Động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Số người thiệt mạng lên tới gần 5.000

Lực lượng cứu hộ chuyển nạn nhân bị thương ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất tại Afrin, tỉnh Aleppo (Syria). Ảnh: AFP/TTXVN

Theo hãng tin ReutersAFP, tính đến 15 giờ ngày 7/2 (giờ Hà Nội), số người thiệt mạng trong thảm họa động đất mạnh tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã lên tới gần 5.000 người, trong đó tại Thổ Nhĩ Kỳ là 3.381 người và tại Syria là hơn 1.600 người.

Trong ngày 7/2, thêm nhiều nước tuyên bố gửi hàng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp và cử các đội cứu nạn - cứu hộ đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của trận động đất khiến hàng nghìn người thiệt mạng xảy ra một ngày trước đó.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo nước này có kế hoạch hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp 5 triệu USD và cử khoảng 110 nhân viên đến Thổ Nhĩ Kỳ để giúp tìm kiếm và cứu nạn sau thảm họa động đất xảy ra ngày một ngày trước đó khiến hàng nghìn người thiệt mạng.

Theo người phát ngôn bộ trên Lim Soo-suk, nhóm nhân viên hỗ trợ gồm hơn 60 người thuộc Đội cứu trợ thiên tai Hàn Quốc và 50 nhân viên quân sự. Hàn Quốc cũng sẽ huy động máy bay vận tải quân sự vận chuyển vật tư y tế đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã yêu cầu chính phủ nước này nhanh chóng cử nhân viên cứu trợ và vật tư y tế đến hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Park Jin đã cam kết với Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Seoul Murat Tamer rằng Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết quân đội nước này đang cân nhắc cử máy bay tiếp dầu KC-330 đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại Pakistan, giới chức nước này cho biết đã gửi hàng cứu trợ cũng như đội ngũ y tế và cứu hộ đến các khu vực bị động đất tàn phá ở Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Pakistan đã cử 2 đội, trong đó 1 đội gồm các chuyên gia về tìm kiếm và cứu hộ khu vực đô thị, chó nghiệp vụ và thiết bị tìm kiếm nạn nhân, và 1 đội nhân viên y tế gồm bác sĩ quân y, y tá, kỹ thuật viên, bệnh viện dã chiến 30 giường bệnh, lều bạt, chăn màn và các mặt hàng cứu trợ khác.

Các đội cứu trợ này sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi hoàn thành các hoạt động cứu nạn-cứu hộ.

Văn phòng Thủ tướng Pakistan cho biết nước này sẽ tiếp tục cử các đội cứu hộ và hàng viện trợ đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Từ ngày 8/2, mỗi ngày có 1 chuyến bay của hãng hàng không quốc tế Pakistan PIA chở 15 tấn hàng cứu trợ nhân đạo từ Pakistan đến Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Thủ tướng Úc Anthony Albanese ngày 7/2 cũng cho biết sẽ hỗ trợ 10 triệu đôla Úc (6,94 triệu USD) cho các nạn nhân bị ảnh hưởng của động đất tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria. Ông Albanese cũng gửi lời chia buồn sâu sắc đến chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Cùng ngày, Chính phủ New Zealand cũng thông báo sẽ cung cấp 1,5 triệu đôla New Zealand (950.000 USD) cho các hoạt động ứng phó của Hội chữ Thập đỏ và Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Thổ Nhĩ Kỳ (IFRC).

Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cho biết khoản viện trợ có thể sẽ được cung cấp nhiều hơn, nếu cần thiết. Bà Mahuta cho biết New Zealand vô cùng đau buồn trước những thiệt hại về người và sự tàn phá khủng khiếp do trận động đất gây ra. Mọi người dân New Zealand đều hướng về các nạn nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo đã điều lực lượng tìm kiếm cứu hộ từ 10 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để hỗ trợ hai nước khắc phục hậu quả động đất. Các quốc gia thành viên này bao gồm Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Ý, Hà Lan, Ba Lan và Romania.

Ngoài những nước nêu trên, các quốc gia EU khác cũng đã ngỏ ý hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria về thông tin hậu cần, kiến thức chuyên môn về địa chấn và thiết bị liên quan, cũng như cung cấp chỗ ở cho những người bị mất nhà ở do thảm họa.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Thụy Điển - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - ngày 6/2 đã quyết định kích hoạt Cơ chế ứng phó khẩn cấp với khủng hoảng (IPCR) nhằm điều phối các biện pháp hỗ trợ của EU đối với hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Ngoài ra, 60 máy móc được huy động để “dọn dẹp gạch đá, tìm kiếm nạn nhân và cứu trợ y tế tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề nhất”.

Từ Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cũng cam kết cung cấp "mọi sự hỗ trợ" để giúp Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua khủng hoảng sau trận động đất. Hiện Hy Lạp (cùng Ý) đang tạm thời đóng cửa một số khu vực ven biển để đề phòng khả năng xảy ra sóng thần sau cơn địa chấn trên.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, nước này đang theo sát tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận thảm họa động đất, đồng thời bày tỏ lời chia buồn tới các nạn nhân và sự đồng cảm với các gia đình có người thân thiệt mạng và những người bị thương.

Chính phủ Trung Quốc đã thông báo viện trợ khẩn cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 40 triệu Nhân dân tệ (5,9 triệu USD). Trong khi đó, Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc sẽ viện trợ khẩn cấp 400.000 USD, chia đều cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cũng cam kết viện trợ 13 triệu USD để khắc phục hậu quả động đất ở Syria. UAE đã điều một đội cứu hộ mang theo nhiều thiết bị y tế tới miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, nước này còn đang lên kế hoạch thành lập tại đây một bệnh viện dã chiến. Trận động đất độ lớn 7,8 xảy ra lúc 4 giờ 17 sáng 6/2 (giờ địa phương), với tâm chấn ở độ sâu khoảng 18km gần TP Gaziantep của Thổ Nhĩ Kỳ, cách biên giới Syria khoảng 60km.

Con số thiệt hại về người và tài sản dư kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong bối cảnh lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để xác định vị trí của những người sống sót bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của hàng nghìn tòa nhà bị sập.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/293132/dong-dat-tai-tho-nhi-ky-syria--so-nguoi-thiet-mang-len-toi-gan-5-000.html