Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao English Edition

Ngày 23/02/2023, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với các cơ quan ngoại giao, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) năm 2023. Đây là dịp để lãnh đạo tỉnh tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa tỉnh với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài; cổ vũ, động viên DN tích cực phát triển sản xuất, kinh doanh.

Long An - Điểm đến đầu tư thân thiện

Long An được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng để đầu tư phát triển, là cửa ngõ từ TP.HCM và miền Đông Nam bộ đi các tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bằng nhiều chính sách hợp lý cùng chiến lược thu hút đầu tư và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, Long An trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh tăng cường gắn kết cùng cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao nhằm quảng bá hình ảnh về Long An, thu hút đầu tư

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh tăng cường gắn kết cùng cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan ngoại giao nhằm quảng bá hình ảnh về Long An, thu hút đầu tư

Ngoài ra, chính quyền tỉnh còn xác định ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, động lực quan trọng để phát triển nhanh, bền vững. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh tăng cường gắn kết với nhiều cơ quan ngoại giao, tổ chức, Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam như Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, Hiệp hội DN Nhật Bản (JCCH) tại TP.HCM, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại TP.HCM, Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại TP.HCM (KOCHAM), Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM, Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Thương mại Mỹ (AMCHAM) tại TP.HCM, Hội Doanh nhân Việt - Úc, Hiệp hội DN Việt Nam tại Nhật Bản;... Thông qua các mối quan hệ ngoại giao này, hình ảnh về Long An được biết đến nhiều hơn, là một trong những điểm đến đầu tư thân thiện, hội đủ điều kiện thuận lợi để DN đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Long An hiện có gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh với 1.162 dự án, tổng vốn đầu tư gần 10,1 tỉ USD. Hiện nay, dòng vốn đầu tư FDI được tập trung vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngoài DN FDI, DN có vốn đầu tư trong nước cũng gắn bó, đồng hành hiệu quả cùng tỉnh phát triển kinh tế. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15.374 DN đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 364.347 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn có 2.167 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký 218.881 tỉ đồng.

Năm 2022, Long An thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. 19/19 chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,46%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 90 triệu đồng; giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch; thu hút vốn đầu tư đứng trong tốp 10 cả nước và dẫn đầu Vùng ĐBSCL về thu hút vốn FDI.

Là trung tâm phát triển kinh tế năng động

Long An đã thực hiện công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Hội đồng Thẩm định đánh giá cao và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quan điểm chung của quy hoạch là Long An phát triển phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển KT-XH của vùng và quốc gia. Các ý tưởng cốt lõi của quy hoạch tỉnh được dựa trên các hành lang kinh tế chính liên kết với TP.HCM, Vùng ĐBSCL và điều kiện phát triển của địa phương, trong đó, bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Đây được kỳ vọng là bản quy hoạch chiến lược tạo nền tảng vững chắc gắn với mục tiêu phát triển KT-XH vượt bậc và làm cơ sở định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Quy hoạch tỉnh đã đề ra mục tiêu xây dựng “Long An trở thành một trung tâm phát triển kinh tế sôi động, bền vững của Vùng ĐBSCL dựa trên nền tảng công nghiệp xanh, tự động hóa và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Theo đó, Long An xác định mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 9%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, tỷ trọng đóng góp của khu vực nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ lần lượt vào giá trị gia tăng của nền kinh tế là 7%, 64% và 29%; tạo thêm bình quân 30.000-35.000 việc làm/năm trong thời kỳ 2021-2030, chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng/người/năm. Phấn đấu đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, bền vững của Vùng ĐBSCL, nằm trong nhóm 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất của cả nước dựa trên công nghiệp xanh, tự động hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Luôn đông hành cùng doanh nghiệp

Long An đang trong quá trình tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại giữa tỉnh với các cơ quan, tổ chức, DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua việc gặp gỡ, trao đổi và giới thiệu môi trường đầu tư. Qua đó, Long An mong muốn thắt chặt thêm tình cảm hữu nghị giữa tỉnh với cơ quan ngoại giao của các quốc gia, các hiệp hội trong và ngoài nước; đồng thời, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của tỉnh đối với các nhà đầu tư, DN trong nước và nước ngoài đang hoạt động tại tỉnh.

Đặc biệt, để thực hiện thành công Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, chính quyền tỉnh rất mong doanh nhân, DN đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tiếp tục phát huy vai trò xung kích đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế. Để đồng hành cùng DN, chính quyền tỉnh tiếp tục tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Hiện nay, Long An triển khai đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (Department and District Competitiveness Index - DDCI).

Theo đó, Long An xây dựng bộ công cụ để khảo sát, đánh giá năng lực chỉ đạo, điều hành của các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện; đánh giá cảm nhận về thái độ, chất lượng hướng dẫn, giải quyết của cán bộ, công chức, viên chức đối với người dân và DN; đánh giá mức độ quan tâm của người dân, DN đến các chủ trương, chính sách liên quan đến mọi lĩnh vực KT-XH. Thông qua đó, thúc đẩy thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế đối với các sở, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện.

Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh quyết liệt đề ra các giải pháp để nâng cao chỉ số PCI trong năm 2022. UBND tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, các địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi nhũng nhiễu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, khó khăn cho DN, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính cũng như các hoạt động công vụ có liên quan do đơn vị mình đảm trách.

Mặt khác, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng trong xử lý vướng mắc, kiến nghị của DN, nhà đầu tư; tăng cường công khai, minh bạch, nhất là các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển KT-XH,...; quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, tập trung khắc phục tình trạng trễ hạn trong giải quyết thủ tục hành chính, chủ động rà soát, tham mưu cắt giảm hoặc bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không còn cần thiết.

Việc triển khai đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) và triển khai các giải pháp cải thiện PCI được kỳ vọng là bộ chỉ số kép để tỉnh tiếp tục cải cách hành chính trên tinh thần phục vụ người dân, DN cũng như nâng cao năng lực điều hành kinh tế. Với tinh thần đó, lãnh đạo tỉnh sẽ cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm đổi mới tư duy, thay đổi tác phong, lề lối làm việc của cả hệ thống chính trị, với quan điểm nhất quán, xuyên suốt “luôn đồng hành cùng DN”. Chính quyền tỉnh rất trân trọng, luôn sẵn sàng chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, DN cùng hợp tác đầu tư phát triển, cùng thành công tại Long An.

Lãnh đạo tỉnh sẽ gặp gỡ, lắng nghe đề xuất, kiến nghị của các DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn; cổ vũ, động viên DN tích cực phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh./.

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dong-hanh-cung-cong-dong-doanh-nghiep-co-quan-ngoai-giao-a150189.html