôi một con báo,
Khỉ Capuchin nuôi khỉ Marmoset,
Cá voi sát thủ nuôi một con cá voi hoa tiêu,
Cá heo lưng gù chăm sóc cá heo thông thường.

Trong những trường hợp này, bản chất của mối liên kết vẫn chưa rõ ràng - liệu đây là nuôi dưỡng con cái hay đang nuôi thú cưng?

Các nhà khoa học gọi chúng là "nuôi dưỡng khác loài" hoặc "nuôi dưỡng khác chi". Nhưng với hàng giờ quan sát tỉ mỉ, chỉ một số ít ví dụ cho thấy hành vi nuôi thú cưng trong tự nhiên vô cùng hiếm hoi.

"Tôi cho rằng con người là loài duy nhất nuôi thú cưng. Những trường hợp ngoại lệ trên càng chứng minh quan điểm của tôi", Herzog khẳng định.

Beth Daly, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Windsor (Canada), chỉ ra 4 lý thuyết chính giải thích lý do con người nuôi thú cưng.

Thứ nhất, nuôi thú cưng thể hiện khả năng chăm sóc của bạn, là "dấu hiệu" cho thấy người bạn đời lý tưởng.

"Nhiều người nói rằng nếu muốn tìm người yêu, hãy nuôi một chú chó và ngồi chơi trong công viên", Daly chia sẻ.

Một giả thuyết khác là con người sử dụng động vật để học cách chăm sóc con cái của chính mình.

Thứ ba, không thể bỏ qua yếu tố cô đơn ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại. Thú cưng trở thành người bạn thân thiết, lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống của nhiều người.

Cuối cùng, thú cưng mang đến niềm vui, sự tích cực cho cuộc sống. Nhưng cả Herzog và Daly đều chưa hoàn toàn tin vào lý do này.

"Chắc chắn, nhiều người coi thú cưng là liều thuốc tinh thần. Nhưng chúng chỉ tốt cho chúng ta nếu không gây rắc rối", Daly chia sẻ.

"Nếu loại bỏ các yếu tố kinh tế xã hội và các biến số khác, phần lớn các nghiên cứu đều cho thấy không có sự khác biệt giữa người nuôi thú cưng và người không nuôi, thậm chí có thể người nuôi thú cưng còn tệ hơn", Herzog nhận định.

Trong một nghiên cứu về trầm cảm ở 46 người nuôi và không nuôi thú cưng, Herzog phát hiện gần 2/3 các nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt về mức độ trầm cảm giữa 2 nhóm.

Vậy điều gì khiến con người trở nên khác biệt với các loài khác? Chuyên gia Herzog cho rằng đó chính là khả năng nhận thức của con người.

"Lý do thú cưng phổ biến ở con người là vì chúng ta có khả năng yêu thương động vật. Bên cạnh đó, con người có nhận thức mà hầu hết loài khác không có - đó là hiểu rằng thú cưng cũng có suy nghĩ, cảm xúc riêng", Herzog nói.

Yếu tố văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng. Điển hình là sự "lây lan" tinh thần, trào lưu - điều mà thế giới động vật không thể có được.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/dong-vat-co-nuoi-thu-cung-nhu-con-nguoi-khong-post1457535.html