Đồng Nai bảo tồn nghề gốm truyền thống gắn với phát triển du lịch

Sáng 22/12, UBND TP.Biên Hòa(tỉnh Đồng Nai) phối hợp cùng Sở VH-TTDL tỉnh và Viện nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch tổ chức Hội thảo khoa học bảo tồn, phát triển gốm Biên Hòa-Đồng Nai kết hợp với khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.

Đây là một trong những chương trình chào mừng kỷ niệm 325 năm Biên Hòa-Đồng Nai.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cho rằng nghề gốm Biên Hòa-Đồng Nai là văn hóa lâu đời của Đồng Nai. Vì vậy lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mong muốn nó sẽ sống lại và gắn với sự phát triển về du lịch. Qua đó xây dựng Biên Hòa thành một đô thị thông minh và sáng tạo.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo UBND TP.Biên Hòa cho biết Gốm Biên Hòa-Đồng Nai được hình thành từ cuối thế kỷ 18, phát triển mạnh từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỉ 20. Qua đó, loại gốm này có sự phát triển gắn liền với quá trình khai khẩn và hình thành vùng đất con người Biên Hòa nói riêng và Nam Bộ nói chung. Phó chủ tịch UBND đánh giá cao 24 bài tham luận của các nhà khoa học gửi đến hội thảo; xem đây là những tư liệu quý, những gợi mở “sáng” dành cho TP.Biên Hòa và cả Đồng Nai.

Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề: lịch sử hình thành và phát triển của gốm Biên Hòa; các giá trị đặc trưng của gốm Biên Hòa; kinh tế di sản gắn liền với văn hóa sinh kế trong thực hành tạo tác gốm Biên Hòa; đồng sáng tạo các sản phẩm du lịch gắn với hệ sinh thái gốm Biên Hòa; chính sách và thực tiễn triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch di sản trên địa bàn thành phố Biên Hòa nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung; chiến lược và định hướng liên kết phát triển du lịch Biên Hòa trong bối cảnh mới...

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thăm quan các gian hàng gốm Biên Hòa-Đồng Nai.

Hội thảo có nhiều bài tham luận đáng chú ý như: Phát triển du lịch dựa trên di sản văn hóa gốm sứ hướng tới xây dựng thành phố sáng tạo (từ lý luận và kinh nghiệm thế giới đến những gợi ý sơ khởi cho Biên Hòa) của GS-TS Phan Thu Hiền; Bảo tồn và phát triển gốm Biên Hòa – nhìn từ khảo cổ học của TS Nguyễn Thị Hậu; tri thức bản địa trong kiến tạo di sản: du lịch di sản với gốm Đồng Nai – Biên Hòa của TS Trần Thị An; Bảo tồn và phát triển gốm Biên Hòa, Đồng Nai kết hợp với phát triển du lịch – kinh nghiệm từ Đào Xuyên, Cảnh Đức Trấn, Giang Tây (Trung Quốc) của Ts Hoàng Anh Tuấn; Bảo tồn và khai thác nghề gốm Biên Hòa trong phát triển du lịch ở Đồng Nai: Từ phức thể ký ức đến thực hành du lịch di sản gắn với hệ sinh thái gốm Biên Hòa, Đồng Nai của TS Tạ Duy Linh và TS Dương Đức Minh; bảo tồn, phát triển gốm Biên Hòa gắn với phát triển du lịch văn hóa từ góc nhìn của quốc tế của Nguyễn Hồ Phong;

Trong đó bài tham luận Phát triển du lịch dựa trên di sản văn hóa gốm sứ hướng tới xây dựng thành phố sáng tạo (từ lý luận và kinh nghiệm thế giới đến những gợi ý sơ khởi cho Biên Hòa) của GS-TS Phan Thị Thu Hiền, Trường đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã gợi mở một mô hình phát triển mới cho du lịch TP.Biên Hòa. Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, GT-TS Phan Thị Thu Hiền cho rằng Biên Hòa không nên phát triển theo mô hình làng gốm cổ như các địa phương khác trong cả nước. Thay vào đó, Biên Hòa nên gắn việc bào tồn, phát triển gốm với công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, thành phố sáng tạo. Biên Hòa hội tụ đủ các yếu tố: công nghệ, nghệ thuật và kinh doanh để xây dựng thành một thành phố gốm sứ như nhiều nước trên thế giới (như mô hình thành phố Cảnh Đức Trấn của Trung Quốc, thành phố Icheon của Hàn Quốc…).

Hội thảo đã nhận được rất nhiều gợi mở, góp ý để bảo tồn và phát huy thương hiệu gốm Biên Hòa, xác định mô hình phát triển du lịch gốm, xác định đối tượng du khách… Trong đó có một số ý kiến được nhiều đại biểu đề cập như: Cần xây dựng bảo tàng gốm Biên Hòa, phát triển gốm Biên Hòa trong công nghiệp văn hóa, cần xác định gốm Biên Hòa trong danh mục di sản văn hóa, xây dựng chiến lược truyền thông cho thương hiệu gốm Biên Hòa…

PHÚC MINH

Nguồn Dân Sinh: https://news.dansinhvn.com/dong-nai-bao-ton-nghe-gom-truyen-thong-gan-voi-phat-trien-du-lich-20231224105523.htm