Dòng chảy vẫn miệt mài

Đó là những ngày nước lên mạnh. Màu nước trong đồng gió thổi dồn váng phèn xếp nếp bên cạnh đám rau muống đồng vừa phún khỏi mặt nước. Nước ngoài kênh ngập còn non nửa thước là tới mé lộ.

Tôi mang theo nửa trăm điếu ngải cứu chạy dọc theo mương chùa vào gò Ba Gia. Tôi vô đó tìm thầy Ba Nghiệp học nghề. Ông anh Tư Lê, người thầy thuốc gần nhà nói với tôi “nói cô muốn học nghề muốn trị bệnh từ thiện thì vô gò Ba Gia hợp lý, vì nơi đó rất nghèo”.

Gò Ba Gia, nơi mà mùa hạn, khi nước ròng thì lòng kênh trơ đáy. Muốn tưới tiêu gì cũng phải đợi nước lớn. Nhưng hễ lũ chớm về là nước ngập lút ruộng trước ruộng sau. Nghèo hay khổ chưa biết, nhưng nhìn màu nước tại gò Ba Gia sẽ thấy ký ức miền Tây còn lưu lại. Con đường làng xanh um màu chuối bên cạnh những bụi hoa trâm ổi rực bông. Nước đỏ au đầy kênh, nước lênh láng hai bên đồng. Màu nước kênh đỏ quạch chảy lơ thơ ngang những nhánh gáo. Đó là những gì một thời hiện diện khắp các nẻo đường miền Tây.

Nhìn những đọt gáo, lá gáo lướt trong nước, tôi nghĩ về hành trình học hỏi của mình. Tôi thích tự tìm hiểu hơn là bị ép theo một phương pháp phổ thông. Ông thầy này thì lại truyền đạt tận tình nhưng dễ lớn tiếng khi tôi làm sai ý. Tôi trụ lại ở ông thầy này được bao lâu? Hay như những nhánh gáo kia, suốt cuộc đời phất phơ trên cao, nước từ kênh thấm vào nó là đi từ rễ lên thân. Rồi hôm nay chính nó chạm nước bằng những lá những hoa hoặc những chồi non cần quang hợp.

Không phải ngẫu nhiên mà tôi nói tâm trạng mình là nhánh gáo. Tình cờ tôi gặp thầy Ba trong một ngôi chùa. Thầy Ba nói bệnh là tự cơ thể mình rối loạn rồi bất thông rồi thống khổ, không ai thò tay mặt đặt tay trái vô chỉnh sửa nó miếng nào. Ai buộc người đó mở sẽ mở được tận gốc. Hãy chỉ cách cho cơ thể tự sửa đổi rồi tự chữa trị bệnh tình. Thật ra lúc đó tôi nghe chưa mạch lạc vậy đâu. Tôi chỉ nhớ mỗi ý “cơ thể tự tạo được thuốc sao phải lấy thuốc bên ngoài”. Cái ý đó gợi nhiều câu hỏi nên tôi hỏi thăm vài thầy thuốc trong vùng về thầy Ba. Tất cả họ đều lắc đầu “đừng nhắc tới ông ta”, như người ta đang nói về một người tâm thần vừa ngạo ngược vừa rối rắm trong nói năng hành xử.

Một thời ngang dọc, giờ thầy Ba trụ lại nơi phòng chẩn trị đông y chữa bệnh cứu người.

Tôi vẫn tìm tới học hỏi. Bởi tôi cảm thấy hình như trong mớ rối rắm kia có những ý mới mà tôi thấy đúng. Và khởi đầu cuộc học hỏi tôi làm gì cũng bị thầy rầy. “Cô đừng hơ nhiều ngải quá”. “Cái cô này, bấm bậy bạ rồi kìa”. “Cô mà làm với tôi chắc tôi la cô khóc luôn”. “Khó khăn quá thì em để thầy làm một mình, mắc gì em phải khóc...” - Nói thì nói vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy sợ khi làm việc chung với ông thầy.

Trong bữa cơm, thầy Ba vô tình nói mình từng là thầy võ. Tôi hỏi hình như dân võ cộc hả thầy? “Không, biết ba mớ thì cộc chớ khi đã giỏi thì chẳng còn bận tâm gì thắng thua nữa nên không có gì phải cộc. Má tôi giỏi võ, cả đời bà chỉ gây với ba tôi một lần. Lần gây đó ba tôi quăng cái chén vô mặt má tôi, má tôi chụp cái chén úp vô sóng. Người vậy đó nhưng cả đời không hề đánh đấm gây gổ với ai”. Thầy kể cho tôi nghe về tuổi trẻ đi học sư phạm phá phách ngạo ngược tới độ suốt khóa học nhận hơn ba mươi tờ tự kiểm. Ngay khi chuẩn bị lấy chứng nhận ra trường về dạy cũng nhận thêm tờ tự kiểm mới được về. Rồi thầy kể những năm tháng bỏ vợ lang bạt khắp nơi.

