Đồng bào Công giáo ở Lạc Xuân giúp vùng quê ngày một đi lên

Xã Lạc Xuân ở huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) là nơi tập trung đông đảo bà con dân tộc thiểu số và đa phần theo đạo Công giáo. Diện mạo vùng quê này đang từng ngày thay đổi khang trang hơn, kinh tế đi lên, vai trò của các HTX thể hiện rõ nét…, xứng tầm là một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với sự góp sức nhiệt thành của bà con giáo dân.

Cách đây nửa năm, gia đình chị MaDel - một người dân tộc thiểu số ở thôn Diom A thuộc xã Lạc Xuân đã có ngôi nhà mới thay vì nhà tạm vách đất lợp tôn như trước kia. Căn nhà được xây dựng từ sự vận động các nhà từ thiện của linh mục Phạm An Nhàn - Quản xứ Giáo xứ Diom.

Đổi thay ở Diom A

Diom A là thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số (trên 80%) và đa phần theo đạo Công giáo. Điều quan trọng trong công tác giảm nghèo ở thôn này chính là tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, chẳng hạn như việc vị linh mục đã vận động góp sức xây nhà cho gia đình chị MaDel.

Nhà thờ của giáo xứ Diom ở xã Lạc Xuân.

Đến với thôn Diom A hôm nay sẽ thấy những ngôi nhà mới, yên bình bên dòng Đa Nhim. Đi dọc những con đường liên thôn trải bê tông sạch sẽ, ông Mai Linh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Lạc Xuân cho biết, thôn Diom A có khoảng hơn 240 hộ dân, chủ yếu là người Churu, bà con giáo dân chiếm hơn 70%.

Đến nay đời sống của bà con giáo dân ở thôn Diom A đã thay đổi một cách rõ rệt, từ cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thủy lợi... diện mạo nông thôn khang trang. Việc giảm nghèo nơi đây mang lại hiệu quả khi chuyển đổi cây trồng và cho đến nay 100% diện tích đất trồng lúa nước, ngô, khoai, sắn của bà con trước đây đã được chuyển đổi sang trồng rau, củ quả. Qua đó, thu nhập bình quân của người dân thôn đạt bình quân 60 triệu đồng/người/năm.

Ông Mai Linh Sơn phấn khởi cho biết: Cuộc sống của các giáo dân ở Diom A ngày càng được cải thiện, yên tâm lao động sản xuất. Đời sống của của họ dần chuyển biến, yên tâm phát triển kinh tế, thanh, thiếu niên chăm chỉ làm ăn.

Không những làm kinh tế nông nghiệp, buôn bán nhỏ lẻ, các hộ dân, giáo dân ở thôn Diom A còn tích cực tham gia nhận giao khoán quản lý và bảo vệ rừng. Đến nay trên địa bàn thôn có khoảng 35 hộ dân tham gia, mỗi năm mang lại thu nhập bình quân từ 15 - 18 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh thôn nêu trên thì ở xã Lạc Xuân có 14 thôn khác, trong đó có 5 thôn tập trung đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số, trong xã có 3 giáo xứ là giáo xứ Diom, giáo xứ Lạc Viên, giáo xứ Châu Sơn.

Các giáo xứ ở xã ngoài việc chăm lo việc đạo còn tích cực tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng địa phương ngày càng vững mạnh, cùng chung tay góp sức với địa phương, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giảm tỷ lệ hộ nghèo và đạt được các tiêu chí đã đề ra. Nhờ đó đã giúp cho xã Lạc Xuân được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao từ cách đây 2 năm.

Khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng

Trong xã hiện nay rất nhiều những ngôi nhà mới đã được xây dựng. Diện mạo vùng có đạo trong xã đang từng ngày thay đổi..., phần nào nhờ vào sự đóng góp của bà con giáo dân tại địa phương.

Bộ mặt nông thôn ở Lạc Xuân ngày một khang trang.

Trong 5 năm trở lại đây, ở giáo xứ Lạc Viên bà con giáo dân đã đóng góp xây dựng cây cầu bắc qua sông Đa Nhim nối liền thôn Lạc Viên A đến thôn Giãn Dân. Đồng thời, giáo xứ còn phối hợp vận động bà con giáo dân mở rộng hai con đường thôn từ Cầu Tràn ra Quốc lộ 27 và từ Cầu Tràn ra đường ĐT 412 với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng.

Không chỉ đóng góp xây dựng hạ tầng giao thông, chú trọng phát triển kinh tế, trong cộng đồng người Công giáo ở Lạc Xuân còn đẩy mạnh tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn được thực hiện thông qua công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vốn giúp nhau vượt khó được thực hiện thường xuyên trong các giáo xứ và dòng tu.

Như tại Giáo xứ Diom, nơi có 5 thôn cũng là 5 giáo họ, trong đó có 3 thôn người Chu Ru, 1 thôn người K’Ho và 1 thôn giãn dân. Giáo xứ đã khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng để bà con giáo dân hỗ trợ nhau sản xuất. Những hộ giỏi hướng dẫn, giúp đỡ những hộ khó khăn hơn về vốn và kỹ thuật để giúp các giáo dân khó khăn vươn lên.

