Đồng Tháp đón nhận di sản quốc gia 'Nghề làm bột gạo Sa Đéc'

Sản phẩm bột gạo Sa Đéc hình thành và phát triển hơn 100 năm, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Từ bột gạo, có thể chế biến ra nhiều mặt hàng hấp dẫn, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội.

Lãnh đạo thành phố Sa Đéc nhận chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc”.

Tối 26/4, Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống, Tri thức dân gian “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” xã Tân Phú Đông và phường 2, thành phố Sa Đéc. Đồng thời, khai mạc Lễ hội Hòa Bình lần thứ III năm 2024.

Nghề làm bột gạo Sa Đéc được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là kết quả cả quá trình nâng niu, gìn giữ và phát huy giá trị, gắn với tập quán sinh hoạt của cư dân.

Làm bột gạo tươi tại cơ sở sản xuất của ông Tư Nương (phường 2, thành phố Sa Đéc). Ảnh: KIM NGÂN

Nghề làm bột Sa Đéc trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển. Thị trường tiêu thụ bột ngày nay đã phát triển, các nhà máy chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh tiêu thụ bình quân hàng trăm tấn bột tươi mỗi ngày để làm ra các sản phẩm ăn liền như: mì, hủ tiếu, phở, bánh canh, cháo…

Bột Sa Đéc còn được cung cấp, tiêu thụ ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, khắp các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ và xuất khẩu đi một số nước.

Sản phẩm bột được chia làm 2 loại: Bột tươi ướt được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm; bột khô có thể dùng dự trữ lâu, chế biến dần.

Từ bột, người ta có thể chế biến ra nhiều mặt hàng rất hấp dẫn, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống xã hội.

Hiện nay, nghề làm bột Sa Đéc có gần 350 hộ sản xuất với hơn 2.000 lao động, chủ yếu ở xã Tân Phú Đông và phường 2, sản xuất hơn 50 ngàn tấn bột/năm.

Tặng Giấy khen cho 2 tập thể, 14 hộ gia đình và 6 cá nhân có thành tích đóng góp trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển “Nghề làm bột gạo Sa Đéc.

Với cách làm thủ công truyền thống, nhiều cơ sở cho ra sản phẩm bột đạt chất lượng ngon, dẻo dai, trắng mịn. Nghề làm bột gạo phải trải qua 10 công đoạn như: Lựa chọn tấm (gạo), làm sạch tấm (gạo), xay tấm (gạo), dằn bột, đánh tơi bột, lắng gạn, hớt bột, chia bột, bẻ bột, phơi bột và đóng gói thành phẩm.

Các sản phẩm OCOP làm từ bột Sa Đéc được xếp hạng 4 sao như bột gạo lứt lúa mạch hạt sen, bánh hỏi khô, bột bánh xèo cốt dừa, nui gạo, bún gạo lứt, hủ tiếu gạo lứt, phở gạo lứt, hủ tiếu khô, phở khô.

Lễ hội Hòa Bình và Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm bột gạo Sa Đéc” là dịp để khẳng định quá trình hình thành và phát triển của làng nghề, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời khẳng định vị thế của nghề làm bột gạo Sa Đéc trong đời sống xã hội hôm nay và mãi mãi về sau.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-thap-don-nhan-di-san-quoc-gia-nghe-lam-bot-gao-sa-dec-post806864.html