Đồng Nai xử lý mạnh tay với chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Đồng Nai được xem là 'thủ phủ chăn nuôi' của cả nước. Mặt trái của việc phát triển chăn nuôi là môi trường bị ô nhiễm. Để kiểm soát chặt hơn, chính quyền tỉnh Đồng Nai đang mạnh tay hơn với các cơ sở chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Không cho tiếp tục nuôi

Huyện Thống Nhất là địa phương phát triển mạnh về lĩnh vực chăn nuôi. Chỉ riêng tại xã Lộ 25, trong số 52 trang trại chăn nuôi heo thì có 34 trang trại là chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp với gần 31.000 con. Còn 18 trang trại đã bị buộc dừng chăn nuôi vì không đảm bảo về môi trường.

Mới đây, cơ quan chức năng phát hiện một trang trại ở xã Lộ 25 xả thải trái phép ra môi trường. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, hơn 300 con heo bị buộc phải xuất chuồng dù chưa đủ trọng lượng.

Ông Trần Thanh Tùng – người chăn nuôi cho biết: “Tôi nghỉ nuôi cũng lâu lắm rồi. Mới thả heo lại gần đây thôi. Bây giờ kiểm tra môi trường thì lại không phù hợp với văn bản mới. Tôi cũng chấp hành, không chống đối gì. Qua đây cũng mong muốn chính quyền tạo điều kiện, hướng dẫn cụ thể những điều cần làm về môi trường, chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm chỉnh”.

Yêu cầu trang trại không đảm bảo môi trường phải xuất heo

Yêu cầu trang trại không đảm bảo môi trường phải xuất heo

Chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI đang là mô hình khá phổ biến ở huyện Thống Nhất. Tuy nhiên, nhiều trang trại nuôi gia công lại vi phạm quy định bảo vệ môi trường. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện Thống Nhất đã ra quyết định xử phạt các cơ sở chăn nuôi vi phạm môi trường số tiền 1,2 tỷ đồng.

Ông Lê Quang Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Lộ 25, huyện Thống Nhất cho biết: “Qua quá trình kiểm tra cho thấy, người dân cũng có ý thức chấp hành, và cũng nhận thức được vai trò của việc bảo vệ môi trường. Hiện, với một số trang trại đã xử phạt vi phạm hành chính và có hướng xuất heo sớm để tiến hành khắc phục hậu quả do vi phạm môi trường. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục tới các điểm nóng và từ các phản ánh của người dân xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm về môi trường”.

Di dời hàng ngàn cơ sở

Mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định di dời hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Các cơ sở phải di dời chủ yếu là nuôi heo và gà, lộ trình chậm nhất phải di dời là trước 31/12/2024. Số lượng hơn 3.000 cơ sở chăn nuôi phải di dời hoặc ngưng hoạt động chiếm hơn 50% sản lượng ngành chăn nuôi của tỉnh.

Nhiều cơ sở chăn nuôi gia công tại huyện Thống Nhất không đảm bảo môi trường

Nhiều cơ sở chăn nuôi gia công tại huyện Thống Nhất không đảm bảo môi trường

Các cơ sở chăn nuôi heo và gà tập trung nhiều ở các huyện Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất, Vĩnh Cửu. Ông Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết: “Sản xuất phải mang tính chất bền vững. Hiện nay, tỉnh đã đạt nhiều xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Định hướng của tỉnh Đồng Nai sẽ phát triển khai thác du lịch, vì vậy vấn đề môi trường cần được coi trọng”.

“Thủ phủ” chăn nuôi Đồng Nai hiện có tổng đàn heo là hơn 2,6 triệu con và tổng đàn gà khoảng 26 triệu con. Tính riêng năm 2022, sản lượng ngành chăn nuôi đạt hơn 644.000 tấn. Việc kiểm soát chặt chẽ về môi trường là một trong các yêu cầu rất cần thiết để đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Duy Phương/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dong-nai-xu-ly-manh-tay-voi-chan-nuoi-gay-o-nhiem-moi-truong-post1038834.vov