Tôi cố hình dung về những ngày vợ thầy bị bỏ rơi. Bởi hiện tại là một khung cảnh khác. Vợ chồng thầy sống lặng lẽ bên góc chợ quê. Thầy cặm cụi chăm sóc người vợ từng bị tai biến nặng. Vợ tin cậy tuyệt đối y thuật của chồng. Nhờ tin cậy như vậy mà sau đợt tai biến, cô phục hồi sức khỏe dần dần rồi ngày nay có thể tự đi chơi, tự nấu nướng chăm sóc bản thân như một người bình thường, để thầy tự do đi về gò Ba Gia chữa trị bệnh nhân. “Tôi tưng bừng một thuở mà. Má đợi tới lúc tôi đi đã đời bà nói một câu: người vợ do ba má chọn cho con mà con bỏ bê thì người vợ nào con có thể sống đời? Nghe câu đó tôi quay đầu về với vợ”, thầy Ba kể.

Một thời ngang dọc giờ trụ lại phòng khám đông y gò Ba Gia. Tới phòng khám lúc nào cũng thấy thầy trực. Một mình bốn giường bệnh nhỏ dành châm cứu, một giường lớn dành cho bệnh nhân ngồi uống trà. Những ngày đông khách, thầy nhìn khắp một lượt bệnh nhân. Thấy người nào cần cấp cứu hoặc đau nhức nhiều thì trị trước. Nhiều người nói thầy không nguyên tắc. Đáng lẽ ai đến trước trị trước.

“Nếu cùng điều kiện sức khỏe thì ai đến trước trị trước. Nhưng nếu xét về bệnh trạng, chỉ vì muốn giữ nguyên tắc mà người đang cần cấp cứu lại bắt chịu đựng rủi họ trở nặng hoặc họ chết thì ai tha thứ cho mình. Những người bệnh ít, sức chịu đựng tốt hơn chờ đợi một chút sẽ không sao. Nhưng phải giải thích cho người ta một tiếng để người ta vui vẻ chờ đợi”. Thầy trị cho bệnh nhân mà như một cuộc cà phê. Bệnh nhân đến thầy nhìn sắc diện, bắt mạch và hỏi thăm hiện trạng bệnh tình. Thầy dùng bút diện chẩn hoặc điếu ngải trị đồng ứng vài điểm trên tay trên mặt trên chân xong một lượt. Trị nước đầu xong, người bệnh sẽ ngồi yên lắng nghe phản ứng của cơ thể, lắng nghe coi những bệnh nào lui những bệnh nào còn. Xong một vòng, thầy quay lại bệnh nhân đầu tiên để hỏi thăm tình hình hiện tại và tới nước hai là châm cứu.

Trong lúc những bệnh nhân nằm chờ châm cứu, thầy trị đồng ứng cho những bệnh nhân mới. Thầy vừa trị vừa giảng giải nguyên lý bệnh của người này người nọ. Mọi người ngồi uống trà nghe giảng về bệnh. Có những bệnh đơn giản, chỉ cần làm vài thao tác đồng ứng đã khỏe. Nhưng hầu hết bệnh nhân đến phòng đông y đều là bệnh mãn tính, bệnh chồng bệnh, bệnh hòa bệnh. Trị bệnh này xong lại nghe bệnh khác trồi lên. Vốn dĩ những cơn đau không bao giờ đến một lúc. Vừa trị vừa chờ phản hồi để xử lý tiếp là cách giảm thiểu những biến chứng, cũng là cách giúp bệnh nhân có thời gian nghỉ ngơi sau điều trị.

Chính vì vừa điều trị vừa lắng nghe nên phòng khám đông bệnh hay chỉ có vài bệnh nhân, thầy Ba cũng tỉ mẩn hết buổi mới về: “Bất cứ bệnh nhân nào về cũng đều phải có phần nhẹ hơn và vài hôm sau càng thuyên giảm nhiều hơn”. Những bệnh nhân trẻ thầy trị kỹ hơn “cho nó về nó đi làm nuôi gia đình”. Những bệnh nhân già thì thầy trị nhẩn nha. “Già rồi, rệu rã rồi, trị như kiểu câu giờ thôi. Tuổi hưu trí rồi, cứ ngồi uống trà với thầy thuốc cho vui”.

