'Đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt'

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk, BĐBP Đắk Lắk luôn gắn bó mật thiết với nhân dân các dân tộc thông qua những việc làm thể hiện tình cảm, trách nhiệm với bà con như chính với người thân trong gia đình.

Đại úy Y Hán Hwing tặng quà cho các em nhỏ trên địa bàn. Ảnh: Phương Liên

Giúp dân xóa đói, giảm nghèo

Thiếu tá Phạm Văn Hiếu, Chính trị viên cho biết, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk đứng chân trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn Krông Na của huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk.

Xã Krông Na có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài 45,542km, có diện tích tự nhiên trên 111.000ha, trong đó, diện tích rừng chiếm gần 96%, diện tích đất sản xuất nông nghiệp rất ít, chỉ khoảng 1,39%. Xã Krông Na được chia thành 7 buôn, 1 thôn; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78,21%, với 15 dân tộc anh em: Ê Đê, M’nông, Thái, Lào, Tày, Nùng, Dao... cùng chung sống. Bám trụ ở nơi đặc biệt khó khăn nên hiện vẫn còn trên 50% số hộ trong xã thuộc diện nghèo.

Quán triệt phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk luôn gắn bó mật thiết với nhân dân các dân tộc thông qua những việc làm thể hiện tình cảm, trách nhiệm với bà con như chính với người thân trong gia đình.

Gia đình chị Từ Niê Mai Trang, dân tộc Ê Đê là hộ nghèo ở buôn Trí, xã Krông Na. Đại úy Y Hán Hwing, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk đã tìm hiểu và biết rằng, nguyên nhân nghèo của gia đình chị Trang là do thiếu tư liệu sản xuất chứ không phải vì lười lao động. Nếu có sinh kế trong tay, gia đình chị hoàn toàn có thể tự vươn lên.

Muốn giúp gia đình chị Trang, phải giải quyết tận gốc căn nguyên gây ra đói nghèo. Nghĩ vậy, Đại úy Y Hán Hwing đã trích lương của mình ra hỗ trợ 30kg cá giống, 1 cặp heo lai rừng, 50 con gà, 30 con vịt, hướng dẫn cách trồng cỏ nuôi bò và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Anh tin rằng, sự hỗ trợ đó sẽ giúp gia đình chị Trang có sinh kế để vượt lên hoàn cảnh.

Và thực tế là nhờ sự hỗ trợ quý báu đó của Đại úy Y Hán Hwing, gia đình chị Trang đã có tư liệu sản xuất để vươn lên cận nghèo. Những cặp bò giống, heo giống, gà, vịt, giống... cứ thế nhân lên, mang lại thu nhập cho gia đình chị. Chị Trang phấn khởi chia sẻ: Từ khi được Đại úy Y Hán Hwing hỗ trợ, cuộc sống gia đình chị đã bớt phần khó khăn và dần ổn định. Gia đình chị cảm ơn BĐBP và Đại úy Y Hán Hwing nhiều lắm!

Điều đáng nói và đáng quý là chị Mai Trang không phải là hộ đầu tiên và duy nhất ở Krông Na được Đại úy Y Hán Hwing giúp đỡ. Y Hán Hwing sinh ra, lớn lên nơi núi rừng Tây Nguyên. Cha của anh chính là già làng Y Kar Byă, người có hàng chục năm làm Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã Wer và xã Krông Na, nay về nghỉ hưu theo chế độ, ông vẫn được bà con nơi đây tín nhiệm bầu làm người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thế, Y Hán Hwing mang trong mình sự phóng khoáng của đất, trời cao nguyên và sự nhân hậu, hết lòng vì dân do cha truyền lại. Anh luôn nhớ lời cha thường căn dặn: “Hãy cố gắng làm hết mình, vì nước, vì dân phục vụ, phụng sự Đảng, Nhà nước, đó mới chính là sự tự hào nhất của bố”. Vì thế, anh đã dành dụm những đồng lương ít ỏi để giúp nhiều hộ đồng bào tìm ra lối thoát nghèo bền vững.

Phát huy vai trò của người có uy tín

Gắn bó “3 bám, 4 cùng” trực tiếp làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk luôn duy trì và thực hiện tốt công tác phối hợp với đội ngũ già làng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk trao đổi kinh nghiệm về công tác vận động quần chúng với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Krông Na. Ảnh: Phương Liên

Thiếu tá Phạm Văn Hiếu chia sẻ, đội ngũ già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín ở địa phương có vai trò rất quan trọng đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Họ có khả năng chi phối, định hướng cho các hành động của đông đảo quần chúng nhân dân; là những người thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào nên có nhiều thuận lợi trong công tác tuyên truyền, vận động. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, họ vẫn luôn là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Nhờ có đội ngũ này mà những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào nhanh hơn, chính xác hơn.

“Chúng tôi luôn xác định, già làng, trưởng thôn (buôn), người có uy tín là lực lượng sát cánh, đồng hành gần gũi nhất, thường xuyên nhất và hiệu quả nhất trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, đội ngũ cán bộ của đơn vị lúc nào cũng như người con, người em trong gia đình của họ; luôn gần gũi, gắn bó và phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân” - Thiếu tá Phạm Văn Hiếu chia sẻ thêm.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk đã phát huy tốt điểm mạnh của già làng, trưởng thôn, buôn trong tham gia giải quyết những việc khó, những việc “nhạy cảm” mà BĐBP tham gia với địa phương; những mâu thuẫn giữa các gia đình, dòng họ, các tranh chấp, khiếu kiện đất đai, từ đó, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây mất trật tự, an ninh tại địa bàn. Ngược lại, đồn luôn là chỗ dựa vững chắc của họ. Cán bộ, chiến sĩ luôn sẵn sàng gặp, chia sẻ khó khăn, hoặc khi họ cần giúp đỡ.

Việc duy trì mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với già làng, trưởng thôn (buôn), người có uy tín đã giúp đồn hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ biên giới. Đặc biệt, trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, đội ngũ này đã tích cực tham gia hoặc tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, buôn làng hưởng ứng. Tiêu biểu như các ông, bà: Y Thơng Kđoh, Y Phưng Ksơr, Y Ka Byă, Y Nuốt Byă, Sao H Phon... Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay được triển khai như: Tiếng mõ an ninh, hòm thư tố giác tội phạm, tổ tự quản trật tự, già làng lên biên giới tuần tra, bảo vệ cột mốc...

Theo Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP Đắk Lắk, để xây dựng mỗi người dân là một “cột mốc sống” trên biên giới, công tác tuyên truyền, vận động phải đặt lên hàng đầu. Cần hỗ trợ người dân các mô hình bằng nguồn vốn xã hội hóa, đồng thời kết hợp với ngày công của cán bộ, chiến sĩ để giúp bà con giữ vững niềm tin, ổn định cuộc sống, cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Muốn làm được điều này, BĐBP phải đến với nhân dân nơi biên cương bằng tâm thế của người thân, bằng tình cảm, trách nhiệm và mệnh lệnh trái tim “không để ai bị bỏ lại phía sau” thông qua những hoạt động hỗ trợ sinh kế hiệu quả; đồng thời giữ mối quan hệ gắn bó, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin với già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng và hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotdong-bao-cac-dan-toc-la-anh-em-ruot-thitquot-post473595.html