Dòng sông mang âm hưởng những con tàu vượt sóng

Tiếng sóng rầm rào, ì ào. Lúc nhanh lúc chậm, lúc mạnh mẽ dữ dội, lúc êm dịu nhịp nhàng, lúc tung những bột trắng như tuyết, lúc là những ngọn nước lăn tăn. Tiếng sóng tuổi thơ, tiếng sóng mang nhiều ước mơ thi vị của tuổi thanh niên. Tiếng sóng hiện tại, bên trong tôi, bên ngoài tôi. Bờ biển trải dài, đại dương xanh ngút ngát.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi đi dọc cửa Sa Cần, hạ nguồn dòng sông Trà Bồng nên thơ, đưa mắt về nơi xa xôi biển bờ, và trùng dương muôn thẳm. Bờ cát trắng mềm mịn, in vết chân tôi sâu đậm. Những cơn gió mang theo hơi nước tạt thẳng vào mặt, một vị biển quen thuộc.

Trên cửa sông, những con tàu nhấp nhô, phô mình trong tiết trời cuối đông se lạnh. Hơi lạnh xứ Quảng miền Trung là một cái gì đó êm dịu, làm cho con người dễ trôi vào trạng thái phiêu diêu. Làng biển thời điểm này khá yên ắng, thi thoảng mới có vài chiếc thúng, chiếc thuyền nhỏ, chạy từ biển vào. Mùa đông gắn liền với mùa vắng việc của bà con ngư dân. Việc chính của họ là ở nhà vá lưới, sửa chữa lại những con tàu, để chuẩn bị cho một mùa xuân huyên náo, lòng người háo hức vươn mình ra khơi xa.

Bên cạnh cửa sông có hai ngọn núi, cách nhau một quãng tương đối xa. Người trong làng đặt tên hai ngọn núi là hòn Ông, hòn Bà. Hòn Bà nằm trên điểm cuối cùng của dòng Trà Bồng, trước khi nước tuồng ra biển. Hòn Ông thuộc về biển, nhưng gần cửa sông. Theo truyền thuyết dân gian, đây là câu chuyện về mối tình của Bà Sông – Ông Biển, hai người yêu nhau nhưng không đến được với nhau.

Cũng có tích kể, bà ở cửa sông đợi ông đi biển ngoài khơi xa về. Ông đi biển nhưng bị gió lốc cuốn trôi, chết đi, linh hồn hóa thành ngọn núi. Bà đợi héo hon, rồi cũng hóa thành núi đá, ngàn năm trông ngóng tin chồng. Câu chuyện về hai ngọn núi, có nhiều dị bản, thậm chí nội dung khác nhau. Nhưng nhờ hai ngọn núi, cửa Sa Cần thêm ấm áp. Mùa đông, nhờ núi che bớt gió, để những con tàu tránh bão an toàn.

Dòng Trà Bồng nằm ở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, là một trong ba con sông lớn nhất tỉnh. Thượng nguồn là những con suối trên vùng núi cao ở phía Tây của huyện Trà Bồng, chảy dần qua huyện Trà Bồng và huyện Bình Sơn, hợp lưu với vài nhánh sông nhỏ phía hạ nguồn, sau đó đổ ra biển, tại cửa Sa Cần. Dòng sông mang trong mình chất thơ tự nhiên, tách làm hai nhánh, tạo thành một cù lao có tên Bình Dương.

Nơi đây, chính là chất liệu để nhà thơ Tế Hanh sáng tác lên hai bài thơ nổi tiếng Nhớ con sông quê hương, Quê hương. Trong bài thơ, chất phồn sinh do phù sa mang lại, được nhà thơ Tế Hanh thể hiện khá đủ đầy. Nào cá tôm cua ốc, nào đất canh tác tươi tốt, những thửa ruộng màu mỡ, phì nhiêu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Với chiều dài hơn 70 ki lô mét, và lưu vực hơn 697 ki lô mét vuông, dòng Trà Bồng đã tác động rất lớn đến đời sống của những người hai bên dòng sông. Khi xã hội còn thuần nông, lối sống dựa nhiều vào nguồn nước, trong sản xuất nông nghiệp, thì dòng Trà Bồng là nguồn sinh kế quan trọng cho người dân hai huyện Trà Bồng và Bình Sơn phát triển canh tác.

Ngược lên thượng nguồn, khi đất nước đi vào công nghiệp hóa hiện đại hóa, cũng như bao nhiêu dòng sông khác, sông Trà Bồng là nguồn nước dồi dào để tỉnh Quảng Ngãi làm những thủy điện, như: thủy điện Hà Nang, thủy điện Cà Đú, thủy điện Kà Tinh 1, thủy điện Kà Tinh 2, thủy điện Trà Phong… Nguồn điện thu được từ dòng Trà Bồng đóng góp một phần quan trọng trong phát triển điện lưới quốc gia. Từ đó, phát triển kinh tế tỉnh. Lợi ích dòng Trà Bồng mang lại, trong phát triển thủy điện, phát triển kinh tế, là rất lớn. Bởi, từ một dòng sông chính, rẽ ra nhiều nhánh sông phụ, và nhiều hạ lưu, tạo nên hoa lợi cho nhiều vùng quê nghèo khó.

