Động lực giảm nghèo từ nuôi hươu hàng hóa

Huyện miền núi Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) được biết đến là cái nôi của nghề nuôi hươu sao lấy nhung. Đến nay, nghề nuôi hươu đã phát triển theo hướng hàng hóa với sự tham gia của mô hình kinh tế tập thể giúp mang lại cuộc sống ấm no cho người dân, từ đó hỗ trợ đắc lực trong công tác giảm nghèo của huyện.

Nghề nuôi hươu không chỉ được tập trung ở các xã nằm giáp biên giới Việt – Lào cách xa trung tâm huyện hàng chục cây số, mà hiện tại, ngay thị trấn Phố Châu và vùng phụ cận đều đã phát triển nghề nuôi hươu.

Liên kết nuôi hươu

Nhiều gia đình mấy thế hệ, từ đời ông, cha đến con, cháu đều sống bằng nghề nuôi hươu. Đặc biệt, lớp thanh niên ở Hương Sơn hiện đã kế thừa những kinh nghiệm của ông cha và phát triển nghề nuôi hươu lên một bước đó là hình thành các HTX, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết để mở rộng đầu ra.

Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi hươu của HTX đầu tư và phát triển nhung hươu Hương Sơn (xã Sơn Giang). Các thành viên HTX đều là đoàn viên thanh niên tham gia nuôi 140 con hươu, trong đó 40 con hươu cho thu hoạch nhung, 50 con hươu nái, còn lại là hươu con sinh sản vừa tách mẹ.

Hiện tại, đầu ra của HTX rất ổn định. Hươu cái giống có giá dao động từ 13-15 triệu đồng/con 3 tháng tuổi, hươu đực có giá từ 25-30 triệu đồng/con 3 tháng tuổi. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường hơn 40 kg nhung hươu tươi.

HTX Hương Sơn cũng đang liên kết với các hộ dân trên địa bàn về chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi hươu, đồng thời cung ứng giống cho các hộ dân có quy mô nuôi từ 40-70 con ở các tỉnh thành như Lào Cai, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk…

Theo tính toán, cứ nuôi 10 con hươu sẽ có thu nhập ít nhất từ 40-70 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập cao so với chăn nuôi và trồng một số cây trồng truyền thống tại địa phương.

Còn tại HTX nhung hươu, mật ong Hương Luật (xã Sơn Lâm), ngoài hỗ trợ người dân kỹ thuật chăn nuôi hươu, HTX còn đứng ra thu mua, bao tiêu các sản phẩm đầu ra. Trước đây, người dân nuôi hươu thường bị thương lái ép giá, nhất là thời điểm sau Tết Nguyên đán khi nguồn cung lớn. Tuy nhiên, từ năm 2012 lại đây, HTX bao tiêu với mức giá ổn định (từ 11 - 12 triệu đồng/kg), trong khi thương lái thu mua chỉ dao động từ 8 - 10 triệu đồng/kg.

Do vậy, từ chỗ nuôi vài con, đến nay, nhiều hộ dân trong xã đã tăng quy mô lên 20-30 con và có chi phí đầu tư đổi con giống chất lượng, nâng cao giá trị nhung hươu. Nhiều gia đình trong xã Sơn Lâm có thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm từ nhung hươu và hươu giống.

Bà Lê Thị Hương, Giám đốc HTX Hương Luật cho biết, hiện HTX liên kết sản xuất với gần 60 hộ chăn nuôi hươu ở các xã Sơn Lâm, Sơn Hồng, Sơn Giang… Theo đó, 100% nhung hươu sau thu hoạch được HTX thu mua kịp thời để tiêu thụ. Với sự hợp tác này, nông dân được bao tiêu sản phẩm tại chỗ với mức giá cao so với mặt bằng chung, trong khi HTX đảm bảo nguồn nguyên liệu chất lượng, phục vụ cho quy trình sản xuất.

Phát triển kinh tế, thúc đẩy giảm nghèo

Có thể thấy, nghề chăn nuôi hươu ở Hương Sơn đang phát triển khá hiệu quả và thu hút được người dân tham gia phát triển. Bởi hươu là động vật dễ chăm sóc, có sức đề kháng cao và ít bị bệnh. Thức ăn cho hươu chủ yếu là các loại lá, cây cỏ, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng huyện miền núi Hương Sơn.

