Động lực mới từ gian khó!

Báo chí thế giới tiếp tục trải qua một thời kỳ khó khăn khi mà triển vọng nghề báo trở nên ngày càng bấp bênh hơn. Nhưng, báo chí đã không khoanh tay đứng nhìn. Chính trong gian khó nhất, giới báo chí và truyền thông đang cho thấy những sức bật và niềm hy vọng mới.

Báo chí thế giới và hành trình giành lại độc giả

Kinh tế thế giới với lạm phát và suy thoái toàn cầu đã, đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí thế giới. Song, để tồn tại báo chí vẫn quyết liệt, kiên trì trên hành trình giành và giữ độc giả cho mình. Hành trình ấy đã, đang diễn ra như thế nào? Những chiến lược, hướng đi và mô hình mới nào đang được báo chí thế giới áp dụng để “thu phục độc giả”?... là câu chuyện đặt ra trong Chuyên đề “Báo chí thế giới và hành trình giành lại độc giả”.

Thực tại vẫn còn khó khăn

Vào thời điểm này năm ngoái, không lâu sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã xảy ra, dẫn đến hàng loạt cuộc khủng hoảng thứ phát về năng lượng, tài chính, lương thực, lạm phát… ở hầu hết các quốc gia. Phần lớn người dân trên thế giới, kể cả ở các quốc gia thịnh vượng ở châu Âu hay Bắc Mỹ, đã phải “thắt lưng buộc bụng” đối với cả những chi tiêu thiết yếu nhất, chứ đừng nói đến việc chi tiêu cho báo chí.

Tất cả đã khiến nền báo chí thế giới vốn đang “èo uột” sau khi bị bóp nghẹt bởi các nền tảng công nghệ và mạng xã hội (MXH), cũng như đại dịch COVID-19, tiếp tục phải đối mặt với thực tại bấp bênh và tương lai bất ổn hơn.

Khi kinh tế suy thoái, các nhà quảng cáo cũng cắt bớt chi tiêu, cùng với đó các tổ chức báo chí còn phải đối mặt với chi phí gia tăng ở mọi lĩnh vực. Các tòa soạn vẫn phụ thuộc nhiều vào báo in đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với chi phí giấy tăng gấp đôi ở một số khu vực. Đó có thể xem như một cú giáng “chí mạng” và thậm chí đã chính thức kết liễu số phận của một loạt tờ báo in.

Tại Mỹ, tập đoàn truyền thông Gannett đã cắt giảm thêm 6% bộ phận tin tức, mất khoảng 200 nhân viên. Washington Post ngừng phát hành tạp chí in 60 năm tuổi của mình. CNN sa thải hàng trăm người, đài phát thanh và truyền hình Mỹ NPR đã cắt giảm đáng kể chi phí và nhân viên do thâm hụt về tài chính. Bức tranh đó hẳn cũng tương tự ở nhiều nước trên thế giới, gồm cả ở Việt Nam.

Báo chí đang dần tìm ra những hướng đi mới để tồn tại và phát triển ngay trong giai đoạn khó khăn nhất. Ảnh: GI

Không chỉ báo in, ngay cả các tờ báo điện tử từng rất thành công trong “kỷ nguyên kỹ thuật số miễn phí” cũng suy tàn hoặc thậm chí sụp đổ một cách chóng vánh, trong đó nổi bật là trường hợp BuzzFeed đóng cửa trang tin từng đoạt giải Pulitzer của mình. BuzzFeed cũng không đơn độc trong sự suy tàn của những kẻ vẫn cố bám trụ trong kỷ nguyên số miễn phí. Một thương hiệu truyền thông số rất nổi tiếng khác là Vice cũng đang đi theo vết xe đổ này.

Tiếp đến là những trang tin đình đám một thời như Insider, Protocol, Morning Brew và Vox cũng đang sa thải hàng loạt nhân viên và đang đi đến giai đoạn lụi tàn. Lưu lượng truy cập giảm do các thuật toán “trở mặt” của các nền tảng MXH, đặc biệt Facebook, đã làm phức tạp thêm vấn đề, nhất là đối với các trang tin đã quá phụ thuộc vào các MXH để phát hành tin tức.

Không chỉ các tổ chức báo in và điện tử, các đài truyền hình cũng phải đối mặt với sự bấp bênh do lượng khán giả giảm nhanh chóng - ở tất cả các nhóm tuổi, do sự nổi lên của các nền tảng chia sẻ video và phát thanh trực tuyến. Lý do tiếp tục nằm ở chỗ hầu hết các nhà đài vẫn phụ thuộc quá nhiều vào những người xem miễn phí để thu quảng cáo, trong khi đó, các nhà quảng cáo và cả người dùng đều đã đổ xô đến các nền tảng chia sẻ video hay các MXH.

Động lực từ gian khó

Như vậy, ngành báo chí và truyền thông truyền thống về cơ bản đang đi xuống trên đồ thị của mình và thậm chí có phần gấp gáp hơn. Song hiển nhiên, báo chí sẽ không khoanh tay đứng nhìn trước thực trạng và triển vọng tồi tệ hiện tại. Báo chí có thể làm gì để phát triển trở lại, ít nhất phải ngăn đà xuống dốc? Liệu có giải pháp nào hay không?

