Đồng hành với bé yêu

Một năm qua, hơn 100 học sinh có dấu hiệu mắc các chứng tự kỷ được y, bác sỹ Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh phát hiện và điều trị. Bằng tình yêu thương, trách nhiệm, các bác sỹ đã trở thành người bạn đồng hành giúp các em sớm hòa nhập với cộng đồng.

Nghe tin có đoàn bác sỹ của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh tới khám ngoại viện tại trường học của cháu mình, bà Má Thị N, xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) đến từ sớm. Bà N tâm sự: Cháu tôi năm nay 4 tuổi, sinh ra lành lặn, nhanh lớn như bao đứa trẻ khác, ngoại trừ việc chậm nói, mất tập trung. Gia đình vẫn nghĩ cháu chậm nói là chuyện bình thường nên không đưa đi khám. Hôm nay, sau khi nghe các bác sỹ chẩn đoán cháu bị mắc chứng tự kỷ, tôi rất lo. Gia đình tôi sẽ đồng hành với bác sỹ để chữa trị cho cháu.

Trẻ sau khi được khám sàng lọc sẽ được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.

Trẻ sau khi được khám sàng lọc sẽ được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh.

Trong số hơn 250 trẻ từ 3 đến 5 tuổi của Trường Mầm non xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) được khám sức khỏe tổng quát, một số bé có dấu hiệu thiếu tập trung, tăng động. Cô giáo Bùi Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa con đi thăm khám, tiếp cận với các dịch vụ trị liệu ở các bệnh viện lớn nên con trẻ mất cơ hội được điều trị bệnh. Chính vì thế, Chương trình “Đồng hành cùng bé yêu” của Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh có ý nghĩa rất lớn. Trên cơ sở tư vấn của bác sỹ, giáo viên nhà trường sẽ có hướng phân loại học sinh, xây dựng chương trình, phương pháp giảng dạy đặc thù cho các em có dấu hiệu tự kỷ. Hy vọng, được can thiệp ở “độ tuổi vàng”, các em sẽ sớm hòa nhập, phát triển bình thường như các bạn.

Chương trình “Đồng hành cùng bé yêu” tổ chức tại Trường Mầm non Cốc San, thành phố Lào Cai.

Chương trình “Đồng hành cùng bé yêu” tổ chức tại Trường Mầm non Cốc San, thành phố Lào Cai.

Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh mỗi ngày tiếp đón và điều trị khoảng 140 trẻ có dấu hiệu mắc các hội chứng tự kỷ. Bác sỹ Trịnh Thị Nga, Phụ trách khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh kể về một học sinh do mình tiếp nhận và giáo dục sau chương trình “Đồng hành cùng bé yêu” tổ chức tại Trường Mầm non xã Cốc San (thành phố Lào Cai). Bé tròn 3 tuổi, rất đáng yêu, tuy nhiên chưa biết nói, không có phản xạ khi nghe gọi, không tương tác và không giao tiếp mắt. Mẹ bé cho biết, vì không có điều kiện đưa con đi khám nên gửi gắm con cho các bác sỹ để được can thiệp. Chỉ sau 2 tuần làm quen, tạo môi trường an toàn, gần gũi, bé ngoan hơn, không khóc đòi về nữa. Bác sỹ Nga bắt đầu lên kế hoạch dạy bé nhận biết về môi trường xung quanh, dạy bé phát những âm cơ bản như ạ, bà, dạ. Sau 1 tháng, bé đã nói theo được từ đơn. 8 tháng sau, bé đã có thể hát, chủ động gọi được cô, mẹ, bố và nhận biết được thế giới xung quanh. Gia đình vẫn tiếp tục cho bé theo học cho đến khi bé được 5 tuổi. “Nuôi dưỡng trẻ nhỏ đã khó, đối với trẻ bị khuyết tật cần sự kiên trì và cố gắng của người chăm sóc, dạy bảo hơn rất nhiều. Để làm được điều này, ngoài chuyên môn thì chúng tôi phải tự rèn mình, đặc biệt là sự kiên nhẫn và tình yêu thương”- bác sỹ Nga trải lòng.

Sau 1 năm đã có hơn 3.200 trẻ tại các trường học được khám sức khỏe tổng quát.

Sau 1 năm đã có hơn 3.200 trẻ tại các trường học được khám sức khỏe tổng quát.

Đang có con điều trị tự kỷ tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, chị Trần Bích T, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) khoe: Nhờ sự tận tâm của đội ngũ y, bác sỹ, con trai tôi đã nghe, nói được từ đơn. Nhìn con háo hức học chữ, tập nói, gia đình tôi mừng không nói nên lời.

Bác sỹ Trần Văn Năm, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Tự kỷ là hội chứng rối loạn phát triển bẩm sinh và khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, can thiệp điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ hòa nhập tốt với xã hội, có thể đến trường tham gia các hoạt động học tập. Từ ý nghĩa đó, tháng 9/2021, bệnh viện triển khai Chương trình “Đồng hành cùng bé yêu”. Sau hơn 1 năm, chương trình đã tổ chức hơn 10 buổi khám sức khỏe ngoại viện cho hơn 3.200 trẻ của các trường học trên địa bàn thành phố, từ đó sàng lọc được hơn 100 trẻ có biểu hiện rối loạn tự kỷ.

Cũng theo bác sỹ Trần Văn Năm, phương châm của chương trình là phối hợp, đồng hành của gia đình, nhà trường và cơ sở y tế cùng trẻ tự kỷ nên các bác sỹ của bệnh viện thường xuyên trao đổi với gia đình và thầy cô giáo để nắm thông tin về trẻ; bàn bạc cùng xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân trẻ, hơn cả là trách nhiệm, tình yêu thương dành cho trẻ, bởi đây là hành trình nhọc nhằn, đầy chông gai...

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362801-dong-hanh-voi-be-yeu