Dòng họ Lê và những thầy thuốc nổi danh một vùng

Đến Nghệ An và hỏi về dòng họ Lê Văn ở huyện Thanh Chương, ai nấy đều chỉ về hướng xã Đại Đồng - nơi có tổ đường nhà họ Lê và giai thoại về những bài thuốc họ Lê được lưu truyền từ thế kỷ XVIII.

Gia tộc 5 đời theo nghề Y

Những ngày Tết Quý Mão 2023 cận kề, chúng tôi đến huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) và tìm về dòng họ có lịch sử về nghề y, ai nấy đều nhắc đến dòng họ Lê ở xã Thanh Hưng (nay là thôn Trường Sơn, xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương).

Ông Lê Lương Tài (65 tuổi) đón chúng tôi từ đầu thôn Trường Sơn. Ông Tài là con cháu đời 15 phân chi VII họ Lê. Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học và 5 đời làm nghề Y, ông Lê Lương Tài vanh vách kể về lịch sử dòng họ, về những người quá cố với kỳ tài "nho, y, lý, số" như: "Nhất Thớ, nhì Trâm, tam Khang, Thâm tứ".

Ông Tài cho biết, chi thứ 7 Lê tộc (ở Thanh Chương, Nghệ An) được tách ra từ đời thứ 5 của Lê tộc đại tôn: Bắt đầu từ cụ tiên tổ Lê Văn Chương - người đỗ Tiến sĩ và được triều đình nhà Lê bổ nhiệm làm quan. Do những ghi chép các đời đầu đều đã bị cháy trong một vụ hỏa hoạn và sau này bị bom đạn phá hủy trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nên ông Tài không thể nhớ chi tiết các đời của Lê tộc đại tôn được phong tước và phục vụ triều đình nhà Lê vào những năm nào. Tuy nhiên, từ đời thứ 11 trở lại đây, ông Tài nắm thông tin như trong lòng bàn tay.

Vườn thuốc của gia đình ông Lê Lương Tài đang được phủ kín bởi cây hoài sơn - thành phần dược liệu được sử dụng trong chấn thương, tiêu hư nhược, tăng sức cơ bắp, chống đói và kéo dài tuổi thọ.

Ông Tài kể, cụ Lê Tái Đăng (hay còn gọi là cụ Tú Bình - đời thứ 12 chi VII họ Lê, sinh năm 1870, mất năm 1924) được học nghề y từ Lê tộc đại tôn ở những đời trước đó. "Tôi gọi cụ Tú Bình bằng cụ, vì đây là thân sinh ra ông nội của tôi. Sau này, cụ Tú Bình đã truyền lại nghề y cho các con, cháu ở đời 13 (có danh y Lê Văn Bảng - con trai cụ Tú Bình), đời thứ 14 họ Lê (danh y Lê Văn Xuân, húy là Trâm - con trai cụ Bảng) và các thế hệ đời 15, 16 như Thầy thuốc Ưu tú - PGS.TS. Lê Lương Đống, thầy thuốc Lê Lương Năng...

Ông Tài bảo: "Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vườn dược liệu gia đình của cụ Lê Văn Bình, sau này là của cụ Lê Văn Bảng và bố tôi là ông Lê Văn Xuân đều được sử dụng để chữa thương cho bộ đội...". Dẫn chúng tôi đến cánh đồng mênh mông đang được phủ kín bởi nông sản ở giữa thôn Trường Sơn, ông Tài nói: "Cố nội tôi là cụ Tú Bình và ông nội Lê Văn Xuân dành cả cuộc đời vừa làm thuốc Bắc, thuốc Nam, vừa dạy chữ Nho, chữ Quốc ngữ, nên các đời họ Lê sau này, cụ Tú Bình, cụ Trâm, cụ Xuân và các con, cháu đều được thừa hưởng những bài thuốc gia truyền quý báu cùng những cây thuốc có sẵn trong vườn nhà. Đặc biệt bên họ mẹ tôi (họ Lương, dòng trực hệ cụ tổ Trạng Trình Lương Thế Vinh ở Nam Định) cũng nổi danh làm nghề thuốc Bắc và thuốc Nam nên con cháu họ Lê cũng được thừa hưởng rất nhiều".

Dù không theo nghề Y, nhưng được sinh ra và lớn lên từ "cái nôi" của những vườn thuốc gia truyền, ông Tài tự tin kể về những cây thuốc, những bài thuốc có trong vườn nhà, với những công dụng khác nhau như: Tiêu viêm, tiêu phong, bổ huyết, mát gan, nhuận tràng...

...Thầy thuốc Ưu tú ngành Y học cổ truyền

Thầy thuốc Ưu tú - PGS.TS. Lê Lương Đống (SN 1952) sinh ra và lớn lên ở huyện Thanh Chương. Ông cũng là hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Lê tại đây. Do được kế thừa những tinh hoa truyền thống 5 đời y đức của gia tộc lương y họ Lê mà PGS.TS. Lê Lương Đống đã bén duyên và gắn cuộc đời mình với ngành Y học cổ truyền. Giai đoạn từ năm 2003 - 2007, PGS.TS. Lê Lương Đống giữ chức Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế). Từ năm 2007 - 2012, ông giữ chức Phó Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam... và đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong điều hành, quản lý, giảng dạy, cố vấn về y học cổ truyền.

