Động đất và cơn chao đảo của du lịch Đài Loan

Sau động đất, ngành du lịch Đài Loan (Trung Quốc) đối mặt nhiều thách thức khi hạ tầng bị hư hại, du khách lo ngại mất an toàn.

Sáng 3/4, trong trận động đất mạnh nhất 25 năm qua tại Đài Loan, đảo Rùa (nằm ở ngoài khơi biển Nghi Lan) bị sập mất phần đầu. Đây là địa điểm du lịch nổi tiếng tại phía Đông đảo Đài Loan, có hình dáng như một con rùa nằm giữa biển.

Tuy nhiên, tâm điểm chú ý của du khách đang hướng đến con đường xuyên qua hẻm núi Taroko (thuộc công viên quốc gia Taroko). Đây là cung trekking nổi tiếng với cảnh quan ngoạn mục, song đang hứng chịu hàng nghìn tảng đá đổ xuống từ vách núi. Đá rơi chặn đứng lối đi, khiến 6 du khách mất tích và hàng trăm người khác bị kẹt lại tại một khách sạn gần đó, theo Reuters.

Chưa kể đến cổng dẫn vào Đài tưởng niệm quốc gia Tưởng Giới Thạch và hàng loạt di tích, điểm tham quan khác cũng ngổn ngang gạch đá, hư hại nặng sau cơn địa chấn.

Theo báo cáo, có đến 26 tòa nhà bị "nghiêng hoặc sụp đổ" sau trận động đất sáng 3/4 tại Đài Loan. Ảnh: CNA.

Theo Travel and Tour World - tạp chí chuyên về mạng lưới khách sạn, dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch kỹ thuật số - trận động đất hôm 3/4 là một đòn giáng mạnh cho ngành du lịch tại Đài Loan. Du khách bắt đầu đặt ra câu hỏi về những tác động trước mắt và kế hoạch đến thăm hòn đảo này trong thời gian tới.

"Tôi không biết khách sạn mình thuê có sập hay không"

Ngay sáng 3/4, sau trận động đất 7,7 độ tại Đài Loan, Philippines và Nhật Bản đưa ra cảnh báo sóng thần và ít nhất 20 chuyến bay từ sân bay Okinawa đến Đài Bắc đã phải chuyển hướng.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Anh đưa thông tin trên website, khuyến nghị du khách "nên kiểm tra tình hình thực tế đang diễn ra tại Đài Loan tại trang web của Cơ quan Quản lý Thời tiết Trung ương và các nguồn tin chính thống khác".

Ngổn ngang gạch đá trước cổng Đài tưởng niệm quốc gia Tưởng Giới Thạch (ảnh trái). Một phần đường bị tê liệt ở quận Trung Hòa, Đài Bắc hôm 3/4. Ảnh: CNA.

Trong khi đó, từ Singapore, nhiều du khách có lịch trình đến Đài Loan trong tuần tới bắt đầu thay đổi kế hoạch. Hôm 4/4, Janice Lai, 30 tuổi, người Singapore, cho biết đã quyết định hủy chuyến đi của gia đình đến Đài Loan ngày 11-14/4 sau khi được trợ lý cảnh báo về trận động đất, theo The Straits Times.

Đây là chuyến du lịch đầu tiên của gia đình Lai cùng 2 con. Theo lịch trình, cô sẽ đi đến các điểm tham quan tại Đài Bắc, Nghi Lan và Hoa Liên (nơi gần tâm chấn của trận động đất). Hủy bỏ lịch trình, cô được hoàn 2.500 USD (khoảng 62,4 triệu đồng) chi phí khách sạn và thuê xe hơi.

Một người phụ nữ được chăm sóc y tế vào ngày 4/4 sau khi được giải cứu khỏi Công viên Quốc gia Taroko của Đài Loan sau trận động đất. Ảnh: Washington Post.

Hình ảnh những tòa nhà đổ nghiêng tại Đài Loan trên các phương tiện truyền thông cũng khiến du khách Geraldine (người Singapore) e ngại.

"Tôi lo lắng, không biết liệu khách sạn tôi thuê có trụ vững hay không. Hoa Liên là địa điểm đầu tiên trong chuyến hành trình đến Đài Loan của tôi", vị khách này chia sẻ.

Geraldine cùng bạn dự định đến Hoa Liên để trekking qua hẻm núi Taroko ngày 23/4-5/5. Song, sau cơn địa chấn, khu vực này ngổn ngang gạch đá. "Tôi không biết liệu các mảnh vỡ có thể dọn sạch vào thời điểm tôi đến", Geraldine lo lắng.

Cung trekking qua hẻm núi Taroko chính là nơi 2 du khách người Canada mắc kẹt do động đất. Văn phòng đại diện của Đài Loan tại Canada cho biết 2 khách này đã được giải cứu thành công và không bị thương nặng.

