Dòng tiền đứng ngoài, VN-Index về mốc 1.170 điểm

Thanh khoản thấp, lực mua còn hạn chế và thiếu nhóm ngành dẫn dắt khiến phiên giao dịch 25/1 trở nên trầm lắng, VN-Index chỉ giằng co quanh mốc tham chiếu.

Áp lực điều chỉnh từ phiên hôm qua vẫn còn "vương" trên thị trường, khiến VN-Index mở cửa phiên sáng 25/1 khá thận trọng, thậm chí có thời điểm thủng mốc 1.170 điểm trước khi bật hồi trở lại.

Dù vậy, chỉ số vẫn trong vùng giảm giá so với hôm qua. Các cổ phiếu bắt đầu có sự phân hóa rộng hơn, các mã tham chiếu đã dần "chọn phe", chủ yếu là nghiêng về phe bán.

Nhà đầu tư vẫn chưa xuống tiền dứt khoát khiên thanh khoản sụt giảm.

Sang phiên chiều, chỉ số VN-Index có thêm nhịp đảo chiều lên trên tham chiếu, nhưng sắc xanh chỉ le lói trong ít phút trước khi áp lực cung gia tăng khiến chỉ số một lần nữa thủng mốc 1.170 điểm. Sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên cả 3 sàn đi kèm sự thờ ơ của dòng tiền đứng ngoài cuộc.

Kết phiên, VN-Index dừng ở mức 1.170,37 điểm, tương ứng giảm 2,6 điểm (-0,22%). Độ rộng thị trường nghiêng về tiêu cực với số lượng mã giảm áp đảo (301 mã giảm/140 mã tăng). Gây sức ép chính lên thị trường chính là nhóm vốn hóa lớn với chỉ số VN30 giảm 0,16%, trong khi VNMidcap tăng nhẹ 0,13%, còn VNSmallcap gần như đi ngang.

Thanh khoản sàn HoSE đạt vỏn vẹn 11.360 tỷ đồng, sụt giảm 25% so với phiên trước và ở mức thấp nhất trong vòng một tháng qua. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo hướng tích cực, với thanh khoản thấp như vậy mà đà giảm của chỉ số không lớn, chứng tỏ lực bán cũng đã có dấu hiệu suy yếu dần. Có thể, các phiên tới, thị trường sẽ có những nhịp phục hồi đáng kể.

Các cổ phiếu tiêu biểu hôm nay có MWG (+1,8%), DGW (+2,6%) và FRT tăng trần (+6,94%). Ngược lại, áp lực lớn nhất lên chỉ số vẫn chủ yếu đến từ một số mã trụ cột như BID (-1%), SAB (-2,5%), VHM (-0,9%), VIC (-0,8%), GAS (-0,5%).

Phần còn lại dù giao dịch khá thận trọng nhưng nhìn chung vẫn trong biên độ nhẹ, ngoại trừ số ít mã như BMP (-4%), HNG (-3,2%), MIG (-1,9%), ANV (-1,7%).

Xét về nhóm ngành, dòng tiền xoay vòng chậm trong bối cảnh thanh khoản thấp, với tâm điểm ở nhóm Bán lẻ (+1,81%) với các đại diện FRT, DGW và MWG đồng thuận đi lên như đã nhắc ở trên.

Sau giai đoạn điều chỉnh, FRT của FPT Retail hiện đã về lại vùng đỉnh lịch sử 106.000 đồng/cổ phiếu. Công ty hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 nhưng được kỳ vọng sẽ hồi phục tích cực khi lợi nhuận của chuỗi FPT Shop đã có dấu hiệu chạm đáy trong quý III và chuỗi Long Châu vẫn tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ.

Vài mã Thép – Tôn mạ (+0,08%), Bất động sản (-0,51%) như HSG (+1,1%), SIP (+2,8%), KDH (+1%) cũng là điểm nhấn trong phiên.

Nhóm Ngân hàng (-0,26%) đã mất đi vai trò dẫn dắt trong các phiên gần đây, chỉ có SGB tăng mạnh nhất 2,3%. BVB, CTG, EIB, KLB, LPB, OCB, PGB, SHB cũng ở chiều tăng nhưng tỷ lệ đều không đến 1%. Chiều giảm mạnh nhất là VIB -1,2%. Nhiều mã đứng tham chiếu, gồm ACB, BAB, SSB, VAB, VBB, VPB.

Nhóm Chứng khoán (-0,19%) ghi nhận các mã đầu ngành như SSI, VND, VCI, VIX đều giảm giá nhưng tỷ lệ chênh lệch dưới 1%. HCM tăng nhẹ 0,4%, SHS đứng tham chiếu. Bứt phá nhất là PHS tăng trần, trong khi giảm mạnh nhất là VUA -4,8%.

Về giao dịch của khối ngoại, khối này đảo chiều rút ròng 159 tỷ đồng sau 2 tuần liên tục vào ròng, bán ròng nhiều nhất tại SAB (-61 tỷ đồng), DGC (-59 tỷ đồng), VNM (-59 tỷ đồng). Ngược lại, HPG (+70 tỷ đồng) là mã được mua ròng tích cực nhất.

Về mặt kỹ thuật, RSI sau khi lên vùng quá mua, sau 3 phiên vừa qua đã giảm trở lại, VN-Index hôm nay về sát đường trung bình 9 ngày và các chỉ số khác chưa phát ra nhiều cảnh báo về việc đảo chiều xu hướng mạnh có thể xảy ra.

Minh Lâm

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dong-tien-dung-ngoai-vn-index-ve-moc-1-170-diem.html