Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Lãnh đạo tỉnh trao văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư dự án cho Tập đoàn KX

Những dự án của tương lai

Đầu năm 2024, Tập đoàn KX đã có chuyến tham quan, khảo sát cơ hội đầu tư tại Thừa Thiên Huế. KX là Tập đoàn dẫn đầu ở những lĩnh vực giải trí, tạo lập và xây dựng sân golf. Trong chuyến công tác đó, hơn 226 cán bộ, quản lý cấp cao của tập đoàn đã trực tiếp khảo sát thực tế tại tỉnh.

Theo ông Choi Sang Joo, Chủ tịch Tập đoàn KX, chuyến khảo sát tại Thừa Thiên Huế là dịp để đơn vị này có cái nhìn tổng quan về cơ hội cũng như môi trường đầu tư tại đây. Đó cũng là cách thể hiện quan điểm quyết tâm, nỗ lực của Tập đoàn trong việc nghiên cứu dự án sân golf tại xã Điền Hòa, huyện Phong Điền. “Với định hướng phát triển của tỉnh, Tập đoàn rất quan tâm và ủng hộ, đồng thời mong muốn UBND tỉnh tạo cơ hội để KX đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh” - Ông Choi Sang Joo cho biết thêm.

Khi Tập đoàn KX dành thời gian để trải nghiệm sân golf tuyệt đẹp của khu Laguna Lăng Cô, có thể thấy doanh nghiệp này không giấu tham vọng sẽ triển khai dự án sân golf tại xã Điền Hòa, huyện Phong Điền.

Không chỉ KX, mới đây, Tập đoàn Deawon cũng đề xuất dự án Khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại xã Hương Thọ, TP. Huế và khu vực thuộc TX. Hương Trà.

Theo đề xuất của phương án là 282,46ha. Trong đó, khu vực xã Hương Thọ thuộc TP. Huế (231ha), khu vực thuộc TX. Hương Trà (50ha). Dự án đề xuất 7 khu chức năng chính và 1 khu chức năng hỗ trợ.

Ông Cheun Eung Sik, Chủ tịch Tập đoàn Daewon cho biết, hiện nay, Tập đoàn đã đầu tư ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển. “Chúng tôi mong muốn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để dự án Khu đô thị và du lịch nghỉ dưỡng sinh thái sẽ sớm triển khai”.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, đối với dự án thuộc các doanh nghiệp Hàn Quốc dự kiến triển khai tại Thừa Thiên Huế, tỉnh và các cơ quan chuyên môn sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện; phấn đấu hoàn thành các thủ tục để dự án có thể khởi công trong thời gian sớm nhất.

Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác

Thực tế cho thấy, trước KX, Daewon, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã chọn Thừa Thiên Huế là địa điểm đầu tư. Một số doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang hoạt động có hiệu quả như: Dự án Lotte Cinema Huế thuộc Công ty TNHH Lotte Cinema Việt Nam tại TP. Huế, Công ty TNHH C & N Huế & Hàn Quốc (đầu tư hạ tầng khu công nghiệp), Công ty TNHH MTV Hanex Huế, Công ty TNHH MTV Takson Huế (dệt may)…

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, sự xuất hiện của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế, đặc biệt là trên các lĩnh vực như, dịch vụ, may mặc, hạ tầng các khu công nghiệp, công nghệ thông tin;…

Với việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, hợp tác đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ bước vào thời kỳ mới với sự bùng nổ của những dự án quy mô lớn. Riêng đối với Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn 2007 - 2021, một số cơ quan trên địa bàn tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác/kết nghĩa với các địa phương Hàn Quốc, như TP. Huế với TP. Gyeongju (2007), quận Dongnae, TP. Busan (2016), TP. Namyangju (2019); huyện Phong Điền với huyện Uljin, tỉnh Gyeongsangbuk (2017); Sở Ngoại vụ với Quận Wando (2018)...

Năm 2023, đoàn công tác của Thừa Thiên Huế do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương dẫn đầu đã tham gia Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hàn Quốc và Nhật Bản 2023 do Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức. Trong khuôn khổ chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh cơ hội đầu tư đến các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Ông Phan Quý Phuơng cho biết, tỉnh luôn mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc về xây dựng hạ tầng tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, hạ tầng các khu công nghiệp phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, sản xuất ô tô; đầu tư khu công nghệ cao về dược phẩm, sinh học, y tế, công nghệ thông tin, nông nghiệp…; xây dựng cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, logistics gắn Cảng nước sâu Chân Mây; đầu tư khu đô thị mới; các khu du lịch đẳng cấp quốc tế; phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, thương mại, công nghiệp văn hóa, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; kết nối xuất khẩu lao động; xúc tiến kết nối giao lưu văn hóa, du lịch giữa 2 địa phương: Huế - Seoul; mở đường bay Huế với Seoul - Hàn Quốc.

Hiện nay, đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc nói riêng, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về thủ tục hành chính; tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, hiệu quả; luôn sẵn sàng gặp mặt, đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để lắng nghe, trao đổi và tháo gỡ những khó khăn để hỗ trợ các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư tại Thừa Thiên Huế.

“Không chỉ các dự án đến từ Hàn Quốc, các dự án nước ngoài khi đầu tư vào Thừa Thiên Huế sẽ được áp dụng các chính sách ưu đãi cao nhất của tỉnh và Luật Đầu tư Việt Nam như cam kết hỗ trợ hạ tầng đến chân hàng rào các dự án; hỗ trợ cung cấp nguồn lao động, đào tạo nguồn lao động địa phương”, ông Phan Quý Phương nhấn mạnh.

Đến nay, toàn tỉnh thu hút 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 61,6 triệu USD. Thừa Thiên Huế đã hoàn tất 6 dự án sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc với tổng số tiền khoảng 55 triệu USD. Giai đoạn 2022 - 2026, Thừa Thiên Huế tiếp tục tiếp nhận các Dự án ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA...

Quỳnh Viên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/dong-hanh-voi-nha-dau-tu-han-quoc-den-hue-139981.html