Đồng bằng sông Cửu Long chủ động phòng chống xâm nhập mặn

Theo dự báo của ngành chức năng, mùa mưa năm nay chỉ tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 9 và 10, sẽ kết thúc sớm vào giữa tháng 11. Do vậy, mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn dự báo xuất hiện sớm so với trung bình nhiều năm một tháng.

Xâm nhập mặn sẽ diễn biến phức tạp

Trước dự báo trên, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải tập trung nhiều giải pháp để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn sớm và sâu hơn, nhằm đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam Trần Bá Hoằng cho hay, dự báo, tổng lượng mưa năm 2023 khoảng 1.350 mm, chỉ cao hơn 1% so với năm 2015 (năm hạn hán khốc liệt) và thiếu hụt khoảng 13% so với trung bình nhiều năm. Theo đó, dự báo tình trạng thiếu nước ngọt tại một vùng 66.000 ha thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Trong khi đó, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa. Theo nhận định từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trạng thái El Nino khả năng kéo dài đến hết năm 2023 và sang đầu năm 2024, ngoài các địa phương kể trên chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30 km đến 70 km. Nếu xâm nhập mặn đến sớm và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao, một số vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái.

Hạn hán, xâm nhập mặn đã làm giảm sút nghiêm trọng nguồn thức ăn cho gia súc ở Tiền Giang. (Ảnh: K.V)

Các chuyên gia dự báo, trong các tháng mùa khô 2023 - 2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Tại tỉnh Đồng Tháp, trước những dự báo về khả năng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa khô, tỉnh sẽ tập trung triển khai các mô hình canh tác lúa tiết kiệm nước nhằm chia sẻ nguồn tài nguyên này với các tỉnh ở dưới hạ nguồn. Hiện Đồng Tháp có khoảng 100 mô hình nông nghiệp xanh trên toàn tỉnh, nên xác định sản xuất tiết kiệm nước để giúp cho người trồng lúa có thu nhập.

Ông Trần Bá Hoằng khuyến cáo, dự báo có 43.300 ha cây ăn trái ở một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng. Do đó, các địa phương cần lưu ý tích nước từ đầu mùa khô để sử dụng trong suốt mùa khô. Vụ Đông Xuân 2023 - 2024 cần xuống giống sớm, hết năm 2023 phải cơ bản xong. Khu vực bán đảo Cà Mau cần thực hiện đắp đập tạm, nạo vét kênh mương trước khi mùa mưa kết thúc. Để né hạn mặn, ngoài việc bố trí lịch thời vụ hợp lý, người dân cũng có thể sử dụng các giống lúa ngắn ngày, thay vì sử dụng giống 110 ngày thì có thể sử dụng giống 95 ngày hoặc 100 ngày. Đồng thời, trước dự báo xâm nhập mặn sớm và vào sâu, các địa phương cần có kế hoạch dự trữ nước và thường xuyên theo dõi bản tin thời tiết nông vụ để chủ động ứng phó.

Các chuyên gia cho rằng, để vượt qua thách thức El Nino đang đến gần, một giải pháp không thể thiếu việc nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn. Bởi khi nhận thức được nâng cao, người dân sẽ chủ động đúc rút kinh nghiệm, đưa ra nhiều sáng kiến, có phương án ứng phó và tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn để thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của khí hậu.

Chủ động phòng chống xâm nhập mặn

Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những nơi giáp biển, các địa phương tại đây đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ sử dụng nước ngọt sang sử dụng nước lợ, nước mặn vừa để thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Xâm nhập mặn gia tăng cũng đã thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền thay đổi chính sách quản lý về tài nguyên, cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Cùng với những chính sách quản lý, khai thác tài nguyên nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân khu vực này cũng đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với xâm nhập mặn bằng việc chuyển cơ cấu cây trồng trên đất lúa.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trước tình trạng xâm nhập mặn dự kiến xảy ra trong mùa khô năm 2023 - 2024, ngành nông nghiệp địa phương này sẽ theo dõi và kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh và nội đồng, thông tin thường xuyên đến người dân để ứng phó kịp thời. Đối với vùng cây ăn trái, hiện tại, tỉnh Tiền Giang đã thi công 6 cống cặp sông Tiền để đảm bảo ngăn mặn. Đối với vùng phía Đông, vùng ngọt hóa Gò Công, tỉnh chủ trương theo hướng mặn tới đâu sẽ ngăn mặn tới đó, như mọi năm lấy gạn hoặc bơm chuyền vào bổ túc nước.

Để ứng phó hiệu quả với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo, thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về độ mặn trong ngày cho người dân nắm để linh hoạt sản xuất; đồng thời, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lịch mùa vụ, khuyến cáo người dân sử dụng các giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để sử dụng nước hiệu quả.

Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng còn quy hoạch hơn 250.000 ha để xây dựng các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản theo sinh thái nguồn nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Đối với vùng ven biển thường xuyên xảy ra tình trạng xâm nhập mặn thuộc các địa phương như Vĩnh Châu, Trần Đề và một phần huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi thủy hải sản dưới tán rừng. Các vùng thuộc huyện Kế Sách, Long Phú, Thạnh Trị,… tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển diện tích lúa và cây ăn trái.

Người dân tỉnh Long An đào ao tranh thủ tích nước khi mùa khô tới. (Ảnh: K.V)

Tại Hậu Giang, để chuẩn bị phương án ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, các ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh hiện đang rà soát những vùng có khả năng mặn xâm nhập; đồng thời, lập kế hoạch duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi; nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn nước tưới, tiêu và trữ nước ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất; triển khai đắp hàng trăm đập thời vụ ở những tuyến kênh rạch chưa xây dựng cống để ứng phó với nước mặn xâm nhập.

Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn những năm trước, trước khi mùa khô đến, ngành chức năng tỉnh Long An phối hợp các địa phương rà soát các vùng có khả năng mặn xâm nhập và có kế hoạch duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi; nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn nước tưới tiêu và trữ nước ngọt bảo đảm phục vụ tốt cây lúa, cây ăn trái và thủy sản. Đồng thời, rà soát và quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó, tập trung khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhằm hướng đến phát triển bền vững nền nông nghiệp... thời gian tới.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết, xâm nhập mặn mùa khô 2023 - 2024 có khả năng xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh Bến Tre ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015 - 2016. Do đó, các địa phương khẩn trương triển khai nhanh biện pháp, giải pháp ứng phó hạn mặn.

Tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện những nội dung chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai và phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua; tăng cường công tác tuyên truyền, phát động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt ngay trong mùa mưa năm 2023 bằng nhiều hình thức phù hợp.

Các đơn vị chủ đầu tư có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình thủy lợi, cấp nước để kịp đưa vào khai thác, sử dụng trong mùa hạn mặn 2023 - 2024. Các địa phương cần chủ động, triển khai biện pháp ứng dụng chuyển đổi số thực hiện dự báo mặn đến người dân, nhất là khu vực sản xuất cây giống, hoa kiểng, cây ăn quả chống chịu mặn kém để người dân chủ động trữ nước phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, bố trí lịch thời vụ gieo trồng hợp lý để tạo điều kiện đẩy sớm thời điểm xuống giống lúa vụ Đông Xuân phù hợp với điều kiện nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, bảo đảm tránh thời điểm xâm nhập mặn lên cao trùng với thời kỳ sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng. Các diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn cần lùi thời vụ xuống giống đến khi nguồn nước bảo đảm đủ cung cấp…/.

Theo Bảo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202311/dong-bang-song-cuu-long-chu-dong-phong-chong-xam-nhap-man-995189/