Người trị bệnh đến với phòng khám như đến với một cái quán trà thân thuộc hay đến với nhóm bạn già hàn huyên tâm sự. Phòng khám vốn dĩ là bệnh viện nhưng thực tế nó giống như một nơi giải tỏa những muộn phiền do bệnh, do già, có khi là do đơn độc không có người trò chuyện.

Người bệnh đến với phòng khám của thầy Ba như đến với một cái quán trà thân thuộc hay đến với nhóm bạn già hàn huyên tâm sự

- Tôi đang nghĩ cách nếu mà mình quá già rồi vẫn chưa chết, mắt không thấy rõ, tay không còn mạnh, tôi sẽ trị bệnh nhân kiểu gì đó. Không cần châm kim, chỉ cần cầm nắm tay bệnh nhân, nhắm mắt nghe hơi thở, nghe tiếng nói để đoán bệnh.

- Già không thấy đường thì nghỉ ngơi chớ trị bệnh chi nữa cho cực vậy ông thầy?

- Không được trị bệnh buồn lắm. Vốn dĩ không nhìn thấy vẫn trị được đó cô. Tại tôi còn mê châm cứu nên vẫn châm chớ chỉ cần trị đồng ứng vẫn sửa đổi được cơ thể, vẫn dạy được nó sống một đời an lành. Tôi ước ao trị cho tới lúc mình mệt mỏi quá, nhắm mắt ngủ một giấc dài. Rồi tỉnh dậy kiếp sống khác tôi tiếp tục trị những bệnh còn dang dở.

Thầy chưa ngán nghề trị bệnh sao?

- Tôi bị cảm. Đêm tôi ngồi thiền, thấy mình đã đi rất xa mà không tài nào trở lại được. Người nhẹ nhàng lắm. Khi trở lại, cảm nhận cái thân xác nặng nề của mình tôi nghĩ về cái chết. Ai cũng chết. Tôi nghĩ như mình mệt mỏi quá sức ngủ một giấc, thức dậy qua một ngày mới, một kiếp mới. Tôi muốn mình được làm một thầy thuốc. Đơn giản như vầy. Ngày ngày có bệnh nhân cho mình trị, mình khám phá, viết ra. Mình không cần bao nhiêu thức ăn đâu cô. Tinh thần cân bằng thì một vài hột gạo nhai vài tiếng vẫn no. Ngọc mễ trong thiên nhiên phối hợp ngọc trong người mình, thành một chất chẳng khác thuốc tiên. Trước vợ chồng tôi cũng hay lo lắng này nọ nhưng giờ chẳng thèm lo. Vậy là mình có thời gian, tiền bạc dành cho người khác.

- Người dân ở đây tội lắm cô. Như chị này. Trồng một vườn chanh. Nước lên ngập quá nhiều. Chỉ cầm cự không nổi nên định buông. Thà mất một trăm triệu hơn là mất vài trăm triệu. Tôi nói chị ráng đi. Thêm vài chục triệu nữa làm đê… Tôi về bàn với vợ. Vợ nói ừ thôi mình cũng từng khổ sở nay đỡ hơn giúp người ta. Vợ tôi chuẩn bị hai chỉ vàng cho chỉ mượn...

Người phụ nữ chủ vườn chanh ngồi gần đó gật đầu xác nhận. Chị nói thêm về câu chuyện vườn chanh: “Lúc đó nản lắm. Mà khi mình nản có anh Ba động viên nên ráng. Nước khổ lắm. Đê bể, chồng tôi nằm chắn ngang chỗ bị bể, tay thì vói xung quanh móc đất đắp vô. Tôi bệnh vầy đâu có tiếp gì được, chạy đi kêu mấy thằng cháu. May mà cứu được đê. Sau đó mấy người trong xóm nói chừng nào cần người cứ nói. Mấy chục người sẽ vô tiếp”.

Bà chủ vườn chanh bị ngập nước vừa được trị bệnh cho thân vừa được động viên về tâm để duy trì vườn chanh.

Tôi có biết chuyện vợ chồng bệnh nhân trẻ trị bệnh một thời khỏe mạnh rồi thành con nuôi của thầy Ba. Hai vợ chồng đi gỡ kim, đi bó thuốc cho những bệnh nhân khác. Tôi đưa một giảng viên trường Đại học An Giang về cho thầy Ba khám. Em nói thầy giỏi quá, cách giảng giải về bệnh cho mấy người nông dân vừa khoa học vừa dễ hiểu. Người dân ở đây nghèo nhưng may mắn được hưởng cách chữa trị rất lành mạnh tận gốc và ít tốn kém của thầy. Tôi hỏi thầy Ba có thích đến những vùng đô thị để trị bệnh không. Nơi đó thầy sẽ có cơ hội giúp nhiều người hơn.