Hiện, hươu được nuôi hầu như ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện nhưng tập trung nhiều và có quy mô nhất là ở các xã Sơn Trung, Sơn Quang, Sơn Lâm, Sơn Giang, Sơn Ninh, Sơn Tây…

Nuôi hươu giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Nuôi hươu giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo.

Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hương Sơn, hiện nay toàn huyện có khoảng 42.000 con hươu, sản lượng nhung thu hoạch hằng năm ước đạt từ 16 - 18 tấn. Nếu tính giá bán là 11 – 14 triệu đồng/kg thì giá trị mang lại là trên dưới 200 tỷ đồng. Nuôi hươu đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ông Phan Xuân Đề (hộ liên kết của HTX Hương Luật, xã Sơn Lâm) cho biết trung bình 10 con hươu đực, 10 con hươu cái giúp gia đình ông thu về khoảng 120-200 triệu đồng từ lộc nhung, chưa kể bán con giống.

Hơn 10 năm qua, nhờ nuôi hươu mà gia đình ông Đề thu nhập ổn định. Sắp tới, gia đình tiếp tục đầu tư nuôi thêm 50 con hươu nữa để nâng cao thu nhập.

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp huyện Hương Sơn, việc làm kinh tế, giảm nghèo thành công từ nuôi hươu trên địa bàn huyện không hiếm. Bởi rất nhiều hộ gia đình ở Sơn Trung, Sơn Ninh, Sơn Quang, Sơn Giang, Sơn Lâm… trong chuồng có ít nhất 20-30 con hươu, bán nhung và con giống đều cho thu nhập trên 200-300 triệu đồng/năm.

Là vùng đất khắc nghiệt, việc trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày kém hiệu quả khiến tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở các xã miền núi huyện Hương Sơn luôn chiếm tỷ lệ khá cao. Nhưng 10 năm trở lại đây, nghề nuôi hươu đang đóng góp lớn vào quá trình giảm nghèo tại địa phương. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn dưới 2%, giúp 100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới về hộ nghèo.

Nâng giá trị cho nghề “hái lộc”

Nuôi hươu có giá trị kinh tế cao nên hàng ngàn gia đình ở huyện Hương Sơn đều đang và có hướng tập trung đầu tư kinh phí xây dựng mới trang trại để nâng đàn hươu của mình lên 35 - 50 con.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân, HTX, huyện Hương Sơn cũng đã ban hành đề án hỗ trợ phát triển đàn hươu. Theo đó, mỗi hộ chăn nuôi trên 50 con được hỗ trợ 200 triệu đồng, các hộ nuôi từ 10 con trở lên, mỗi con được hỗ trợ 1 triệu đồng và nhiều chính sách khác như cho vay vốn lãi suất ưu đãi, hỗ trợ trồng cỏ sữa, xây dựng thương hiệu, tập huấn kỹ thuật…

Tiêu biểu như ngành nông nghiệp huyện đã kết hợp với Đoàn Thanh niên huyện tổ chức các buổi tập huấn kiến thức chăn nuôi hươu theo hướng hàng hóa. Và mô hình sản xuất của HTX đầu tư và phát triển nhung hươu Hương Sơn cũng đã trở thành điểm học tập, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi hữu ích cho người dân, nhất là các đoàn viên thành niên. HTX đã có nhiều buổi hướng dẫn quy trình chăn nuôi hươu sao tuần hoàn theo hướng hữu cơ; phương pháp sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi hươu và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu… cho những người có nhu cầu.

Hay như được sự hỗ trợ của ngành chức năng, HTX dịch vụ hươu giống nhung hươu và mật ong Sơn Lâm đã có những hướng đi đúng khi thực hiện chế biến sâu và tham gia OCOP.

Với tổng đàn trên 40.000 con, việc chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm từ thu hoạch đang tạo nên những lợi thế khác biệt trong việc tiêu thụ nhung hươu, đặc biệt là nâng cao giá trị sản phẩm.

Chính vì vậy, thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn trong việc đầu tư chế biến sâu, phấn đấu đưa những sản phẩm từ nhung hươu thành sản phẩm quốc gia. Điều này nhằm khẳng định vị thế của sản phẩm thế mạnh của địa phương và tiếp tục giúp người dân giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/dong-luc-giam-ngheo-tu-nuoi-huou-hang-hoa-1096659.html