Đồng Tháp triển khai trồng thí điểm một số giống sen mới phục vụ du lịch sinh thái

Ngày 26/10, tại Tổ hợp tác sen Lê Bo (xã Phương Thịnh, huyện Cao Lãnh), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Quản lý khai thác công trình thủy lợi và Nước sạch nông thôn tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (NC&PT) hoa, cây cảnh tổ chức Hội nghị sơ kết mô hình khuyến nông trung ương “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị”, giai đoạn 2022 - 2024 tại tỉnh Đồng Tháp.

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bìa trái) và ông Đặng Văn Đông - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (bìa phải) tham quan mô hình trình diễn các giống sen mới tại Tổ hợp tác sen Lê Bo

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bìa trái) và ông Đặng Văn Đông - Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (bìa phải) tham quan mô hình trình diễn các giống sen mới tại Tổ hợp tác sen Lê Bo

Tham dự hội nghị có ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ông Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cùng hơn 30 đại biểu là nông dân trồng sen, cán bộ quản lý nông nghiệp các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười.

Mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị được triển khai bắt đầu từ tháng 2/2023, với quy mô 9ha, tại Ấp 5, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh. Theo đó, nông dân tham gia mô hình sẽ được hỗ trợ 50% chi phí vật tư đầu vào và cây sen giống. Các giống sen mới được triển khai trong mô hình gồm: sen Super, sen Quan Âm trắng, sen Hồng Đồng Tháp, sen Bách Diệp hồng, sen Mặt Bằng. Ngoài được hỗ trợ vật tư đầu vào, nông dân còn được hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc sen theo hướng an toàn sinh học, hỗ trợ nông dân kết nối với doanh nghiệp thu mua...

Theo Trung tâm NC&PT hoa, cây cảnh, mô hình góp phần hình thành tập quán canh tác sản xuất các sản phẩm hoa sen theo quy mô lớn. Đồng thời, mô hình này còn góp phần giúp nông dân thấy được tiềm năng trong việc trồng cây sen gắn với du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Đây được xem là đòn bẩy quan trọng giúp nâng cao giá trị cây sen của tỉnh nhà và thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Dự kiến, trong năm 2024, mô hình sẽ tiếp tục được triển khai ở huyện Tháp Mười.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết, ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, bên cạnh việc phát triển vùng chuyên canh sen lấy gương và lấy hạt, Đồng Tháp rất có tiềm năng trong phát triển du lịch sinh thái. Việc “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị” là mô hình cần thiết giúp tỉnh tạo được sự đa dạng về bộ sưu tập các giống hoa sen phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến, du lịch. Với các giống sen mới đang được trồng thí điểm, Đồng Tháp sẽ chắt lọc, lựa chọn những giống sen phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng tại địa phương để tiến hành nhân rộng và đưa vào phục vụ du lịch...

MỸ LÝ

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/dong-thap-trien-khai-trong-thi-diem-mot-so-giong-sen-moi-phuc-vu-du-lich-sinh-thai-117663.aspx