PGS.TS. Lê Lương Đống chia sẻ về cơ chế hoạt động của bài thuốc chữa viêm tai giữa - một trong những bài thuốc Đông y gia tộc họ Lê lưu truyền.

Tại Hà Nội, căn nhà của PGS.TS. Lê Lương Đống chỉ vài chục mét vuông nhưng được ông dành riêng phòng khách để khám, chữa bệnh cho người dân bằng phương pháp y học cổ truyền. Sau khi "vọng, văn, vấn, thiết" và lấy thuốc cho 5 trẻ nhỏ mang chứng viêm tai giữa, PGS.TS. Lê Lương Đống bắt đầu kể về "cái duyên" của mình với nghề Y học cổ truyền. Đó là năm 1971, chàng trai 19 tuổi đến từ xứ Nghệ đã tạm gác giấc mơ trở thành bác sĩ tại Ttrường Đại học Y Hà Nội, cùng nhiều đồng đội là sinh viên các trường đại học tham gia kháng chiến chống Mỹ, trong đó có cuộc chiến 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị. Đến năm 1975, ông trở lại với giảng đường và sau này, vì hai chữ "nội trú", ông đã chuyển sang học Khoa Y học cổ truyền và đây cũng là lớp Y học cổ truyền nội trú đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội (khóa 1980 - 1983). Đây là lớp đào tạo thế hệ tài năng của đất nước trong lĩnh vực y học cổ truyền với số lượng chỉ 27 người/lớp.

Mọi thứ có thể quên, trừ "mẹo" hái thuốc

Đó là khẳng định của PGS.TS. Lê Lương Đống khi nhắc đến những bí quyết "cha truyền, con nối" trong hái thuốc. Ông kể, cũng bởi được sinh ra trong "cái nôi" truyền thống về dược liệu nên từ ngày nhỏ, khi chưa thể hiểu sâu sắc về thuyết ngũ hành âm dương ứng dụng trong y học cổ truyền, ông đã từng đánh giá bản thân rằng: "Âm dương mù mịt, ngũ hành tối đen". Tuổi thơ của ông là những buổi vừa chăn bò, vừa học chữ, vừa học cây thuốc từ ông nội (cụ Lê Văn Bảng, con trai cụ Tú Bình - PV). Tuy nhiên, sau này lớn lên, tham gia chiến trường Quảng Trị, những kiến thức và các bài thuốc "cha truyền" của ông Đống đã cứu rất nhiều chiến sĩ.

Cánh đồng mênh mông đang được phủ kín bởi nông sản mà ông Lê Lương Tài đang đứng này từng là vườn dược liệu của dòng họ Lê ở thế kỷ thứ XVIII.

Cũng từ khoảng thời gian này về sau, ông Đống cũng thường xuyên sẻ chia những bài thuốc có sẵn trong vườn nhà, với những "mẹo" hái thuốc cũng rất đặc biệt. PGS.TS. Lê Lương Đống kể: "Có những cây thuốc, để thuốc phát huy tác dụng, tôi phải nhịn thở cách 7 bước trước khi hái và hái xong cũng phải nhịn thở 7 bước để bước ra. 7 bước chân này không định theo thời gian cũng không đo bằng bước ngắn hay dài. Đây là những "mẹo" hái thuốc ông nội tôi để lại mà không thể giải thích được bằng khoa học. Đến giờ này, khi mái tóc đã chuyển sang bạc trắng, tôi không thể giải thích được. "Mẹo" này với tôi vẫn rất huyền bí".

Gắn cả tuổi thơ, thanh xuân của mình với Đông y, đến nay đã bước sang tuổi 70, PGS.TS. Lê Lương Đống chưa từng hối hận khi đã lựa chọn và gắn cuộc đời mình với nền y học cổ truyền. Với gia tộc họ Lê, y học cổ truyền là nghề cao quý và tiếp tục được "cha truyền, con nối" đến các con cháu đời thứ 16, 17 của gia tộc. PGS.TS. Lê Lương Đống chỉ có một mong muốn là nền y học cổ truyền ở nước ta phát triển. Để làm được điều này, đầu tiên là Việt Nam vừa phát huy hết y học bản địa, vừa nâng cao công tác giáo dục, vừa chú trọng hệ thống khám chữa bệnh y học cổ truyền từ cấp cơ sở.

PGS.TS. Lê Lương Đống mắt sáng ngời, nói: "Khi y học hiện đại là một bên cánh của con chim phượng hoàng thì những tinh hoa y học cổ truyền được ví như bên cánh còn lại. Tựa như ngành Y nước ta với Đông y và Tây y song hành, sẽ là đôi cánh sải đưa ngành Y Việt Nam phát triển".

Bảo Loan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dong-ho-le-va-nhung-thay-thuoc-noi-danh-mot-vung-16923011714395557.htm