Đồng tiền từng mất giá tới mức trở thành đồ chơi trẻ con

Sau thế chiến thứ nhất, đồng mark của Đức rơi vào trượt giá tới mức trẻ con lấy chúng làm trò chơi xếp hình.

 Trẻ em Đức lấy tiền làm diều năm 1922. Nguồn: Rare Historical Photos.

Trẻ em Đức lấy tiền làm diều năm 1922. Nguồn: Rare Historical Photos.

Cách đơn giản nhất để phá hủy một loại tiền tệ là phát hành quá mức. Việc này có thể được thực hiện theo nhiều cách. Thứ nhất, Ngân hàng Trung ương tự phát hành quá nhiều tiền. Thứ hai, các ngân hàng tư nhân tạo ra tín dụng và tiền quá mức. Thứ ba, các nhà đầu cơ tiền tệ trên thị trường sử dụng thủ đoạn "bán khống triệt để" đối với quy mô lớn để phá hủy giá trị của một loại tiền tệ quốc gia. Hệ quả của nó tương đương với việc các nhà đầu cơ tiền tệ phát hành tiền tệ với số lượng lớn.

Trên thực tế, vào tháng 5 năm 1922, khi Ngân hàng Đế quốc Đức rơi vào tay các chủ ngân hàng quốc tế, ba hình thức phát hành quá mức tiền tệ trên đã xuất hiện cùng một lúc.

Xét theo tình huống thứ nhất, việc in tiền giấy với quy mô lớn của Ngân hàng Đế quốc Đức là sự thực, nhưng không phải để chính phủ trả các khoản nợ nước ngoài và giải quyết các khó khăn tài chính.

Nhìn vào trường hợp thứ hai, động thái đối phó với ảnh hưởng của Siêu lạm phát. Có thể thấy qua các mốc thời gian:

Tháng 11/1921, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đôla Mỹ là 330:1.
Từ tháng 1 đến tháng 5/1992, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đôla Mỹ ổn định ở mức 320:1.
Ngày 26/5/1922, Ngân hàng Đế quốc Đức đã được tư nhân hóa.
Tháng 12 năm 1922, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đôla mỹ là 9.000:1.
Tháng 1 năm 1923, cuộc khủng hoảng Ruhr diễn ra, đồng mark liên tục mất giá, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đôla Mỹ là 49.000:1.
Tháng 11 năm 1923, tỷ giá hối đoái của đồng mark so với đồng đôla Mỹ là 4,2 nghìn tỷ:1 (4.200.000.000.000:1).
Năm 1923, vật giá của Đức trung bình cứ sau hai ngày lại tăng gấp đôi.

Thời điểm này, đồng mark Đức đã bị phá hủy hoàn toàn. Trong quá trình mark bị rao bán điên cuồng, Đức đã xuất hiện tình trạng Siêu lạm phát. Nhiều chủ ngân hàng tư nhân bắt đầu phát hành tiền tệ của riêng họ, có thể được hỗ trợ bởi vàng hoặc ngoại hối.

Ngân hàng Đế quốc Đức (lúc này đã tư nhân hóa) bắt đầu dốc hết lực để in tiền nhưng vẫn không thể theo kịp số tiền do các ngân hàng tư nhân phát hành. Một ước tính khi đó được đưa ra: Khoảng một nửa tổng số tiền tệ trong lưu thông của Đức là tiền được phát hành bởi các chủ ngân hàng tư nhân chứ không phải loại tiền tệ chính thức của ngân hàng Đế quốc Đức. Do đó, việc in tiền thừa của các ngân hàng tư nhân gần như chiếm một nửa nguồn siêu lạm phát.

Trường hợp thứ ba tuy ít rõ ràng nhất nhưng lại nguy hiểm nhất. Việc có những nhà đầu cơ bán khống đồng mark Đức một cách có hệ thống và quy mô lớn dẫn đến sự mất giá mạnh của đồng mark, hậu quả của việc này tương đương với một khối lượng khổng lồ tiền giấy được in ra.

Viện bán khống cơ chế hoạt động tiền tệ cơ bản của một quốc gia có thể được chia thành vài giai đoạn. Đầu tiên, loại tiền tệ đó có tồn tại những vấn đề nội sinh rõ ràng. Tình hình ở Đức vào thời điểm đó hoàn toàn phù hợp với điều kiện này. Sau chiến tranh Thế giới thứ Nhất, Đức cần sử dụng ngoại tệ để bồi thường. Hiển nhiên là Đức phải đối mặt với áp lực nợ nước ngoài rất lớn.

Bản thân đồng mark Đức cũng có những khiếm khuyết rõ ràng. Điều này tương tự với tình trạng của "bốn con rồng nhỏ châu Á" trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, nghĩa là gánh nặng nợ nước ngoài quá lớn và họ phải lấy đồng đôla để trả nợ. Trong trường hợp bình thường, vấn đề này có thể được giải quyết dần dần thông qua việc thể chế kinh tế của quốc gia đó tự động khôi phục một cách chậm rãi, chẳng hạn tăng thuế, hoặc tạm thời hạ thấp mức sống của người dân, bằng cách đó, những khoản nợ nước ngoài có thể dần được hoàn trả.

Tuy nhiên khi việc đầu cơ tiền tệ xuất hiện tập trung và đột ngột trong một phạm vi lớn, giá trị của tiền tệ sẽ bị ảnh hưởng. Việc đầu cơ tiền tệ quy mô lớn này vẫn được coi là một hành vi hợp pháp. Trong quá trình đầu cơ, họ chỉ cần bán khống tiền tệ của một quốc gia trong khi loại tiền này đang có những khó khăn và vấn đề nội sinh, cuối cùng các nhà đầu cơ thường sẽ có siêu lợi nhuận.

Những nhà đầu cơ không thực sự sở hữu tiền tệ, họ chỉ tuyên bố rằng họ sở hữu nó. Chỉ cần trong một khoảng thời gian nhất định, loại tiền tệ nào đó bị mất giá mạnh, họ sẽ mua lại tiền từ thị trường với mức giá thấp, xóa bỏ "lời nói dối" ban đầu rằng họ "đang sở hữu" và từ đó có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ. Theo nghĩa này, khi các nhà đầu cơ tiền bán khống một lượng tiền tệ không tồn tại mà họ tuyên bố "đang sở hữu", điều cốt lõi là họ có quyền tạo ra một loại tiền tệ như vậy trong khoảng thời gian nhất định.

Các nhà đầu cơ tiền tệ này thường ra tay cùng một lúc. Họ đồng loạt bán khống quy mô lớn loại tiền tệ của quốc gia nào đó, đến khi loại tiền đó đủ yếu, hành vi bán khống sẽ có hiệu ứng "tự thực hiện" mạnh mẽ. Kết quả cuối cùng là giá trị của đồng tiền đó rơi tự do, nghiêm trọng thì có thể xuất hiện tình trạng khủng hoảng.

Sự khủng hoảng tiền tệ sẽ dẫn đến một phản ứng dây chuyền, kích hoạt bản năng hoảng loạn của các tầng lớp xã hội khác nhau, khiến dân chúng đem bán một lượng lớn nội tệ để đối lấy ngoại tệ, dẫn đến hành vi bán khống quy mô lớn hơn trên thị trường.

Song Hong Bin/ Bách Việt Books & NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-tien-tung-mat-gia-toi-muc-tro-thanh-do-choi-tre-con-post1426731.html