Đóng lối mở dải phân cách để ngăn ôtô phá đường dân sinh

Trên tinh thần tiếp thu ý kiến phản ánh của Báo CAND và một số cơ quan báo chí về tình trạng ôtô chen nhau vào đường dân sinh để né trạm thu phí Bắc Quảng Nam gây mất an toàn giao thông (ATGT), ngày 19/1, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra thực địa và thống nhất ý kiến điều chỉnh vị trí lối mở dải phân cách phù hợp hơn.

Dự buổi kiểm tra thực địa có đại diện Khu Quản lý đường bộ III - Cục Đường bộ Việt Nam cùng lãnh đạo Ban ATGT, Sở GTVT, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam, đại diện lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), UBND phường Điện Thắng Trung và Công ty cổ phần XDCT 545 (CECO 545), chủ đầu tư trạm thu phí dự án BOT Quốc lộ 1A đoạn Hòa Cầm-Hòa Phước.

Các cơ quan chức năng khảo sát tình trạng xe né trạm thu phí Bắc Quảng Nam sáng 19/1.

Tại thời điểm đoàn kiểm tra, các xe ôtô tải, xe ôtô con vẫn nối đuôi nhau rẽ qua điểm mở dải phân cách giữa Km944+250 Quốc lộ 1A để vào tuyến đường liên xã cạnh trụ sở UBND phường Điện Thắng Trung rồi chạy vào khu dân cư để tránh trạm thu phí cách đó 500m. Đúng như phản ánh của báo chí và người dân trước đó, không chỉ ôtô có biển kiểm soát của Quảng Nam, Đà Nẵng mà rất nhiều ôtô chạy đường dài, gắn biển kiểm soát của nhiều tỉnh, thành khác chen nhau đi vào tuyến đường dân sinh. Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận tình trạng xe ôtô tải trọng lớn, không được phép lưu thông vẫn ngang nhiên đi vào khu dân cư để tránh trạm thu phí khiến mặt đường bị hư hỏng nặng gây nguy cơ mất ATGT, khiến người dân lo lắng và bức xúc.

Theo đại diện CECO 545, người dân 3 phường của thị xã Điện Bàn gần trạm thu phí là Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam có phương tiện ôtô đều được miễn 100% phí qua trạm. Đơn vị cũng miễn phí qua trạm 100% cho 40 xe buýt vận chuyển khách công cộng và hơn 720 phương tiện của các cơ quan ban ngành đoàn thể của tỉnh Quảng Nam và thị xã Điện Bàn; đồng thời giảm 50% phí cho gần 1.000 phương tiện khác trong khu vực. Vì vậy, phần lớn ôtô né trạm là phương tiện từ các địa phương khác lưu thông qua dự án BOT nhưng không muốn trả phí sòng phẳng.

"Trước đây, doanh thu của trạm đạt 600-700 triệu đồng mỗi ngày, nay chỉ còn khoảng 150 triệu đồng/ngày. Hợp đồng BOT mà CECO 545 thực hiện là hợp đồng điều chỉnh. Do đó, nếu lưu lượng xe tăng cao thì giá lệ phí giảm và ngược lại, lưu lượng xe thấp thì giá lệ phí qua trạm điều chỉnh tăng. Nếu tình trạng xe các tỉnh tránh qua trạm vẫn diễn ra nhiều thì bắt buộc chủ đầu tư phải tăng lệ phí. Điều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến người dân tại Quảng Nam và Đà Nẵng" - đại diện công ty chia sẻ.

Được biết trước khi được Bộ GTVT giao đầu tư dự án BOT và khai thác trạm thu phí đặt tại Km943+975, công ty đã xin ý kiến địa phương và thống nhất đặt vị trí trạm thu phí nằm ở xa khu dân cư. Tuy nhiên sau khi trạm thu phí đi vào hoạt động, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép cho một số dự án đô thị xây dựng tiếp giáp với vị trí trạm thu phí, dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện lợi dụng các tuyến đường trong khu dân cư mới để né trạm như hiện nay. Để hài hòa lợi ích người dân, Nhà nước và chủ đầu tư, đại diện CECO 545 đề xuất Cục đường bộ Việt Nam không đóng hết điểm mở tại Km944+250 mà chừa lại 2m để người dân đi xe máy có thể qua được. Đối với ôtô của người dân địa phương đã được miễn 100% phí nên có thể đi qua trạm cách đó chỉ hơn 200m và vòng lại để đảm bảo ATGT.

Tại buổi làm việc sau cuộc khảo sát thực địa, ông Tiết Đình Quang, Phó phòng Thanh tra - An toàn Khu Quản lý đường bộ III nhìn nhận số lượng ôtô vào đường dân sinh để né trạm thu phí là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATGT và cuộc sống của người dân trong khu vực. "Điểm mở này rất mất ATGT. Đường sá dân sinh bị hư hỏng nghiêm trọng vì xe ôtô tránh trạm. Không thể vì thuận lợi cho chủ xe mà gây mất ATGT cho người dân tại địa phương" - đại diện Khu Quản lý đường bộ III nhìn nhận.

Các đơn vị liên quan tham gia đoàn kiểm tra đã thống nhất kiến nghị đóng điểm mở dải phân cách giữa tại Km944+250 và nghiên cứu mở điểm mở dải phân cách mới. Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Quảng Nam và Thượng tá Nguyễn Hồng Tâm, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh cho rằng kiến nghị của CECO 545 là xác đáng. Việc điều chỉnh lối mở qua dải phân cách giữa Quốc lộ 1A là hợp lý, đảm bảo ATGT. Bên cạnh thống nhất kiến nghị đóng điểm mở tại Km 944+250, ông Đặng Hiệp Lực, Trưởng phòng quản lý đô thị Điện Bàn thông tin thêm, hiện có nhiều tuyến đường tránh trạm. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải quyết dứt điểm tình trạng. Không để xảy ra tình trạng đóng chỗ này, người dân lại đi chỗ khác để tránh trạm.

Theo ông Tiết Đình Quang, dự án BOT đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước có thời gian thu phí hoàn vốn ban đầu là 13 năm, nhưng do số phương tiện qua trạm giảm mạnh nên thời gian thu phí phải kéo dài. Để đảm bảo ATGT và sự đi lại thuận lợi của người dân, đồng thời đảm bảo nguồn thu hoàn vốn dự án, đại diện Khu Quản lý đường bộ III thống nhất ý kiến đóng điểm mở dải phân cách tại Km944+250, nghiên cứu mở lối mới ở vị trí phù hợp và sẽ tham mưu, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam giải quyết.

Như Báo CAND đã thông tin, thời gian gần đây, người dân sống ở khối phố Thanh Quýt 3, phường Điện Thắng Trung và khối phố Viêm Tây 1, phường Điện Thắng Bắc liên tục phản ánh, kêu cứu trước lưu lượng ôtô khổng lồ chạy vào khu dân cư để tránh trạm thu phí trên Quốc lộ 1A. Trước tình trạng ôtô né trạm vào khu dân cư làm hư hỏng đường sá, gây mất ANTG, người dân đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sớm có biện pháp giải quyết.

An Bằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/dong-loi-mo-dai-phan-cach-de-ngan-oto-pha-duong-dan-sinh-i720833/