Đồng bằng sông Cửu Long: Cấp bách ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào cao điểm sản xuất và thu hoạch lúa Đông Xuân, cây ăn trái và thủy sản; đây cũng là thời điểm mà thời tiết diễn biến bất lợi khi hạn hán và xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền. Vì vậy, bảo vệ sản xuất đang được các ngành chức năng thực hiện quyết liệt.

Từ sự chủ động của người dân...

Là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, mấy năm qua, gia đình ông Lưu Văn Kết, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang luôn chủ động các giải pháp để phòng tránh. Với diện tích 6 công tầm lớn, thay vì trồng lúa ông Kết đã chuyển đổi sang trồng khóm để tránh hạn mặn.

Ông Kết cho biết: “Năm nào cũng có tình trạng mặn xâm nhập nên mình chủ động phòng, chống trước để đỡ bị thiệt hại. Nước mặn gây nhiều thiệt hại cho cây khóm vì làm quéo lá, thậm chí chết cây, vì vậy tôi và bà con trong vùng thường trữ nước ngọt lại để tưới tiêu cho cây trồng, tránh trường hợp thiếu nước hoặc phải dùng nước mặn trong đợt hạn này”.

Người dân huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng chủ động chuyển đổi cây trồng từ lúa sang hoa màu để hạn chế ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.

Tương tự tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre là vùng chuyên sản xuất hoa kiểng, đây lại là cây trồng vốn “nhạy cảm” với nước mặn, vì thế ngay trước Tết, bà con trồng hoa kiểng tại huyện Chợ Lách tích cực trữ nước ngọt.

“Gia đình có gần 1ha đất trồng hoa kiểng, cây ăn trái và cây giống, đây là những loại cây không chịu được mặn cao. Vì vậy, khi nghe thông tin năm nay hạn mặn đến sớm và diễn biến phức tạp thì cả nhà đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó như cắt tỉa cành, hạn chế cây ra trái vào mùa này, tích trữ nước ngọt; liên hệ thường xuyên với cơ quan chuyên môn để nhờ hỗ trợ kịp thời khi hạn mặn phức tạp…”, bà Lê Thị Thu, ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách chia sẻ.

Người dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trữ nước ngọt trong vườn để tưới cho hoa kiểng.

Bà con huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre bơm nước vào các túi trữ nước ngọt để sử dụng trong mùa hạn, mặn.

...đến sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre nhận định, trong tháng 3-2024 xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn từ ngày 5 đến 13-3 và từ ngày 23 đến 31-3. Tháng 4-2024 tiếp tục xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn từ ngày 5 đến 12-4 và từ ngày 25-4 đến 1-5. Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 3 là khoảng 50km ở sông Cửa Đại với độ mặn 4% tại xã Tân Thạch (huyện Châu Thành); mặn 4% vào sâu 62km trên sông Cổ Chiên ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách)…

Các cống ngăn mặn được đóng chặt để tránh nước mặn xâm nhập vào nội đồng.

Rút kinh nghiệm từ đợt hạn mặn những năm 2016-2017, mấy năm gần đây, để chủ động ứng phó giảm thiệt hại cho cây trồng, theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, ngay từ đầu mùa khô, UBND tỉnh đã chỉ đạo chú trọng thực hiện phương án vận hành các mạng lưới cấp nước đã kết nối, chuyển nước từ các nhà máy có nước ngọt (hoặc độ mặn thấp) đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao, vận hành hệ thống RO tại các nhà máy nước và thông báo đến người dân để lấy nước phục vụ ăn uống.

“UBND tỉnh phê duyệt chủ trương thực hiện phương án vận chuyển nước thô bằng sà lan về các nhà máy nước để xử lý, giúp người dân dự trữ, ứng phó trong trường hợp tình trạng xâm nhập mặn kéo dài, tại nhà máy nước như: Tân Hào, Lương Phú, Phước Long (huyện Giồng Trôm), Long Định (huyện Bình Đại), Bình Khánh Đông (huyện Mỏ Cày Nam). Từ đầu mùa vụ, ngành chức năng tỉnh Bến Tre kiên quyết không để người dân sản xuất ở những vùng có nguy cơ thiếu nước, có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và ngoài vùng quy hoạch”, ông Đảnh nói.

Cán bộ thường xuyên kiểm tra nồng độ mặn để kịp thời điều tiết nước phục vụ sản xuất của bà con nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mặc dù Hậu Giang là địa phương không giáp biển, thế nhưng những ngày qua nước mặn theo thủy triều biển Tây xâm nhập vào địa bàn huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh. Nồng độ mặn xâm nhập từ triều biển Tây vào các tuyến kênh chính ở thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ đang tăng cao, có nơi nồng độ mặn đã tăng lên ở mức 9,5%.

Xác định rõ hạn, mặn là vấn đề quan trọng và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm chủ động và sẵn sàng ứng phó nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất trong sản xuất nông nghiệp, trong sinh hoạt đời sống người dân do hạn hán và xâm nhập mặn xảy ra, UBND thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang thường xuyên cử cán bộ xuống địa phương đo nồng độ mặn và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng các cống như cống kênh Năm, kênh Lầu,… để kịp thời xử lý nếu có tình huống xảy ra, tránh nhiều thiệt hại cho bà con.

Anh Đặng Cấp Tăn, Trưởng trạm cấp nước xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh cho biết: “Năm 2013 trạm cấp nước xã Hỏa Tiến đã được nâng cấp hệ thống nước giếng, với công suất đến 100m3/giờ, chuyên cung cấp cho 3 xã là Tân Tiến, Hỏa Tiến và Hỏa Lựu. Hiện số hộ đang được cấp nước là 2.500 hộ. Trước tình hình hạn, mặn xảy ra sớm hơn so với mọi năm, trạm đã có nhiều giải pháp để chuẩn bị đủ nước cấp cho người dân trong đợt nước mặn về”.

Trước diễn biến của hạn hán và xâm nhập mặn, ngày 8-3, Văn phòng Chính phủ cho hay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 19/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long; kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Bài, ảnh: THÚY AN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-bang-song-cuu-long-cap-bach-ung-pho-voi-han-han-va-xam-nhap-man-767938