Đồng bào DTTS ổn định sinh kế từ cây ăn quả

Tỉnh Sơn La có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 80%, những năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển các vùng cây ăn quả thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất. Hiện nay, nhiều vùng đồng bào DTTS xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.

Gần đây, nhiều tấn hoa quả của các HTX ở Sơn La đã xuất khẩu đến với người tiêu dùng ở một số nước trên thế giới, đây chính là sự khẳng định cho chất lượng trái cây do nông dân Sơn La làm ra. Đồng thời cho thấy, phát triển cây ăn quả sẽ là hướng đi hiệu quả hứa hẹn mang lại ấm no cho người dân nơi đây.

Từng bước nâng cao đời sống bà con vùng DTTS

Xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu là địa bàn vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 82%, xã có 4 dân tộc Kinh, Thái, Mông, Xinh Mun sinh sống tại 30 bản, trong đó có 19 bản đặc biệt khó khăn.

Ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài cho biết: Xã đang tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Đến nay xã Phiêng Khoài có trên 1.300 ha mận hậu, trong đó hơn 1.200 ha cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các bản: Hang Mon 1, 2, Kim Chung 1, 2, 3 và Cồn Huốt 1, 2, sản lượng hằng năm đạt trên 13.000 tấn quả. Đặc biệt, để cây mận cho năng suất, chất lượng quả ngon, người dân ở đây đã áp dụng kỹ thuật trồng chiết, ghép, sử dụng quy trình chăm sóc mận theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ.

Nhiều vùng đồng bào DTTS ở Sơn La xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.

Nhờ những cách làm cụ thể, hiệu quả, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Phiêng Khoài giảm xuống còn 32,6%. Đời sống của người dân từng bước được nâng lên.

Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Châu cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS, huyện Yên Châu đã đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, thế mạnh của đia phượng. Hiện trên địa bàn huyện Yên Châu có gần 11.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó có trên 560 ha được người dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đã có trên 70 ha nhãn, 22 ha xoài được cấp mã số vùng trồng và trên 350 ha cây ăn quả được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Để phát triển cây ăn quả, huyện đã đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tích cực tuyên truyền, vận động thành lập HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có trên 50 HTX nông nghiệp, với gần 900 thành viên, một số HTX đã tham gia liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây ăn quả với người dân, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trong sản xuất và chế biến. Đặc biệt, huyện đã tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết các chuỗi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ.

HTX với vai trò hạt nhân

Tại HTX nông nghiệp bản Chủm, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, với 17 thành viên, các thành viên của HTX chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Canh tác chủ yếu của HTX là phát triển cây ăn quả như xoài, nhãn, mận… mới đầu thành lập do chưa biết cánh ứng dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, nên việc phát triển cây ăn quả của HTX còn nhiều khó khăn. Đến nay việc ứng dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác, vườn cây ăn quả của các thành viên sinh trưởng phát triển tốt, năm nào cũng đạt năng xuất cao.

Anh Hoàng Văn Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp bản Chủm cho biết: Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện cùng với các tổ chức Hội, đoàn thể đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật bao trái cho nhiều loại trái cây nhằm có sản phẩm chất lượng, an toàn và hạn chế việc sử dụng các loại phân thuốc bảo vệ thực vật.

Nhờ canh tác đúng kỹ thuật, vườn cây ăn quả của các thành viên HTX năm nào cũng đạt năng suất cao, nhờ đó thu nhập của các thành viên HTX đạt trên 120 triệu đồng/năm.

Còn trên địa bàn huyện Vân Hồ hiện có hơn 70 HTX, tổ hợp tác nông nghiệp, với trên 700 thành viên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Kinh, Mông, Thái, Mường, Dao, trong đó, đồng bào dân tộc Mông và Thái chiếm hơn 90%. Đa số các HTX hoạt động lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Để các HTX hoạt động hiệu quả, huyện Vân Hồ đã thành lập Tổ tư vấn giúp đỡ các HTX đăng ký thành lập, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: Chiết, ghép; tưới nước nhỏ giọt; xây dựng nhà kính, nhà lưới; sản xuất hữu cơ; cơ giới hóa trong việc làm đất; thu hái sản phẩm; đóng gói, sơ chế sản phẩm...

Các HTX vùng DTTS đã tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, liên kết các chuỗi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Anh Đinh Công Liêu, Phó Giám đốc HTX Suối Bàng, xã Suối Bàng cho hay, thành lập năm 2016, gồm 12 thành viên, quy mô sản xuất 30 ha cam, nhãn, bưởi, hồng, bơ. Ngay từ khi thành lập, các thành viên trong HTX đã giúp đỡ nhau trong sản xuất, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả, liên kết tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Năm vừa qua, sản lượng các loại quả của HTX đạt gần 300 tấn quả tươi, doanh thu trên 3,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ cho biết: Huyện đã tổ chức rà soát, đánh giá các mô hình kinh tế và các HTX hoạt động hiệu quả trên địa bàn. Từ đó, đề xuất hỗ trợ, định hướng các mô hình và HTX duy trì hoạt động và mở rộng quy mô, giúp người dân khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Từng bước thực hiện mục tiêu giảm nghèo với mức bình quân 4%/năm theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Đồng thời, huyện cũng thực hiện nhiều giải pháp giúp các HTX vùng DTTS ổn định sản xuất, từng bước phát triển và xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình cây ăn quả, góp phần thay đổi cách thức sản xuất, mang lại thu nhập ổn định, mở ra cơ hội làm giàu cho Nhân dân trên địa bàn.

Tập trung sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, tổng diện tích cây ăn quả và cây Sơn tra trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt trên 83.000 ha, trong đó một số loại cây ăn quả chủ yếu như: Xoài 19.985 ha, Nhãn 19.643 ha, Chuối 5.802 ha, Mận 11.736 ha, cây ăn quả có múi 4.957 ha, Sơn tra 12.411 ha...

Toàn tỉnh Sơn La hiện có 221 vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, trên 4.608 ha diện tích cây ăn quả được gắn mã số; duy trì 166 chuỗi quả an toàn với diện tích 3.657 ha, sản lượng 44.720 tấn/năm; có 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP; 18 sản phẩm cây trồng được bảo hộ trong nước, 02 sản phẩm được bảo hộ tại thị trường nước ngoài.

Phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích cây ăn quả đạt trên 104.800 ha và sản lượng đạt trên 596.500 tấn. Tập trung quản lý sản xuất cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu.

Ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết: Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tăng 2 lần so với năm 2020; có ít nhất một huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn; 44% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; 85% bản có đường giao thông từ xã đến trung tâm bản được cứng hóa; 99% số hộ được sử dụng điện lưới an toàn; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% trường học xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhà ở, bếp ăn, công trình vệ sinh cho học sinh ở các cấp học; 100% đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Để phát triển cây ăn quả vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới, theo ông Thào Xuân Nếnh, cần tập trung sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, bên cạnh đó, là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đặc biệt ưu tiên hình thành các vùng sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết, áp dụng quy trình sản xuất, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao ý thức của đồng bào DTTS trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ thương hiệu và sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng.

Minh Thành

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-dtts-on-dinh-sinh-ke-tu-cay-an-qua-1094884.html