Thật may mắn, câu trả lời là có. Trên lý thuyết, thông tin vẫn là một sản phẩm mà mọi người đều có nhu cầu, quan trọng nó phải có giá trị đối với họ. Có nghĩa rằng, báo chí sẽ phải tạo ra những sản phẩm có giá trị cho xã hội, trong khu vực hoặc thậm chí chỉ trong một cộng đồng nhỏ của mình, tùy mô hình và đặc thù của tờ báo. Còn việc làm cách nào để đạt được điều đó thì là một hành trình dài và không có một đáp án chung cho tất cả.

Báo chí cần tiếp tục đa dạng trong cách truyền đạt thông tin và trở nên chất lượng hơn để tạo ra những tác phẩm thực sự có giá trị với độc giả. Ảnh: GI

Thực tế, xu thế báo chí trở lại cách hoạt động như thời đại của báo in, tức độc giả trả tiền để mua báo đang nở rộ trên thế giới trong những năm gần đây, và ngày càng được chứng minh chính là hướng đi để báo chí có thể tự cứu lấy mình.

Cụ thể, các hãng tin cao cấp đang có sự tăng trưởng liên tục trong mảng đăng ký kỹ thuật số, tường phí và quyên góp. “Chúng tôi đã có thêm 70.000 người đăng ký trong năm ngoái”, Edward Roussel - Trưởng bộ phận Kỹ thuật số của The Times of London cho biết. Nhiều hãng tin khác cũng báo cáo mức tăng mạnh trong lĩnh vực tường phí và đăng ký trả tiền. Riêng tại New York Times, doanh thu đăng ký đã tăng hơn 10% và đang hướng tới mục tiêu 15 triệu người đăng ký vào năm 2027.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra lúc này, theo số liệu của hãng tư vấn truyền thông FIPP là mức tăng trưởng đăng ký có thể sắp bão hòa. Chủ tịch FIPP James Hewes nói rằng, khi mùa đông đang đến gần, chúng ta có thể “cảm thấy cái lạnh của sự đóng băng”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và những cuộc khảo sát gần đây, thị trường đăng ký trả tiền trên thị trường báo chí vẫn rất triển vọng trong ngắn hạn và trung hạn.

Và theo các phân tích và xu hướng đang diễn ra trên thế giới, thì nhiệm vụ trước mắt của các hãng tin trên thế giới đang thành công trong thị trường báo chí tính phí là tập trung nhiều hơn vào việc giữ chân độc giả hiện tại hơn là tìm người đăng ký mới. Lý do vì sự “bão hòa” nói trên. Song cũng chính vì vậy, việc làm thế nào để báo chí có thêm độc giả mới và lấy lại niềm tin của độc giả cũ mang ý nghĩa sống còn trong tương lai dài hạn.

Đã đến lúc tỉnh giấc và giành lại độc giả

Hay nói cách khác, đã đến lúc báo chí cần tỉnh giấc để giành lại độc giả cũ và tìm kiếm thêm độc giả mới. Không có gì phải bàn cãi, đây chính là vấn đề sinh tử của báo chí trong tương lai. Cũng giống như mọi lĩnh vực khác trong đời sống, từ một ngành hàng cho đến một môn nghệ thuật, báo chí cũng chỉ có tương lai nếu có được sự chào đón của đông đảo độc giả, đặc biệt thế hệ trẻ.

Song điều quan trọng là bằng cách nào và hành trình này sẽ phải diễn ra như thế nào? Trước tiên phải khẳng định, đó cũng là một dấu hỏi lớn, cần sự chung tay của tất cả nếu muốn tìm ra những giải pháp cụ thể.

Những niềm hy vọng mới

Khảo sát cho thấy các tòa soạn trên thế giới đang có những động lực mới trong việc tìm kiếm lại độc giả sẵn sàng trả tiền cho những sản phẩm báo chí. Dữ liệu này đến từ một cuộc khảo sát với 303 nhà lãnh đạo truyền thông ở 53 quốc gia về nội dung “Xu hướng và dự đoán báo chí, truyền thông và công nghệ năm 2023” của Viện Báo chí Reuters và Đại học Oxford.

Tuy nhiên, có một số mô hình cơ bản trong việc thu hút lại độc giả đang thành công trên thế giới. Đầu tiên là hãy đưa ra những ưu đãi giảm giá và khuyến mại đặc biệt, để giúp độc giả đến đăng ký trả tiền cho các bài báo của mình. Điều này cũng rất phù hợp trong bối cảnh hiện tại, khi mà khủng hoảng kinh tế và lạm phát vẫn đè nặng túi tiền của phần lớn người dân trên thế giới.

Cuối năm 2022, Washington Post có ưu đãi giảm 75% phí đăng ký, trong khi LA Times hay Chicago Tribune đưa ra gói truy cập kỹ thuật số trong 6 tháng chỉ với giá 1 đô-la. Các ấn phẩm lớn khác bao gồm New York Times, thường cung cấp 1 đô-la một tuần trong năm đầu tiên và Wall Street Journal là một trong nhiều tờ báo cung cấp các lựa chọn giảm chi phí cho sinh viên.

