Động thái bất ngờ của Bắc Kinh

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Afghanistan vừa qua đánh dấu một trong những cam kết cấp cao nhất trên thế giới đối với chế độ Taliban. Nội dung chính của cuộc gặp là 'để thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm việc mở rộng quan hệ chính trị, hợp tác kinh tế, quá cảnh và các mối quan hệ khu vực'.

Chuyến thăm có tính toán

Theo The Diplomat, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc đã bất ngờ có mặt tại Thủ đô Kabul hôm 24.3 trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang lo lắng trước việc chính quyền Taliban thất hứa về quyết định mở cửa lại trường học đối với các nữ sinh trên lớp 6. Chuyến thăm diễn ra một tuần trước khi Bắc Kinh chủ trì cuộc họp với sự tham gia của đại diện các nước láng giềng của Afghanistan, thảo luận cách thức hỗ trợ quốc gia Tây Nam Á đang phải đối mặt với khủng hoảng tài chính và nhân đạo sau khi Taliban kiểm soát đất nước. Đây cũng là dịp tạo cơ hội cho chính quyền này trình bày đánh giá riêng về tình hình đất nước.

Lực lượng Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan từ tháng 8.2021 trong những tuần hỗn loạn cuối cùng của việc rút các lực lượng Mỹ và NATO khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh. Kể từ đó, chính quyền Taliban muốn tìm kiếm sự công nhận của quốc tế để mở cửa nền kinh tế của đất nước, vốn bị rơi tự do kể từ khi họ tiếp quản.

Mặc dù Trung Quốc vẫn chưa công nhận Taliban là các nhà lãnh đạo hợp pháp, nhưng chính quyền Bắc Kinh tránh chỉ trích các nhà cầm quyền mới của Afghanistan, bất chấp các quy định hà khắc của họ đặc biệt nhắm vào phụ nữ, những người bị từ chối quyền làm việc và được tiếp cận đầy đủ với giáo dục.

Hôm 23.3, Taliban bất ngờ đảo ngược kế hoạch mở lại các trường học ở Afghanistan cho các nữ sinh trên lớp 6, không giữ lời hứa từng được coi là động thái xoa dịu quan điểm hà khắc của họ và phải trả giá bằng việc cộng đồng quốc tế xa lánh hơn. Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu, Trung Quốc mong đợi “Afghanistan tiếp tục xây dựng nền quản trị toàn diện và thận trọng, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em, đồng thời thể hiện sự khoan dung và thân thiện của người Hồi giáo”.

Trung Quốc cũng giữ cho Đại sứ quán của mình ở Kabul được mở cửa và cung cấp hỗ trợ khẩn cấp hạn chế.

Liên minh do Mỹ dẫn đầu thực hiện chiến dịch truy quét Taliban vào năm 2001 sau khi lực lượng này từ chối giao nộp thủ lĩnh Al Qaida Osama bin Laden sau vụ khủng bố 11.9 ở Mỹ. Taliban trở lại nắm quyền vào giữa tháng 8.2021 và thành lập một chính quyền toàn nam giới, chỉ có các thành viên Taliban. Cộng đồng quốc tế đã phải kêu gọi họ mở cửa Chính phủ cho người dân tộc thiểu số và phụ nữ.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm bất ngờ tới Afghanistan

Nguồn: AFP

Mục tiêu hợp tác

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị là một trong những nhà lãnh đạo cấp cao nhất trên thế giới đến Afghanistan kể từ khi Taliban tiếp quản đất nước. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Afghanistan, hai bên sẽ mở rộng mối quan hệ kinh tế và khai thác mỏ, vốn là hai lĩnh vực mà Trung Quốc có lợi ích ở quốc gia Tây Nam Á này. Ngoài ra, những người Afghanistan quen thuộc với các cuộc đàm phán trong quá khứ giữa Taliban và giới chức Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh muốn Taliban cam kết ngăn chặn các chiến binh ly khai Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (mặc dù trong tuyên bố chính thức của cuộc gặp vừa qua, lực lượng này không được đề cập trực tiếp) thiết lập hoạt động ở Afghanistan.

Tháng 7 năm ngoái, trước khi Taliban trở lại nắm chính quyền, Ngoại trưởng Vương Nghị từng tiếp đón phái đoàn cấp cao của Taliban do lãnh đạo cao nhất của họ, Abdul Ghani Baradar, dẫn đầu tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. Tại cuộc họp đó, Ngoại trưởng Vương Nghị muốn bảo đảm rằng, Taliban sẽ không cho phép các nhóm chống Trung Quốc hoạt động dưới sự cầm quyền của họ và gọi Taliban là “lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt ở Afghanistan”.

Trung Quốc quan tâm đến một Afghanistan ổn định vì nơi đây từng được sử dụng làm căn cứ cho các cuộc tấn công nổi dậy chống lại công dân Trung Quốc ở nước láng giềng Pakistan. Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), dự án trung chuyển và thương mại nối Cảng Gwadar của Biển Ảrập ở Pakistan với Trung Quốc ở phía Đông Bắc miền Tây. Pakistan từng phàn nàn rằng, các nhóm chiến binh - bao gồm cả những nhóm nhắm mục tiêu vào các dự án CPEC - đang tìm nơi trú ẩn ở Afghanistan.

Trung Quốc có chung đường biên giới dài 76km với Afghanistan. Vì vậy, đất nước gấu trúc mong muốn duy trì ổn định tại nước này để bảo đảm an ninh biên giới và tiếp tục đầu tư chiến lược vào quốc gia láng giềng Pakistan. Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Trung Quốc đã được Pakistan đón tiếp đặc biệt tại Hội nghị Ngoại trưởng các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.

Ngược lại, phía chính quyền Taliban cũng mong muốn phát triển quan hệ với Trung Quốc trong vấn đề đầu tư và hỗ trợ kinh tế. Tân Hoa xã trích lời Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Trung Quốc là quốc gia thường xuyên phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương như Mỹ và nhiều nước khác áp đặt lên Taliban, đồng thời khẳng định đất nước gấu trúc “sẵn sàng thực hiện hợp tác cùng có lợi với Afghanistan một cách có trật tự, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của Afghanistan”.

Ông cũng phát biểu, Trung Quốc hy vọng chính quyền Afghanistan sẽ thiết lập một cấu trúc chính trị bao trùm, thực hiện các chính sách thận trọng và nỗ lực tích cực để phục vụ lợi ích của người dân, cũng như đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dong-thai-bat-ngo-cua-bac-kinh-asyupnfqke-81369