Chạy theo hạ lưu dòng Trà Bồng, như các xã Bình Dương, Bình Chánh, Bình Thạnh, ta sẽ thấy những hồ nuôi tôm. Trong giai đoạn phát triển nông nghiệp nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ dân nắm bắt thời thế, đã nuôi tôm thành công, tạo nên sự giàu có cho gia đình. Đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế địa phương. Đi xuôi về cửa Sa Cần, ta lại bắt gặp những hộ nuôi cá trong lồng. Nhờ dòng sông, nhiều hộ thoát nghèo dựa vào nuôi cá.

Dòng Trà Bồng mang trong mình sức mạnh tự nhiên, đem đến đời sống no đủ cho người dân xứ sở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi, từ thời nông nghiệp đến đời sống công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tuy mỗi thời đại mỗi khác nhau về giá trị phát triển của dòng sông, nhưng nếu không có dòng sông, có lẽ đời sống của người dân vất vả hơn rất nhiều. Tôi nhớ, những ngày còn thơ, gia đình không có cái ăn, chỉ cần xuống sông mò cua nươm cá là có bữa ăn ngay. Việc khai thác thủy sản mang lại bữa ăn no đủ.

Gió biển miên man, dạo dọc bờ biển, tôi vừa tìm tư liệu về dòng Trà Bồng. Tâm trí tôi bồng bềnh theo gió, đi đến cửa sông lúc nào không hay. Trước mắt tôi hiện ra lô lố những con tàu, hết hàng nối hàng, thẳng tắp, từ cửa sông chạy thẳng vào sâu phía trong, kéo dài hàng trăm mét. Đó là những con tàu đi mực, của ngư dân các xã thuộc huyện Bình Sơn. Mùa đông, tàu về neo ở bến, chờ đưa lên bờ sửa chữa, để chuẩn bị cho một mùa vươn khơi tiếp theo. Mỗi con tàu mang trên mình một biển số, bên cạnh những con mắt tàu.

Nhìn hàng tàu, làm tôi nhớ đến những ngày đua thuyền ở quê. Đó là vào mùa xuân, bà con ngươi dân tổ chức đua thuyền. Các nhóm, đội, xã cùng thi với nhau, trong tiếng hò reo của những người đi xem. Lễ hội đua thuyền là một trong những lễ hội truyền thống, và quan trọng của ngư dân. Cái văn hóa mang đậm tinh thần biển nước ấy, đã ăn sâu vào trong ký ức tôi.

Sức mạnh của những chàng trai, cô gái xứ biển, thể hiện qua những mái chèo, và kỹ thuật kết hợp trong chèo thuyền. Trước khi những con tàu lớn vươn mình ra trùng dương biển khơi, thì hội đua thuyền được tổ chức, như cổ vũ cho tinh thần không ngại gian khó hiểm nguy, bám biển làm giàu, đồng thời cùng đất nước giữ gìn biên cương trên biển.

Đặc điểm của dòng Trà Bồng ở hạ lưu là nước nông, do có cồn cát, nên dòng sông chảy hiền hòa, tạo thuận lợi cho việc neo đậu tàu ngoài khơi xa về. Cửa Sa Cần là một trong những cửa biển quan trọng giúp ngư dân tránh bão, nhờ địa thế tránh được gió mạnh thổi trực diện từ biển vào, do có núi che (Hòn Ông, Hòn Bà, Hòn Trà) và cửa sông không quá trống gió.

Dòng Trà Bồng là thế, trên thượng nguồn là những đập thủy điện, ở lưu vực sông là những cánh đồng tươi tốt và những hồ nuôi trồng thủy sản, phía hạ lưu là bến đỗ an toàn cho tàu cá tàu mực của ngư dân. Rõ ràng, dòng sông mang trong mình một xứ mệnh lớn, thiêng liêng, đem lại đời sống ấm no cho bao nhiêu con người.

Tôi vẫn đi dọc cửa sông, bao nhiêu hồi ức về tuổi thơ nghèo khó, nhờ dòng sông nuôi nấng nên người, lại trỗi dậy trong tôi. Tự nhiên mang trong mình một sức mạnh, dòng sông mang trong mình một sức mạnh, điều mà không gì có thể thay thế được. Nếu như trên thế giới này thiếu những dòng sông, có lẽ, nền văn minh của nhân loại đã khác, lịch sử của nhân loại đã khác.

Và quê hương tôi, nếu thiếu đi dòng sông Trà Bồng, thì có lẽ, lịch sử kiến tạo nên bản sắc quê hương cũng không được như ngày hôm nay. Bên dòng Trà Bồng này, trước kia là những chiếc thuyền ngược cửa Sa Cần, lên tận thị trấn Châu Ổ để giao thương hàng hóa; thì nay là những con tàu, lớp lớp, sau khi qua hết mùa đông, lại chuẩn bị một mùa xuân mới, vươn khơi.

Dù sông mang đến bao lợi ích, từ việc làm thủy điện cho tới việc nuôi thủy sản, thì trong tâm thức tôi, âm hưởng chính của dòng Trà Bồng, vẫn là hình ảnh những con tàu vượt sóng vươn khơi. Người dân biển quê tôi, dù bao mất mát và hi sinh, khi trên biển có những hiểm nguy, từ gió lốc của thiên nhiên, cho đến những “vòi rồng” của những con tàu lớn của quốc gia khác, thì họ vẫn kiên định ý chí, cho những hành trình vươn khơi.

Và dòng Trà Bồng, vẫn ở đó, đợi họ trở về.

Hà Hương Sơn

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dong-song-mang-am-huong-nhung-con-tau-vuot-song-20180504224294951.htm