Tuy nhiên, tại một hẻm núi khác ở Hoa Liên, 6 thợ mỏ và 4 du khách nước ngoài (1 khách Canada, 1 khách Ấn Độ và 2 khách Australia) mất tích, hiện chưa được tìm thấy.

Theo Trung tâm Địa chấn Đài Loan, chưa có khuyến cáo rõ ràng về việc có nên đến hòn đảo vào thời điểm này hay không, nhưng các dư chấn mạnh đến 6,5 độ dự kiến sẽ kéo dài trong ít nhất 4 ngày tới, tính từ 3/4.

Một đội tìm kiếm và cứu hộ nỗ lực hành động ở Hoa Liên, Đài Loan vào 3/4. Ảnh: Taiwan National Fire Agency.

Sau cơn chao đảo

Thiên tai là rủi ro khó có thể lường trước đối với ngành du lịch. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả, việc khắc phục hậu quả và vực dậy "ngành công nghiệp không khói" mới chính bài toán cần lời giải nhanh chóng.

Trên thế giới, không ít địa điểm du lịch nổi tiếng từng đối mặt cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Mỗi nơi có cách thức cùng quan điểm khác nhau trong việc tái thiết tình hình.

▸ Hawaii (Mỹ)

Năm 2023, quần đảo Hawaii trải qua đợt cháy rừng được cho là tồi tệ nhất trong vòng 100 năm qua khi hầu hết công trình tại Lahaina (phía Tây đảo Maui) bị thiêu rụi và gần như bị cô lập. Số người tử vong lên đến 89 người sau 5 ngày kể từ ngày xảy ra vụ cháy (8/8/2023), theo Reuters.

Lahaina vốn là thị trấn du lịch, người dân nơi đây chủ yếu kiếm sống nhờ du khách. Song, vụ cháy đã khiến nơi đây không còn có thể làm dịch vụ cho bất cứ ai.

Nhưng chỉ 2 tháng sau, chính phủ tái khởi động du lịch tại Lahaina, yêu cầu nơi đây nhanh chóng khôi phục hoạt động và mở cửa đón du khách. Ban đầu, hơn 3.500 cư dân ký đơn phản đối. Họ lo sợ khách du lịch sẽ gợi lại ký ức đau buồn về thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất cuộc đời.

Nhưng Thống đốc Hawaii Josh Green cho biết quyết định này sẽ giúp nền kinh tế Maui dần phục hồi. Để thể hiện sự tôn trọng người dân và hòn đảo, giới chức Maui kêu gọi khách du lịch tránh xa những địa điểm bị tàn phá và không lan truyền/đăng tải hình ảnh đau thương về hòn đảo lên mạng xã hội.

Trận cháy rừng thiêu rụi một khu vực ở thị trấn Lahaina trên đảo Maui, bang Hawaii, Mỹ. Ảnh: NBC.

▸ Marocco

Khi nỗi bàng hoàng về vụ cháy tại Lahaina chưa qua, trận động đất mạnh kỷ lục ở Marocco xảy ra gây bàng hoàng người dân và truyền thông khắp thế giới.

Theo đó, trận động đất mạnh gần 7 độ xảy ra ở dãy núi High Atlas của Morocco vào khoảng 23h ngày 8/9/2023 (giờ địa phương) gây ảnh hưởng đến thành phố lớn thứ 4 của Morocco và nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng khác.

Dẫu vậy, một thời gian ngắn sau thiên tai, chính quyền địa phương đã cân nhắc thời gian tái thiết hoạt động du lịch. Họ đặt ra vấn đề liệu việc mở cửa trở lại quá sớm có gây nguy hiểm cho khách du lịch hay không?

Ngoài ra, chính quyền cũng phải cân nhắc về áp lực mà các cơ sở hạ tầng phải chịu khi du khách trở lại. Đáng quan tâm nhất vẫn là mức độ tổn thương của người dân nếu khách đề cập đến thảm họa thiên nhiên này.

Tuy nhiên, đối với Marocco, kết nối lại du lịch cùng các hoạt động kinh doanh là phương án cần thiết để thúc đẩy nhanh sự phục hồi và xây dựng lại nền kinh tế địa phương sau thiên tai.

▸ Gorkha (Nepal)

Đáng chú ý, trận động đất ở Gorkha là một nghiên cứu điển hình về cách thiên tai tàn phá du lịch và cách du lịch khắc phục hậu quả của thiên tai.

Theo đó, vào ngày 25/4/2015, vùng Gorkha của Nepal là tâm chấn của một trận động đất mạnh 7,8 độ. Hàng trăm cơn dư chấn đã xảy ra trong nhiều tháng sau đó, để lại tác động nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng của đất nước và điểm đến di sản. Theo báo cáo, vụ việc đã khiến hàng nghìn người thương vong, tổng thiệt hại vật chất khoảng 7 tỷ USD. Kéo theo đó, chỉ trong vòng 6 tháng, lượng khách du lịch đến Nepal giảm đến 42%.

