Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu kinh tế

Việc chú trọng đầu tư hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Kon Tum góp phần giúp doanh nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn đạt nhiều kết quả khởi sắc.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum kiểm tra tình hình triển khai các dự án tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum kiểm tra tình hình triển khai các dự án tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y.

Chú trọng đầu tư hạ tầng

Ông Huỳnh Quốc Trung, Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tích cực, chủ động triển khai các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh... Hiện nay, công tác đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư tại các KCN, KKT đang được triển khai với nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh.

Về đầu tư hạ tầng trọng điểm, theo Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum, trong năm 2023, Dự án Đường lên cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia (tổng mức đầu tư 95 tỷ đồng) đã được triển khai thực hiện. Đến nay, khối lượng thực hiện của Dự án đã đạt khoảng 95,66% giá trị theo hợp đồng.

Tại hạng mục sửa chữa, bảo trì công trình Quốc môn cửa khẩu quốc tế Bờ Y, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Dự án và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, hạng mục xây dựng hoàn thiện sân bê tông Bãi đỗ xe Khu I và cải tạo, nâng cấp Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế Bờ Y - KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tổng mức đầu tư 9,2 tỷ đồng) đang được thi công theo tiến độ đề ra.

Với Dự án Khu đô thị dịch vụ Sao Mai (quy mô 60 ha, tại xã Hòa Bình, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum), Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum đang phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Kon Tum tổ chức họp dân thông báo chủ trương thu hồi đất và thời gian kiểm kê tài sản, vật kiến trúc để phục vụ lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, Dự án cũng đã được phê duyệt đề cương, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu của gói thầu, định vị và cắm mốc ranh giới các lô đất đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 1).

“Dự án đang được trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt phương án kỹ thuật và dự toán thi công trích đo địa chính cụm thửa đất tỷ lệ 1/500 để phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Dự án. Phương án đấu giá quyền sử dụng đất với 23.170,7 m2/104 thửa đất của Dự án cũng đang được lập thủ tục trình phê duyệt”, ông Huỳnh Quốc Trung thông tin.

Đối với Dự án KCN Đăk Tô (quy mô 150 ha), trong tháng 8/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đăk Tô và Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum đã tổ chức bàn giao đất trên thực địa (khoảng 100 ha). Ban Quản lý KKT đang xin chủ trương UBND tỉnh Kon Tum cho triển khai lập quy hoạch phân khu để kêu gọi nhà đầu tư đăng ký đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN này.

Từ đầu năm đến giữa tháng 12/2023, trên địa bàn các KCN, KKT của tỉnh không phát sinh dự án mới; có 1 dự án được điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh; 8 dự án được điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư của Ban Quản lý KKT; 2 doanh nghiệp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 1 doanh nghiệp được cấp lại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Lũy kế đến nay, tại các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 89 doanh nghiệp đang hoạt động với 100 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 2.546,186 tỷ đồng, vốn thực hiện 1.464,83 tỷ đồng; góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động trong và ngoài tỉnh.

Ông Huỳnh Quốc Trung chia sẻ: “Công tác thu hút đầu tư vào các KCN, KKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nên việc phát triển các KCN, KKT còn chậm, hạ tầng chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư. Tiềm lực của doanh nghiệp, nhất là về vốn, tài chính, công nghệ, năng lực cạnh tranh còn có một số hạn chế nhất định. Đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ”.

Trong bối cảnh chung của cả nước, các doanh nghiệp đang hoạt động tại các KCN, KKT của tỉnh gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự đồng hành, hỗ trợ và tạo thuận lợi từ lãnh đạo tỉnh Kon Tum và Ban Quản lý KKT, các doanh nghiệp đã từng bước vượt khó và duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định.

Cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp

Trong năm 2023, Ban Quản lý KKT tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường công tác kết nối nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; ban hành nhiều văn bản đôn đốc, phối hợp nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, một số dự án đã được khôi phục, hoạt động trở lại, ổn định sản xuất.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý đã đẩy mạnh công tác phát triển nguồn nhân lực, nhất là trong lĩnh vực quản lý và xúc tiến đầu tư; hướng dẫn, hỗ trợ và giúp nhà đầu tư trong quá trình lập, triển khai các thủ tục đầu tư vào các KCN, KKT; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Về công tác hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp, Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum cho biết, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Ban Quản lý triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư trong KKT và các KCN theo nội dung Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Đối với công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ giải quyết các thủ tục cho nhà đầu tư, trong tháng 6/2023, Ban Quản lý KKT đã xây dựng và ban hành Kế hoạch về việc tự kiểm tra công tác cải cách hành chính nhà nước năm 2023 để đánh giá đúng thực chất công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ; kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính tại cơ quan.

“Đến nay, các tồn tại, hạn chế đã được triển khai khắc phục kịp thời, đúng quy định. 100% nhiệm vụ đã hoàn thành theo chỉ tiêu đề ra. Trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, trọng tâm là phối hợp với các đơn vị, liên thông các khâu để rút ngắn tối đa quy trình, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho nhà đầu tư”, ông Huỳnh Quốc Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Ban Quản lý KKT tỉnh Kon Tum cho biết, Ban sẽ tăng cường tiếp nhận và giải quyết kịp thời các kiến nghị, yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả để nâng cao chất lượng phục vụ; tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch tại các KCN, KKT đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Được biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đang được tỉnh Kon Tum thực hiện là điều chỉnh giảm quy mô KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Thời gian qua, UBND tỉnh Kon Tum đã dành nhiều thời gian làm việc với các bộ, ngành có liên quan, nhưng đến nay, quyết định điều chỉnh vẫn chưa được phê duyệt, ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vào KKT.

Theo Văn bản số 1816/VPCP ngày 20/3/2023 của Văn phòng Chính phủ, việc điều chỉnh quy mô diện tích KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh Kon Tum trong trường hợp việc điều chỉnh đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất KKT theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo đó, sau khi Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Kon Tum sẽ tiến hành lập thủ tục điều chỉnh Đồ án Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y theo quy định.

Ngọc Tân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dong-hanh-ho-tro-doanh-nghiep-tai-khu-cong-nghiep-khu-kinh-te-d205192.html