Đồng lòng chống tham nhũng, tiêu cực

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đã chỉ rõ: 'Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...'.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là: “Cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân”. Chiếu theo quy định của Điều lệ Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của đảng viên là phải đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Do vậy để “cuộc chiến” chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng có kết quả cần đề cao vai trò của đảng viên, làm cho mỗi đảng viên thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có hiệu quả. Cùng với củng cố, nâng cao nhận thức cho đảng viên về tác hại của tệ tham nhũng phải có các cơ chế, chính sách, điều kiện cần thiết bảo đảm cho đảng viên nêu cao ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của mình theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kể cả cơ chế, chính sách động viên, bảo vệ đảng viên khi sinh mệnh chính trị và tính mạng của họ bị đe dọa.

Trước hết, các cấp ủy cần thường xuyên tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Từng đảng viên, tổ chức đảng, nhất là đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội phải thực sự làm tấm gương, luôn gương mẫu, nêu cao vai trò, trách nhiệm đấu tranh tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, sinh hoạt chi bộ, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đảng, Nhà nước hoàn chỉnh cơ chế khuyến khích, bảo vệ, tôn vinh người dũng cảm đấu tranh, phê bình, tố cáo tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Bên cạnh đó, từng đảng viên phải thực sự nêu cao trách nhiệm trong việc thường xuyên động viên gia đình, người thân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Tất cả đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, đảng viên là cán bộ, công chức phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong thực hiện nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; có nhiều giải pháp hữu hiệu để tiến tới ngăn chặn tham nhũng, lãng phí. Qua thực tế cho thấy, cần phải đưa nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm, tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, công chức là đảng viên.

Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực còn dài và cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, quy định chung để đạt được hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, với vai trò “đầu tầu gương mẫu”, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện quyết tâm đồng lòng trong tư tưởng, nhận thức và hành động, có như vậy sự lan tỏa, quyết tâm của nhiệm vụ quan trọng này mới đạt được kết quả cao nhất.

Minh Tự

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xay-dung-dang/dong-long-chong-tham-nhung-tieu-cuc/208362.htm