Đồng lòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Chấm dứt hành động vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp là điều kiện tiên quyết để Ủy ban châu Âu (EC) gỡ bỏ 'thẻ vàng' đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Nhận thức được điều này, nhiều ngư dân của tỉnh Quảng Nam đang đồng lòng cùng chính quyền địa phương, BĐBP và các cơ quan chức năng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, hướng tới nghề cá bền vững.

Ngư dân Nguyễn Văn Nhỉ cho biết, hệ thống giám sát hành trình trên tàu cá được duy trì thường xuyên, liên tục khi khai thác hải sản trên biển. Ảnh: An Nhiên

Ngư dân Nguyễn Văn Nhỉ cho biết, hệ thống giám sát hành trình trên tàu cá được duy trì thường xuyên, liên tục khi khai thác hải sản trên biển. Ảnh: An Nhiên

Cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài

Chúng tôi gặp ngư dân Nguyễn Văn Nhỉ, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam khi anh vừa trở về từ ngư trường Trường Sa. Chuyến biển lần này, tàu anh đánh bắt được 24 tấn mực khô. Anh Nhỉ nhẩm tính, với giá bán hiện nay, khoảng 165.000 đồng/kg, anh thu được 3,8 tỉ đồng.

Đề cập đến vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), anh Nhỉ bảo: “BĐBP và chính quyền địa phương tuyên truyền nhiều lần nên chúng tôi đều nắm rõ những quy định pháp luật về khai thác hải sản. Hầu hết ngư dân đều làm cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuân thủ quy định pháp luật, tôi lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu của mình từ năm 2018, khi Nhà nước bắt đầu có quy định bắt buộc tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp thiết bị VMS. Cái hay của thiết bị này là khi mình ngồi ở nhà cũng biết tàu mình đang ở vị trí nào trên biển. Nếu tàu mình di chuyển gần đến vùng biển giáp ranh với nước bạn, thiết bị sẽ gửi tin nhắn cảnh báo cho mình. Nhờ đó, mình sẽ biết để thay đổi hướng đi”.

Anh Nhỉ cho biết thêm, mức phạt đối với hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép rất cao, do vậy, không chỉ anh mà nhiều chủ tàu khác không bao giờ có ý định đi vượt ranh giới vùng biển Việt Nam. Ban đầu, nhiều người e ngại không lắp thiết bị VMS nhưng bây giờ, qua tuyên truyền, vận động, bà con thấy cái lợi mà nó mang lại nhiều hơn nên đều lắp đặt thiết bị VMS cho tàu cá của mình.

Mở ứng dụng giám sát tàu cá Vifish trên điện thoại cho tôi xem, ngư dân Trần Công Tư, thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh cho hay: “Thiết bị giám sát hành trình này có ưu điểm là tín hiệu truyền từ tàu về bờ ổn định, chính xác. Khi tôi ra khơi, vợ tôi ở nhà, mở ứng dụng có thể theo dõi vị trí và hành trình tàu cá trong suốt chuyến biển. Ngoài ra, nó cũng cảnh báo cho mình khi tàu gặp sự cố, vượt ra ngoài lãnh hải cho phép hoặc đi vào vùng biển cấm”.

Cũng theo anh Tư, ứng dụng Vifish cho phép người dùng xem thông tin thời tiết tại các vị trí bất kỳ; có nút bấm Khẩn cấp SOS, gửi tín hiệu báo nạn trực tiếp tới Hệ thống đài thông tin duyên hải và đơn vị phối hợp cứu nạn, đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Bên cạnh đó, ứng dụng Vifish còn có chức năng quản lý phương tiện theo thời gian thực, chứng minh được nguồn gốc thủy sản đánh bắt. Do đó, ngư dân rất yên tâm khi ra khơi khai thác hải sản.

Chuyển biến rõ rệt về nhận thức

Đại tá Trần Tiến Hiền, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Nam cho biết, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác IUU, trên cơ sở các hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam ban hành các kế hoạch chống khai thác IUU và thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, ban hành nhiều kế hoạch nhằm tăng cường các biện pháp chống khai thác IUU.

Ngư dân làm thủ tục đăng ký xuất bến ra khơi tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cửa Đại. Ảnh: An Nhiên

Ngư dân làm thủ tục đăng ký xuất bến ra khơi tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa Đại, Đồn Biên phòng Cửa Đại. Ảnh: An Nhiên

Trong đó, các đơn vị BĐBP Quảng Nam đã tăng cường công tác nắm, đánh giá tình hình, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra cơ bản theo quy định đối với chủ phương tiện, thuyền trưởng, đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Kiểm tra, kiểm soát, quản lý người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển; bảo đảm 100% tàu cá ra khơi có đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định (đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải lắp đặt thiết bị VMS).

Cùng với việc triển khai các biện pháp quản lý tàu cá, BĐBP Quảng Nam cũng phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo các chuyên đề, chuyên sâu về chống khai thác IUU thông qua nhiều hình thức lồng ghép để ngư dân, nhất là chủ phương tiện, thuyền trưởng nâng cao nhận thức, ý thức, chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Về công tác thực thi pháp luật trên biển, tính từ đầu năm 2022 đến nay, BĐBP Quảng Nam đã điều động gần 50 lượt tàu, ca nô/trên 300 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát trên biển. Qua đó, phát hiện, xử lý 49 vụ/60 đối tượng vi phạm các quy định pháp luật về khai thác thủy sản và xử phạt hơn 740 triệu đồng. Các đơn vị Biên phòng Quảng Nam cũng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam tổ chức thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện, xử lý 24 vụ/24 phương tiện vi phạm quy định pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 380 triệu đồng.

Theo Đại tá Trần Tiến Hiền, nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt, cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhận thức của ngư dân đã có chuyển biến rõ rệt, tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm (từ đầu năm 2022 đến nay không có vụ việc nào). Việc duy trì thiết bị VMS được tiến hành thường xuyên, liên tục. Hiện, 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá; 100% tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên đã được đăng ký; 98,5% tàu cá 15m trở lên lắp đặt thiết bị VMS... Những kết quả này đang đóng góp vào nỗ lực chung của Việt Nam nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC.

An Nhiên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dong-long-chong-khai-thac-hai-san-bat-hop-phap-post464773.html