Đóng bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp có vai trò rất quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, nhằm chia sẻ, giảm bớt gánh nặng cho người lao động và người sử dụng lao động khi gặp khó khăn.

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ BHTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Hảo ở phường Đắc Sơn (TP. Phổ Yên) được Công đoàn phổ biến rất kỹ về Luật BHTN. Chị Hảo tâm sự: Tôi từng làm việc cho nhiều doanh nghiệp và đã 6 lần được hưởng BHTN. Việc làm thủ tục để hưởng chế độ BHTN rất thuận lợi.

Không như chị Hảo, anh Nguyễn Công Thắng ở xã Linh Sơn (TP. Thái Nguyên) làm việc cho một đơn vị tư vấn xây dựng, khi đơn vị này không còn bố trí được việc làm, anh bị cắt hợp đồng lao động nhưng không được hưởng BHTN. Anh Thắng cho biết: Do tôi không biết quyền lợi cũng như cách thức đóng BHTN nên chịu thiệt thòi.

Bà Ngô Thị Phương, Phó Trưởng Phòng Truyền thông, Bảo hiểm BHXH tỉnh, cho biết: Với mức đóng 2% (1% do người sử dụng lao động đóng, 1% quỹ tiền lương tháng của NLĐ) thì NLĐ tham gia BHTN được hưởng nhiều quyền lợi, như: Trợ cấp thất nghiệp (hưởng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp); tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí, hỗ trợ đào tạo nghề, cấp thẻ BHYT để được khám bệnh, chữa bệnh; hỗ trợ, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để sớm có việc làm ổn định.

Theo Điều 58 Luật Việc làm 2013, tiền lương làm căn cứ đóng BHTN được quy định như sau: NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng BHTN.

NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật BHXH.

Trường hợp mức tiền lương tháng đóng BHTN cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tại thời điểm đóng BHTN.

Bà Phương chia sẻ thêm: Hiệu quả của BHTN được minh chứng trong suốt thời gian dịch COVID-19, BHXH tỉnh đã hỗ trợ hàng nghìn NLĐ bị mất việc làm. Việc chi trả trợ cấp thất nghiệp đã hỗ trợ NLĐ trong lúc khó khăn, bảo đảm sự thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập.

Bà Cao Thị Hương Giang, Trưởng Phòng BHTN, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, thông tin: NLĐ đóng BHXH khi chấm dứt hợp đồng làm việc chưa tìm được việc làm có nhu cầu được hưởng BHTN thì đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để làm thủ tục đề nghị trợ cấp BHTN. Chúng tôi sẽ tư vấn, hướng dẫn trình tự, thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi đi, NLĐ cần mang theo quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, sổ BHXH đã chốt, căn cước công dân. Có 2 hình thức nộp hồ sơ là nộp trực tiếp và nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cũng theo bà Giang, ngày càng có nhiều NLĐ tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh xin được tư vấn, hướng dẫn để hưởng chế độ BHTN. Trong 10 tháng qua, số người đến nộp hồ sơ và đề nghị được hưởng trợ cấp BHTN tại Trung tâm là 10.374 người, tăng trên 1.000 so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202311/dong-bao-hiem-that-nghiep-nguoi-lao-dong-can-luu-y-de-dam-bao-quyen-loi-22f0de0/