Đồng hành với phụ nữ trong phát triển kinh tế

Với sự đồng hành của Hội Phụ nữ các cấp, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã phát huy được năng lực, sở trường, xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập khá. Thành công của các chị không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn động viên, khích lệ nhiều chị em khác học tập, khởi nghiệp, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nhiều lao động được tạo việc làm tại cơ sở thu mua của chị Nguyễn Hồng Thắm.

Có đôi bàn tay khéo léo cùng đam mê may vá từ nhỏ, lớn lên chị Lê Thị Nhiên (xã Ninh Thắng, huyện Hoa Lư) đi học nghề và làm tại các xưởng may ở trong và ngoài huyện. Tuy nhiên, năm 2010, nhận thấy nhu cầu thị trường may gia công rất lớn, chị đã mạnh dạn mở tiệm may nhỏ tại nhà với 4 máy may.

Những ngày đầu lập nghiệp chị gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, song với quyết tâm, sự sáng tạo, chị đã từng bước ổn định sản xuất.

Năm 2018, khi có chút vốn tích lũy từ thành công bước đầu, kết hợp với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh của Hội Phụ nữ, chị Nhiên mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm máy móc, thành lập tổ hợp may tại nhà với 16 máy may.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, chị Nhiên thường xuyên tìm hiểu, cập nhật xu hướng thời trang và kỹ thuật may mới, đồng thời luôn đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý. Vì vậy tổ hợp may của chị đã tạo được niềm tin với khách hàng.

Hiện, trung bình mỗi tháng tổ hợp may cung ứng ra thị trường 10.000 sản phẩm, thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/năm. Sự quyết tâm, nỗ lực của chị Nhiên đã tạo việc làm ổn định cho 12 lao động nữ, đặc biệt, trong đó có 3 phụ nữ khuyết tật, với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Chị Lê Thị Nhiên hướng dẫn chị em may mẫu áo mới.

Chị Nhiên chia sẻ: "Ngoài động viên, hỗ trợ khởi nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ đã tạo điều kiện để tôi được vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp. Sự tiếp sức ấy đã giúp tôi có thêm động lực để xây dựng mô hình phát triển kinh tế thành công".

Tương tự, chị Nguyễn Hồng Thắm, ở xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn) cũng vươn lên thay đổi cuộc sống với sự đồng hành của tổ chức Hội.

Chị Thắm cho biết: "Trước đây, tôi cũng như nhiều chị em phụ nữ trong xã nhận nguyên liệu từ cơ sở thu mua về làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Từ khi được tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp do các cấp Hội Phụ nữ tổ chức, cũng như sự động viên của cán bộ Hội, tôi đã mạnh dạn đứng ra thành lập cơ sở thu mua từ các hộ làm nhỏ lẻ".

Để thành lập cơ sở thu mua, ngoài sửa sang lại nhà cửa, chị Thắm còn đi tìm hiểu và ký kết để có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng. Nguyên liệu sau khi được xử lý kỹ càng, chị bán cho các hộ gia đình "vệ tinh", cung cấp sản phẩm mẫu cần đan rồi thu mua thành phẩm hoàn chỉnh, xuất bán cho các công ty lớn.

Đến nay, cơ sở của chị Thắm phát triển ổn định, mỗi tháng xuất từ 2.000-3.000 sản phẩm, mỗi năm cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng. Cơ sở của chị giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương và hàng nghìn lao động thời vụ tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và các huyện lân cận.

Trong khi không ít phụ nữ nông thôn vẫn còn lúng túng chưa tìm được hướng phát triển kinh tế phù hợp thì những thành công mà cơ sở của chị Thắm đạt được đã góp phần cổ vũ, động viên nhiều chị em học tập, khởi nghiệp, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, bảo tồn và phát huy những ngành nghề truyền thống.

Cán bộ Hội Phụ nữ huyện Kim Sơn thăm cơ sở thu mua sản phẩm cói, bèo bồng mỹ nghệ của chị Nguyễn Hồng Thắm.

Mô hình của chị Lê Thị Nhiên và chị Nguyễn Hồng Thắm là hai trong hàng trăm mô hình kinh tế được chị em xây dựng thành công nhờ sự tiếp sức của các cấp Hội Phụ nữ trong thời gian qua.

Theo lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, để nâng cao quyền năng kinh tế cho chị em phụ nữ, các cấp Hội đã hỗ trợ bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực như: hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kiến thức khởi nghiệp….

Chỉ tính riêng trong năm 2023, các cấp Hội đã phối hợp với các cấp, các ngành liên quan tư vấn, hỗ trợ thành lập 4 HTX, 6 tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm trở lên.

Đồng thời, quan tâm vận động phụ nữ phát triển các sản phẩm đặc hữu của địa phương, hỗ trợ kinh phí thực hiện ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thực hiện quy trình công nhận 16 sản phẩm OCOP 3 sao.

Các cấp Hội Phụ nữ cũng phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ; hỗ trợ các điều kiện giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo, khó khăn nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cùng với đó, để hỗ trợ chị em tiếp cận với các nguồn vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch, ký kết liên tịch, nhận ủy thác từ các ngân hàng như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình vay vốn. Kết quả, năm 2023 các cấp Hội Phụ nữ toàn tỉnh hỗ trợ trên 50 nghìn phụ nữ được vay vốn để phát triển kinh tế.

Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tăng cường tổ chức các chương trình tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tới các hội viên; hỗ trợ hội viên vay vốn… ,qua đó hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xây dựng mô hình phát triển kinh tế ngày càng hiệu quả.

Bài, ảnh: Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dong-hanh-voi-phu-nu-trong-phat-trien-kinh-te/d20240305065011729.htm