Động cơ cũ sẽ là 'gót chân Achilles' của tiêm kích Su-30MKI do Ấn Độ tự nâng cấp?

Ấn Độ muốn nâng cấp tiêm kích Su-30MKI tương đương Su-30SM2 của Nga, nhưng máy bay chiến đấu của họ vẫn tồn tại một điểm yếu rất đáng kể, đó là loại động cơ cũ.

New Delhi đang sản xuất tiêm kích Su-30MKI theo giấy phép từ Nga và phương tiện trên hiện là xương sống của Không quân Ấn Độ, tổng cộng 262 chiến đấu cơ loại này đã được xuất xưởng.

Ấn Độ tham muốn nâng cấp phi đội Su-30MKI của mình nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, đặc biệt khi New Delhi nhận thấy chúng đã lạc hậu nhiều so với J-16 và nhất là J-20 của Trung Quốc.

Vào tháng 10/2022, một chương trình đã được khởi động để nâng cấp lô tiêm kích Su-30 MKI đầu tiên, tổng cộng 84 chiếc sẽ được đổi mới trong 5 năm tới. Ít nhất đó là khoảng thời gian cần thiết để hiện đại hóa đợt đầu.

Ấn Độ dự định nâng cấp hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại, một khí tài băng tần kép mới dự kiến sẽ được tích hợp trong phiên bản Mk II, tức là nâng cấp cục bộ theo chương trình Make in India.

Chi tiết đáng chú ý nữa là radar mảng pha quét điện tử thụ động (PESA) N011M Bars sẽ được thay thế bằng loại quét chủ động (AESA) mang tên Virupaaksha do nước này tự phát triển. Theo các nguồn tin từ Ấn Độ, radar mới sẽ sẵn sàng vào năm 2024.

Sau đó, các chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Su-30MKI với radar AESA do Ấn Độ tự chế tạo đã được lên kế hoạch. Năm 2026 là hạn chót do Bộ Quốc phòng Ấn Độ đặt ra để radar mới hoạt động đầy đủ.

Bên cạnh đó, tiêm kích Su-30MKI cập nhật sẽ có khả năng sử dụng nhiều loại vũ khí hàng không do Ấn Độ sản xuất nhằm nâng cao sức mạnh, bởi chúng có tầm xa lớn hơn nhiều so với phiên bản xuất khẩu mà Nga cung cấp cho nước này.

Điển hình như tên lửa BrahMos-ER với tầm phóng lên tới 500 km, tên lửa hành trình cận âm tấn công mặt đất Nirbhay tầm xa 1.500 km và tên lửa chống radar thuộc dòng Rudram (tùy theo phiên bản có thể đạt tầm bắn từ 150 km đến 500 km).

Nhìn chung Ấn Độ sẽ cố gắng hiện đại hóa phi đội máy bay chiến đấu Su-30 MKI của mình bằng các công nghệ sản xuất trong nước. Quá trình hiện đại hóa là điều bắt buộc, và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ giới chức quân sự nước này.

Mặc dù vậy, vẫn có một lỗ hổng tương đối lớn trong dự án hiện đại hóa quy mô lớn các tiêm kích Su-30MKI, khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ không có kế hoạch thay đổi động cơ mà vẫn đặt niềm tin vào loại AL-31FP.

AL-31PF là loại động cơ có kiểm soát vector lực đẩy 2 chiều (2D TVC), nó cung cấp mức độ cơ động đáp ứng được đòi hỏi của một tiêm kích chiếm ưu thế trên không thế hệ 4++, nhất là khi đặt nghiêng tạo trạng thái "giả 3D" và kết hợp cùng cặp cánh mũi.

Tuy nhiên rõ ràng chiếc máy bay sau khi nâng cấp quy mô lớn với các khí tài điện tử hàng không tối tân sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn trước và động cơ cũ khó lòng đáp ứng nổi.

Động cơ AL-31FP khó lòng cung cấp đủ điện năng để vận hành radar mảng phá quét chủ động tối tân cũng như hệ thống tìm kiếm hồng ngoại tiên tiến hơn sẽ lắp đặt trên tiêm kích Su-30MKI hiện đại hóa.

Đây là điều Không quân Nga đã nhìn thấy, thể hiện qua việc khi hiện đại hóa những chiếc Su-30SM của mình, Moskva đã tích hợp động cơ AL-41F1S của Su-35S cho chúng, thiết bị này có nhiều ưu điểm hơn hẳn, sẽ mang lại sức sống mới cho chiếc tiêm kích đời cũ.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dong-co-cu-se-la-got-chan-achilles-cua-tiem-kich-su-30mki-do-an-do-tu-nang-cap-post563001.antd