Đây được xem như một chiến lược mang tính dài hơi, khi nó có thể làm giảm nguồn thu của các tòa soạn, song sẽ thu hút tối đa nhưng độc giả tiềm năng sẵn sàng trả tiền để đọc báo. Chiến thuật này đang đặc biệt được các hãng tin châu Âu áp dụng và đang nuôi dưỡng hy vọng vào một ngày nào đó báo chí sẽ lại thăng hoa trở lại khi có thêm động lực.

Một tin đầy hy vọng cho báo chí là theo dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu xu hướng toàn cầu GWI, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng liên tục, chúng ta bắt đầu nhận thấy lượng thời gian dành cho trực tuyến ngày càng giảm, có nghĩa độc giả nói chung đang hướng về một điều gì đó chất lượng hơn, ít “xô bồ” hơn. Cụ thể, tổng thời gian sử dụng Internet đã giảm 13%, sau khi từng tăng kỷ lục trong đại dịch COVID-19. Đây là một sự thay đổi rất quan trọng mà báo chí cần nắm bắt.

Theo khảo sát của Viện Báo chí Reuters và Đại học Oxford, khoảng 42% các tổ chức báo chí cho biết lưu lượng truy cập hằng năm vào trang web của họ tăng lên, với 58% báo cáo rằng lưu lượng truy cập không đổi hoặc giảm. Những số liệu trên thực ra chưa khẳng định điều gì, song rõ ràng cho thấy rằng tương lai không chỉ là một màu xám.

Thực tế mà hẳn nhiều người có thể nhận ra là độc giả đã bắt đầu chán ngấy hoặc sợ hãi với những nguồn thông tin “giật gân”, “câu kéo”, “gây nghiện”, “độc hại” và đặc biệt “sai lệch” tràn lan trên mạng xã hội. Họ sẵn sàng trở lại với báo chí, miễn sao báo chí phải thực sự đủ tốt và có nhiều giải pháp phù hợp để giúp độc giả dễ dàng tiếp cận.

Tận dụng công nghệ và nâng cao chất lượng

Có nghĩa báo chí phải tốt hơn, đa dạng, linh hoạt, hấp dẫn và sâu sắc hơn. Giống như một sản phẩm hàng hóa, báo chí cần phải có đặc trưng riêng, qua đó mới có thể thu hút được độc giả. Trong một nghiên cứu gần đây, tổ chức tư vấn truyền thông INMA phát hiện ra rằng 72% thương hiệu tin tức đã bắt đầu phát triển chiến lược định vị thông tin báo chí hoặc nguyên tắc của riêng mình.

Tờ La Vanguardia ở Tây Ban Nha đã nhấn mạnh cụm từ “sự thật là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh” khi bán đăng ký. Vox Media nhấn mạnh sứ mệnh của mình là sẵn sàng hỗ trợ thông tin cho độc giả. The Guardian nhấn mạnh hoạt động báo chí độc lập, dũng cảm của mình. Các tờ báo hãy tạo cho mình một slogan riêng và hãy làm thật tốt sứ mệnh của mình.

Đặc trưng không có nghĩa là không đa dạng. Yếu tố đa dạng ở đây là trong cách đưa thông tin và các nguồn tin, làm sao hấp dẫn nhất với độc giả. New York Times hiện cung cấp gói kết hợp tin tức với ứng dụng nấu ăn, trò chơi và các dịch vụ hữu ích khác. Có nghĩa, khi đăng ký, độc giả không chỉ đọc tin tức mà còn có nhiều quyền lợi khác.

Tại Na Uy, nhật báo hàng đầu Aftenposten cung cấp gói truy cập bao gồm được miễn phí đọc các tờ báo quốc gia và khu vực khác mà họ liên kết hoặc phối hợp. Đa dạng doanh thu và sản phẩm vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà xuất bản tin tức trên thế giới. Nói tóm lại, báo chí không thể đứng yên, dù chỉ một ngày, trong kỷ nguyên số và cả kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) tới đây.

Để trở nên đa dạng và hấp dẫn hơn, các tờ báo muốn thành công cũng cần phải tiếp tục đầu tư vào công nghệ. Việc sử dụng tốt Big Data và cả AI sẽ giúp các tòa soạn hiểu hơn về độc giả của mình, qua đó mới có thể đáp ứng được nhu cầu của họ. Các hình thức đưa tin cũng cần phải hấp dẫn và giàu công nghệ hơn, thông qua các thuật toán, các định dạng mới, từ podcast, video, trực tiếp, thư điện tử, ứng dụng… và các phần mềm tự động gửi tin khác cho độc giả.

Như vậy, dù thế giới báo chí và truyền thông nói chung vẫn đang đi xuống trên đồ thị của mình, nhưng dường như nó đang ở đáy của một đồ thị hình sin. Nếu biết cách tận dụng thời cơ, báo chí hoàn toàn có thể bứt phá trở lại và mở ra một chu kỳ thành công mới!

Hải Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-luc-moi-tu-gian-kho-post252199.html