Đồng hành cùng BRF vì sự phát triển và thịnh vượng chung

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ lên đường đến Bắc Kinh, tham dự Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ ba từ ngày 17-20/10, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường chất lượng cao: Vì sự phát triển và thịnh vượng chung”, BRF lần này dự kiến thu hút sự tham gia của 130 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế.

Logo của Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh từ ngày 17-18/10. (Nguồn: VGC)

Hành trình của Việt Nam và BRF

Tháng 5/2017, tham dự BRF lần thứ nhất tại Bắc Kinh, lãnh đạo Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang bước vào giai đoạn mang tính bước ngoặt, mỗi quốc gia, khu vực đều tìm cách tiếp cận mới, sáng tạo, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khai thác hiệu quả những thành tựu tiên tiến của khoa học - công nghệ, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định để cùng phát triển bền vững.

Trên tinh thần đó, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực nói chung, Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) nói riêng và sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đem lại lợi ích chung, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại BRF lần thứ hai diễn ra vào tháng 4/2019, lãnh đạo Việt Nam đã chia sẻ về hành trình 30 năm đổi mới của Việt Nam, đồng thời, nhấn mạnh phát triển là trách nhiệm của mỗi quốc gia và phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng là nền tảng cho hợp tác thành công.

Thời điểm đó, Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hợp tác với BRI; nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó tham gia tích cực vào các sáng kiến giảm chất thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ đại diện Việt Nam tham dự BRF lần thứ ba, theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong khuôn khổ diễn đàn, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận về vấn đề kết nối, phát triển xanh, kinh tế số; kết nối thương mại; giao lưu nhân dân; hợp tác địa phương và hợp tác hàng hải…

Thúc đẩy hợp tác BRI, kết nối khu vực

BRI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên trong chuyến thăm Trung Á (tháng 9/2013) và Đông Nam Á (tháng 10/2013). Về phạm vi địa lý, BRI trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ Latinh. Hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI.

Việt Nam nằm trong phạm vi địa lý của BRI và có nhu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhiều chuyên gia nhận thấy, thông qua BRI, Việt Nam có thể nhận thêm nguồn vốn phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông, gia tăng năng lực phục vụ và phát triển kinh tế; đồng thời tận dụng cơ hội này tăng trao đổi thương mại đầu tư, gắn kết với các nước Đông Nam Á.

Tháng 11/2017, nhân dịp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước về thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với BRI.

Tháng 8/2022, tại cuộc họp lần thứ 14 của Ban chỉ đạo Trung Quốc - Việt Nam nhằm thiết lập hợp tác song phương tại Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, hai bên nhất trí tăng cường chiến lược phát triển và tăng tốc hợp tác thông qua BRI và kế hoạch “Hai hành lang và một vành đai kinh tế”.

Mới nhất, cuối tháng 7/2023, trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, đẩy nhanh hợp tác cùng xây dựng BRI chất lượng cao; tăng cường kết nối đường bộ, đường sắt khu vực biên giới, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức, hiệu quả cao, bền bỉ.

Trong lĩnh vực hạ tầng, một số dự án kết nối giao thông xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đã và đang được quan tâm nghiên cứu, triển khai (nghiên cứu khả thi đường sắt khổ 1.435m Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; xây dựng cầu Bắc Luân ở Móng Cái; chuẩn bị xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng ở Lào Cai; ký kết văn bản hợp tác thí điểm xây dựng cửa khẩu số giữa hai địa phương Lạng Sơn và Quảng Tây…).

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vận tải, logistics của Trung Quốc và Việt Nam như Công ty TNHH logistics quốc tế ASEAN - Trùng Khánh, Công ty TNHH quản lý chuỗi cung ứng Yuxinou Trùng Khánh, Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco); Công ty quốc tế Delta… đã vận tải liên vận hàng trăm nghìn container hàng hóa từ Trùng Khánh qua Việt Nam đến các nước ASEAN và từ Việt Nam qua Trung Quốc đi nước thứ ba (châu Âu, Nga, các nước Trung Á, Mông Cổ…).

Tại Hội nghị cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ tám diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Việt Nam có vị trí “cầu nối” giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Do đó, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Quốc trong khung khổ BRI có ý nghĩa thúc đẩy hợp tác, kết nối khu vực.

Thời gian qua, hợp tác BRI giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khu vực có những nét đáng chú ý như: Cách mạng công nghiệp 4.0 và các xu hướng phát triển lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ. Tái sắp xếp chuỗi cung ứng ở khu vực và toàn cầu, tạo cơ hội gia tăng hợp tác giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Một phần đường sắt khổ tiêu chuẩn Mombasa-Nairobi. (Nguồn: China Daily)

“Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nguồn lực con người; tích cực thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Trong bối cảnh mới, Việt Nam mong muốn tiếp tục góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối khu vực, hỗ trợ các nước xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng thị trường, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia và đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp, người dân ở khu vực và trên toàn thế giới.

Để BRI tiếp tục là chất xúc tác cho hợp tác và phát triển khu vực, Việt Nam, Trung Quốc và các nước trong khu vực cần tăng cường kết nối chính sách, tích cực trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phát triển về kinh tế số, kinh tế xanh, các mô hình phát triển mới, đơn cử như: cảng tự do thương mại quốc tế, cửa khẩu thông minh, khu hợp tác kinh tế qua biên giới...

Song song với đó, cần đẩy nhanh tiến độ hợp tác, kết nối mạng lưới giao thông giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước Đông Nam Á, nhất là mạng lưới đường sắt. Đồng thời, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, mở cửa cho hàng hóa, nông sản các nước vào thị trường của nhau.

Do vậy, các bên tham gia BRI cần cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế để hợp tác BRI tiếp tục phát triển và đem lại những kết quả thực chất, bền vững. Đó là trách nhiệm của mỗi quốc gia và là nền tảng để bảo đảm môi trường hòa bình, tạo thuận lợi cho các nước trong khu vực cùng hợp tác, phát triển.

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-hanh-cung-brf-vi-su-phat-trien-va-thinh-vuong-chung-245788.html