Đống đổ nát sau trận động đất ở Nepal năm 2015. Ảnh: Simcsea.

Tuy nhiên, nền du lịch Gorkha có sự hồi phục được cho là thần kỳ hậu thảm họa, theo Jacqueline Harper, thạc sĩ nghiên cứu Môi trường và Địa lý tại Đại học Waterloo, Canada.

Cụ thể, từ năm 2016 (chỉ vài tháng sau trận động đất), lượng khách du lịch đến Nepal đã khôi phục con số trước sự việc và tiếp tục tăng.

Năm 2017, Nepal đón hơn một triệu lượt khách quốc tế - mục tiêu đặt ra trước trận động đất - và đã đạt được trước thời hạn dự kiến vài năm.

Đến năm 2018, Nepal là quốc gia có lượng du khách tăng nhanh thứ 3 ở châu Á. Từ năm 2022 (sau đại dịch Covid-19), số lượng khách đến quốc gia này tiếp tục xu hướng tăng trở lại.

Theo bà Harper, có một số lý do giúp Nepal khôi phục ngành du lịch nhanh chóng.

Đầu tiên, Nepal thực hiện rất tốt chiến dịch truyền thông, quảng bá đối với du lịch. Sau động đất, Nepal không để thế giới nghĩ về mình với cảnh đổ nát, hoang tàn. Trên thực tế, sự cố chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đến 31/75 địa phương. Nepal tập trung thu hút khách đến phần còn lại của đất nước.

Tổng cục Du lịch Nepal (NTB) mời diễn viên Thành Long, siêu sao bóng đá David Beckham, Hoàng tử Harry (Vương quốc Anh) cùng nhiều tên tuổi khác đến thăm đất nước mình. Sức nóng từ người nổi tiếng khiến Nepal xuất hiện dày đặc trên các bản tin toàn thế giới, từ đó du khác cũng nhìn nhận quốc gia này đã an toàn trở lại.

Thứ hai, Nepal thiết lập quan hệ thân thiết với các hãng tin/ chuyên trang du lịch hàng đầu như BBC, CNNTripAdvisor, từ đó đưa ra thông điệp về một điểm đến an toàn, tuyệt đẹp.

Và cuối cùng, cũng theo bà Harper, thiên tai cũng chính là lý do khiến một điểm đến trở nên nổi tiếng hơn. Nhiều người muốn đến một nơi sau thảm họa nhằm chứng kiến tàn tích hoặc sự hồi sinh của địa điểm.

Tuy nhiên, đây không phải cách làm du lịch bền vững, bà Harper nhấn mạnh. Sau sự cố thiên nhiên, điểm du lịch cần cho đây là điểm khởi đầu làm mới chính mình, cả về hạ tầng và phong cách dịch vụ.

▸ Nhật Bản

Ngoài ra, khi nhắc đến bài học về kinh nghiệm ứng phó thiên tai, Nhật Bản là quốc gia được đề cập đến nhiều nhất. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em xứ sở hoa anh đào đã được dạy cách "sống chung" với động đất. Không vội vàng mở cửa du lịch như Hawaii, Nhật Bản bình tĩnh đối mặt và kiên trì khắc phục hậu quả, đồng thời có nhiều biện pháp đề phòng.

Xây dựng nhà chống động đất: Các kiến trúc sư tại Nhật Bản dồn sức lên ý tưởng thiết kế công trình chống động đất bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Một trong những kiến trúc sư nổi tiếng nhất là Kengo Kuma. Ông hợp tác với công ty dệt may Komatsu Matere vào năm 2016 để phát triển một mạng lưới bao gồm hàng nghìn thanh sợi carbon bện, neo một tòa nhà xuống đất như một cái lều.

Tòa Komatsu Matere Offices được kiến trúc sư Kengo Kuma thiết kế. Ông dùng các sợi carbon bện để gia cố công trình. Ảnh: Takumi Ota.

Hệ thống cảnh báo động đất sớm (Earthquake Early Warning system): Điện thoại di động của người dân Nhật Bản đều được trang bị hệ thống này. Ngoài ra, phương tiện giao thông công cộng ở đây cũng lắp thiết bị có cơ chế tạm ngừng khi có động đất, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.

Bộ dụng cụ sinh tồn bao gồm hộp sơ cứu, nước uống đóng chai, thực phẩm dự trữ, dụng cụ thiết yếu như đèn pin, găng tay, khẩu trang, tấm cách nhiệt và radio để nhận thông báo cập nhật thường xuyên.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dong-dat-va-con-chao-dao-cua-du-lich-dai-loan-post1468368.html