Trong việc chăm lo phát triển kinh tế của bà con giáo dân ở Lạc Xuân cũng ghi nhận vai trò quan trọng của các HTX. Đơn cử như HTX Rau, hoa VietGap Tiên Sinh tại xã Lạc Xuân đã và đang khuyến khích người dân, giáo dân trong xã đẩy mạnh sản xuất theo lợi thế của từng hộ gia đình. Từ đó, tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp nhà nông có mức thu nhập ổn định hàng năm.

HTX này được thành lập từ 6 năm trước, với 10 thành viên ban đầu đều là người dân đang sinh sống trên địa bàn xã Lạc Xuân. Anh Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc HTX cho biết phương thức hoạt động của HTX là chủ yếu trồng rau, hoa, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ sau thu hoạch và các hoạt động có liên quan. Đặc biệt, về trồng trọt, các thành viên của HTX hoạt động theo chuỗi sản xuất, trong đó, người chuyên trồng sú, người trồng cà chua, người trồng cải thảo, người trồng ớt chuông... tất cả đều được sản xuất theo hướng VietGAP.

Theo anh Sơn, HTX hiện tại có 27 ha dùng để trồng rau, hoa, trong đó 5 ha nhà kính trồng hoa, ớt chuông và cà chua, 8 ha nhà lưới trồng cải thảo và diện tích còn lại trồng rau ngắn ngày như hành lá, ngò,...

Với diện tích này, trung bình mỗi năm HTX thu hoạch 300 tấn cà chua, hơn 700 tấn rau, củ, quả và các sản phẩm đều được nhập cho các siêu thị với mức doanh thu hơn 1 tỷ đồng/tháng.

Vai trò rõ nét của các HTX

Ngoài ra, phải kể thêm đến HTX Rau VietGAP Như Ý ở thôn Lạc Viên B (xã Lạc Xuân). Bắt nguồn từ một tổ hợp tác rau an toàn được thành lập từ năm 2015 của một số nông hộ cùng thôn Lạc Viên, năm 2020, HTX này được chính thức thành lập, tạo nên một hướng đi mới cho những người nông dân, giáo dân ở vùng rau.

Trong việc chăm lo phát triển kinh tế của bà con giáo dân ở Lạc Xuân cũng ghi nhận vai trò quan trọng của các HTX sản xuất rau sạch.

Ông Nguyễn Thành Chương, Giám đốc HTX cho biết, HTX có 11 thành viên, với diện tích khoảng 10 ha tham gia sản xuất rau an toàn các loại. Hiện nay HTX đang liên kết với 35 nông hộ, trồng trên 20 loại rau.

Giáo dân Lê Thanh Tâm, thôn Lạc Viên B đang hợp đồng trồng lơ baby với HTX, cho biết: “Nhà tôi trồng 6 sào lơ baby liên kết với HTX, mỗi ngày cắt từ 1,5 tới 2 tạ bông. Trồng với HTX rất yên tâm, làm tới đâu thu hoạch tới đó, giá ổn định nên bà con chỉ cần chú ý vào chăm sóc cho lơ đạt năng suất là được”.

Bên cạnh đó, trong xã Lạc Xuân còn có HTX Sản xuất rau sạch Nông trại xanh (Green Farm) ở thôn Lạc Xuân 2. Thành viên của HTX đa phần là phụ nữ ở địa phương, là những hộ nông dân, giáo dân đang canh tác nông nghiệp tại địa phương, với mong muốn tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng, giá cả và đầu ra sản phẩm ổn định, qua đó nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Hiện tại, HTX Sản xuất rau sạch Nông trại xanh đang sản xuất và cung ứng các loại rau cho thị trường gồm rau ăn lá, rau ăn quả và các loại củ, canh tác theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, hiện nay sản phẩm cà phê của HTX đã được công nhận là cà phê hữu cơ.

Chị Trần Thị Thanh Nhàn, Giám đốc HTX, cho biết thời gian tới HTX sẽ liên kết với các đơn vị, tổ chức và kêu gọi sự hỗ trợ của địa phương đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX, xây dựng khu sơ chế, rang xay và quầy pha chế cà phê hữu cơ.

Trên cơ sở đó, HTX này bước đầu phát triển loại hình du lịch canh nông với hoạt động du lịch, hướng đến phục vụ du khách tham quan trang trại cà phê, được thực hành việc rang xay và thưởng thức cà phê, trải nghiệm cuộc sống chan hòa với thiên nhiên. Đồng thời, xây dựng các khu nhà nghỉ dưỡng, trong đó mỗi gia đình là một nông trại, có khu vực chăn nuôi và khu vườn rau.

Như chia sẻ của bà Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đơn Dương, việc kết hợp loại hình du lịch canh nông với sản xuất nông nghiệp giúp thành viên HTX đưa được sản phẩm do chính mình làm ra đến tận tay người tiêu dùng mà không phải qua các kênh trung gian nên giá thành sản phẩm hợp lý, nhưng vẫn mang lại lợi nhuận cho thành viên HTX.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-cong-giao-o-lac-xuan-giup-vung-que-ngay-mot-di-len-1094594.html