“Tôi hợp với mấy nơi vắng vắng như vầy. Nếu không có bệnh nhân thì tôi buồn lắm vì không có bệnh nhân, tôi chỉ là người vô dụng chớ không phải thầy thuốc. Bệnh nhân nhiều quá tôi không tận tâm được. Lúc đó phải chạy đua, trị người này mà tâm trí để chỗ người kia, hiệu quả sẽ lúc được lúc không. Bệnh nhân ít, tôi có thể nhẩn nha vừa trị vừa trò chuyện vừa nghiên cứu về bệnh về cơ địa từng người. Trong lúc trò chuyện là lúc tôi hiểu họ hơn, dạy cơ thể họ tự chữa lành. Chớ họ già cả quá rồi. Mấy người già thị thành chốn sang cả dinh dưỡng đầy đủ mà trị bệnh còn trầy trật huống gì những bệnh nhân trị đằng trước, rước bệnh đằng sau như mấy chị nông dân này. Cơ thể họ phải được nghe nói về cách tự sửa đổi để biết lắng nghe nhau hoặc sẽ hoang dã hơn để thích nghi hơn thì cuộc sống sẽ an lành”.

Bà chủ vườn chanh bị ngập nước nhắc đến trong bút ký, vừa được thầy Ba trị bệnh cho thân vừa được động viên về tâm để duy trì vườn chanh.

Thầy Ba cũng để cơ thể mình thích nghi hoang dã. Là bản thân đừng đòi hỏi vật chất cao để có thể bám trụ vùng gò Ba Gia nghèo. Thuốc thì lấy từ thân bệnh nhân. Phối một chút thuốc bắc thuốc nam là thuyên giảm. Chỉ có kim châm là tốn hao. Mỗi người chừng mười mấy ngàn tiền kim nhưng thu không có nên việc chi cũng rất đỗi chật vật. Có lúc phòng khám không có tiền đóng tiền điện tiền kim. Thầy Ba vẫn cứ bình tâm. Mình cứ làm cho xã hội tự khắc xã hội không để mình thiếu thốn. Có bao nhiêu xài bao nhiêu, không có gì phải lo sợ. Người ta không bệnh vì thiếu ăn đâu, cũng không phải bệnh vì làm nhiều mà bệnh vì sợ hãi. Sự rối loạn bên trong ý nghĩ, rối loạn bên trong hệ thống khí huyết lẫn tế bào mới là nguyên nhân dẫn đến bệnh. “Tối thiểu thì chỉ cần một cái que phối hợp với lời nói, chút cơm chút rau tôi vẫn giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật”, thầy Ba nói.

Ở vùng quê nghèo này, những người phụ nữ cắm mặt với ruộng đồng ít quan tâm sức khỏe. Tới chừng bệnh thì đã trăm thứ trong người. Thầy thủng thẳng trị. Tất cả mọi người đều được trị. Đến trị bệnh như đến lớp học, như đến một quán cà phê để tám về những kiến thức của cơ thể, kiến thức điều chỉnh bản thân. “Mỗi lần trị cho ai đó hãy nói với họ, ví dụ “tôi đang trị cái chân đau của chị nè nghe, tôi đang trị cái cổ nè nghe”. Cơ thể sẽ nghe tiếng nói của mình để nó đưa thông tin về cái chân đau, về cái cổ đau. Tế bào nghe tiếng nói của mình nó sẽ ổn định trật tự rồi tái tạo cuộc sống mới. Bệnh lui dần là từ nguyên lý đó…”, thầy dặn dò.

Tôi nhìn thầy Ba trị bệnh như nhìn trẻ con chơi nhà chòi. Chơi thôi mà. Thầy thuốc và bệnh nhân đều tham dự cuộc chơi rồi đều cảm thấy sảng khoái trong cuộc chơi vốn dĩ vô cùng khắc nghiệt.

Tôi nhìn thầy Ba sống như nhìn con nước dưới lòng kênh. Nước đang tràn trề. Chắc dòng kênh đang hạnh phúc. Nó được chảy, được sống. Mà ngay cả mùa cạn kiệt nó cũng hạnh phúc vì nó biết hạn tới đâu thì kênh vẫn mở rộng lòng mình, hễ cánh đồng kia còn cần nó thì nước cũng lần theo nó mà tìm về nuôi cây trái. Người thầy thuốc vẫn đi về cạnh dòng kênh đó, dòng máu nghề cũng tiếp tục chảy mải miết, bền bỉ hứa hẹn hết đời người và còn hứa hẹn tiếp diễn nhiều đời khác nữa.

Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/dong-chay-van-miet-mai-42204.html