Đồng Nai: Gần 1.000 cơ sở chăn nuôi 'lơ' giấy phép môi trường

Huyện Thống Nhất (Đồng Nai) hiện có 1.200 cơ sở chăn nuôi, trong đó có 84 trang trại có giấy phép môi trường, hơn 330 trang trại và hơn 600 cơ sở chăn nuôi nhỏ không có giấy phép. Quan ngại, trong số trang trại chưa có giấy phép môi trường nhiều cơ sở đang nuôi gia công cho các 'đại gia' của ngành.

Theo tin từ Báo Đồng Nai, mới đây UBND huyện Thống Nhất đã đối thoại với người chăn nuôi nhằm từng bước khắc phục các tồn tại.

Huyện Thống Nhất là địa phương phát triển chăn nuôi sớm và lớn nhất tỉnh nên thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư, hợp tác. Nhờ đó, nhiều gia đình vươn lên khá giả, đóng góp vào kết quả xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Thế nhưng, vẫn còn nhiều tồn tại lớn cần khắc phục ngay.

Theo thống kê, tính đến cuối tháng 6/2023, Huyện Thống Nhất có hơn 1.200 cơ sở chăn nuôi, trong đó hơn 400 trang trại. Việc phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại đã phần nào giảm được rủi ro về dịch bệnh và môi trường, tạo điều kiện hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - phân phối.

Tuy nhiên, do phát triển chăn nuôi sớm và chưa tuân thủ nghiêm các quy định về: xây dựng, môi trường, an toàn dịch bệnh nên phát sinh nhiều hệ lụy.

Theo Phó chủ tịch UBND Nguyễn Đình Cương, Huyện Thống Nhất hiện có 1,2 ngàn cơ sở chăn nuôi, trong đó, có 84 trang trại có giấy phép/báo cáo đánh giá tác động môi trường, hơn 330 trang trại và hơn 600 cơ sở chăn nuôi nhỏ không có giấy phép. Tức chỉ 20% trang trại có giấy phép môi trường.

“Nhiều cơ sở chăn nuôi trước đây có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, sau đó mở rộng nhưng không đăng ký giấy phép. Mật độ chăn nuôi vượt tiêu chuẩn kết hợp với hệ thống xử lý chất thải quá tải, không được cải tạo thường xuyên đã ảnh hưởng nhiều đến môi trường”, ông Cương nhận định trên báo Đồng Nai.

Quan ngại nhất, trong số trang trại chưa được cấp giấy phép môi trường có nhiều cơ sở đang nuôi gia công cho các “đại gia” trong ngành.

Đơn cử, trang trại của bà Trịnh Thị Thủy (ở xã Lộ 25). Trang trại này hợp tác chăn nuôi gia công từ năm 2021 nhưng chưa làm giấy phép môi trường. Đã vậy còn thêm hành vi xả nước thải ra suối gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của người dân xung quanh.

Được biết, vào cuối tháng 6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 160 triệu đồng và đình chỉ chăn nuôi có thời hạn để khắc phục các tồn tại.

Chia sẻ với người chăn nuôi, ông Trần Mạnh Quang, đại diện Công ty TNHH CJ Vina Agri cho biết, doanh nghiệp này đang đầu tư và hợp tác chăn nuôi gia công với 76 trang trại trên địa bàn huyện, quy mô hơn 1.000 con/trại.

Một trại chăn nuôi trên địa bàn Huyện Thống Nhất. Ảnh: Báo Đồng Nai

Nếu chủ cơ sở chăn nuôi đầu tư hệ thống xử lý chất thải, được cơ quan nhà nước xác nhận đủ điều kiện và đồng ý ký hợp đồng chăn nuôi gia công từ 5-10 năm, doanh nghiệp sẽ xem xét hỗ trợ một phần chi phí.

Nhận định tình hình chung, UBND huyện Thống Nhất cho rằng, vấn đề của ngành chăn nuôi hiện nay là vượt mật độ và không có giấy phép. Hệ lụy là không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống của người dân xung quanh mà còn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh vật nuôi.

Khắc phục các tồn tại, tháng 2/2023, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Qua kiểm tra, huyện ban hành 16 quyết định xử phạt hành chính số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Cuối tháng 6/2023, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền có buổi đối thoại với người chăn nuôi tại 3 xã: Lộ 25, Bàu Hàm 2, Hưng Lộc.

Theo ông Hiền, chính quyền sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hợp tác phát triển chăn nuôi nhưng phải tuân thủ nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, đúng quy hoạch vùng được phép chăn nuôi.

Được biết, sắp tới lãnh đạo huyện tiếp tục đối thoại, lắng nghe tâm tư và vướng mắc của người chăn nuôi tại các xã còn lại.

Từ đó sẽ tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ cơ sở chăn nuôi tuân thủ pháp luật về môi trường. Hỗ trợ kết nối với các trung tâm, doanh nghiệp cung ứng giải pháp, công nghệ xử lý chất thải.

“Huyện sẽ từng bước khắc phục các tồn tại của ngành chăn nuôi. Kiên quyết không để tồn tại cơ sở “3 không”: không giấy phép môi trường, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo mật độ”, ông Hiền cho biết.

Ở buổi đối thoại, người dân mong muốn 2-3 trang trại gần nhau có thể đầu tư chung một hệ thống xử lý nước thải; doanh nghiệp thuê chăn nuôi gia công phải đồng hành với chủ trại trong đầu tư chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải.

Điều này sẽ giúp người chăn nuôi hạn chế vi phạm pháp luật, hạn chế rủi ro, còn doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng.

PV

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/dong-nai-gan-1000-co-so-chan-nuoi-lo-giay-phep-moi-truong-d8398.html