Đóng góp quan trọng của các đơn vị khâu sau trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của PetroVietnam

Trong nửa đầu năm 2023, các đơn vị khâu sau của PetroVietnam (khí, điện, đạm, lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm) đối mặt với nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, những kết quả đạt được của các đơn vị càng khẳng định tầm quan trọng trong sự phát triển của PetroVietnam.

Lãnh đạo Tập đoàn PetroVietnam cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị. (Nguồn: PVN)

Ngày 7/7, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã tổ chức Hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch quản trị và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của các đơn vị khâu sau.

Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và khu vực, 6 tháng đầu năm 2023, PetroVietnam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Lạm phát tuy đã hạ nhiệt nhưng các nền kinh tế lớn tiếp tục đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp, nguy cơ suy thoái đã hiện hữu tại một số quốc gia; tổng cầu giảm mạnh, đầu tư thấp, trong khi chi phí vốn cao, nợ công, nợ doanh nghiệp và hàng rào bảo hộ tăng; nhiều nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt.

Xung đột Nga - Ukraine ngày càng phức tạp, rủi ro bất ổn khu vực và cạnh tranh chiến lược gia tăng, thúc đẩy xu hướng phân mảnh địa chính trị, địa kinh tế giữa các khối nước; thiên tai, biến đổi khí hậu phức tạp, khó lường. Những yếu tố này đã đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường năng lượng thế giới và ngành Dầu khí Việt Nam, cũng như các đơn vị khâu sau của ngành.

Cụ thể, giá dầu giảm so với cùng kỳ năm 2022, giá phân bón giảm sâu, nguồn khí trong nước bước vào giai đoạn suy giảm nhanh, đặc biệt là nguồn khí giá rẻ. Bên cạnh đó, sự phát triển của năng lượng tái tạo đã làm nhu cầu sử dụng khí cho sản xuất điện giảm, đồng thời việc huy động không ổn định dẫn đến số lần khởi động và ngừng nhà máy tăng đáng kể ảnh hưởng đến suất hao nhiệt và tăng tần suất xảy ra sự cố; tiêu thụ các sản phẩm không thuận lợi do khó khăn chung của kinh tế toàn cầu; thị trường kinh doanh các sản phẩm cạnh tranh gay gắt.

Tuy nhiên, theo thông tin tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng doanh thu của các đơn vị khâu sau chiếm tới 63% tổng doanh thu toàn Tập đoàn.

Trong đó, đối với lĩnh vực Công nghiệp khí, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đang vận hành 5 hệ thống đường ống dẫn khí, 3 nhà máy xử lý khí, 13 kho chứa LPG với công suất gần 100 nghìn tấn… Hàng năm, PV GAS cung cấp từ 9 - 11 tỷ m3 khí cho việc sản xuất 35% sản lượng điện quốc gia, trên 70% sản lượng đạm góp phần đảm bảo an ninh lương thực đất nước và 70-80% khí cho các hộ tiêu thụ dân dụng của cả nước.

Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Nguồn: PVN)

Đối với lĩnh vực Công nghiệp điện, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) đang vận hành thương mại 6 nhà máy điện với tổng công suất 4.250 MW với 4 nhà máy nhiệt điện khí với tổng công suất 2.700 MW; 2 nhà máy thủy điện với tổng công suất 350MW; 1 Nhà máy điện điện than với công suất 1.200MW. Hàng năm, PV Power cung cấp trên 17 tỷ KWh, chiếm 8-10% tổng sản lượng điện cả nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng điện của đất nước.

Lĩnh vực Lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm xăng dầu có 4 đơn vị tham gia gồm Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) đã hình thành, xây dựng và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam và vận hành thương mại an toàn, hiệu quả các công trình trọng điểm dầu khí. Trong lĩnh vực này, hàng năm các đơn vị đáp ứng khoảng 75% nhu cầu xăng dầu và trên 70% nhu cầu phân bón trong nước.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng cũng đã chỉ đạo các đơn vị khâu sau về mặt mục tiêu phát triển trong 6 tháng cuối năm 2023 và dài hạn hơn tuy gặp nhiều khó khăn về thị trường.

“Vai trò của các đơn vị khâu sau trong sự phát triển của toàn Tập đoàn là rất quan trọng. Các đơn vị khâu sau phải luôn luôn đặt mục tiêu tăng trưởng để phát triển”, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đồng thời, Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng lưu ý các đơn vị khâu sau cần tiếp tục rà soát đầu vào và đầu ra để đưa ra kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp; chú ý tăng tốc về chuyển đổi số và đầu tư; tổng hợp những vướng mắc khó khăn về cơ chế, pháp luật… để kiến nghị với cơ quan chức năng; nâng cao khả năng phân tích và tăng giá trị chuỗi liên kết, tập trung vào hệ sinh thái để mở rộng thị trường.

Khánh Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-gop-quan-trong-cua-cac-don-vi-khau-sau-trong-co-cau-doanh-thu-va-loi-nhuan-cua-petrovietnam-233864.html