Đón Tết sớm trên quần đảo Trường Sa

Không khí đón xuân về trong đất liền đã đặc biệt, thì tại huyện đảo Trường Sa còn đặc biệt gấp bội phần. Khi những cành mai vàng còn e ấp nụ, hoa đào ở đất liền vẫn chưa khoe sắc thì ở ngoài đảo xa, quân và dân huyện đảo đã chuẩn bị đón mùa xuân mới.

Hơi ấm từ những chuyến tàu

Với quân và dân trên quần đảo Trường Sa, không khí đón Tết bắt đầu rộn ràng kể từ khi những chuyến tàu chở hàng, quà xuân ra đảo. Tết ở các đảo tiền tiêu, tết của những người chiến sĩ xa nhà dù không ở bên gia đình, nhưng vẫn ấm cúng nhờ tình cảm của đồng đội và người dân nơi đây. Giữa trùng khơi bốn bề sóng vỗ, nhưng Tết nguyên đán ở Trường Sa cũng có đầy đủ hương vị như trong đất liền. Ngoài những lợn, gà, vịt, bánh mứt, gạo nếp, miến, măng và nhiều thứ khác được mang ra từ đất liền, thì mai, quất cũng được làm từ những vật liệu sẵn có từ biển cả.

 Những chuyến tàu chở hàng hóa, quà tặng Tết đã mang mùa xuân sớm ra huyện đảo Trường Sa.

Những chuyến tàu chở hàng hóa, quà tặng Tết đã mang mùa xuân sớm ra huyện đảo Trường Sa.

Thượng tá Đậu Đình Dân, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: “Trường Sa bao giờ cũng đón Tết sớm hơn đất liền. Khi những chuyến tàu bắt đầu đưa hàng và quà ra Trường Sa, cũng là lúc quân dân biển đảo vui xuân mới. Tết ở Trường Sa bây giờ cũng đầy đủ, chẳng khác đất liền. Đêm giao thừa, lính trẻ ở đảo Trường Sa Lớn và các đảo nổi khác giao lưu văn nghệ, lính ở đảo chìm tham gia hái hoa dân chủ. Chỉ khác đất liền là không được đi hái lộc xuân, không được cùng người thân quây dịp xuân mới”.

Mặc dù ăn Tết sớm, nhưng ngay từ sớm mai cận tết, cán bộ, chiến sĩ chỉnh tề trong quân phục mới nhất, đi chùa và dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; mổ lợn, gói giò, gói và nấu bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc… Ngày Tết, ngoài bộ quân phục truyền thống của lính biển, các sĩ quan trẻ được phép “diện” bộ quần áo dân sự đẹp nhất, còn lính trẻ tự làm mới mình bằng việc cắt tóc cho nhau, là ủi quần áo phẳng phiu, sơn sửa lại doanh trại, cổng ra vào, vọng gác.

 Tình cảm quân dân thắm thiết giúp mùa xuân nơi đảo xa thêm ấm cúng và tươi vui.

Tình cảm quân dân thắm thiết giúp mùa xuân nơi đảo xa thêm ấm cúng và tươi vui.

Trung sĩ Trần Trung Đức (quê ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) lần đầu tiên đón cái Tết xa nhà trên quần đảo Trường Sa, cho biết: “Dù đây là lần đầu tiên em được ăn Tết đảo, nhưng em cảm thấy rất ấm cúng. Đơn vị mới, nơi đóng quân mới, nhưng tất cả rất thân quen, tình cảm. Từ cán bộ cho đến chiến sĩ đều như một đại gia đình. Cảm xúc này quá đặc biệt đối với em”.

Chị Nguyễn Thị Lan, hộ dân số 3 trên đảo Song Tử Tây cũng chia sẻ: “Tết ở đảo nhưng vẫn có gói bánh chưng, đi chùa lễ phật và rất nhiều trò chơi dân gian khiến cho chúng tôi cảm thấy đỡ nhớ đất liền. Mỗi chiếc lá dong, mỗi món quà mà đất liền gửi ra như mang theo hơi ấm và tình cảm của đồng bào cả nước”.

Thiêng liêng Tết ở Trường Sa

Mùa xuân ở Trường Sa là mùa của sự giao hòa giữa tình người, tình biển đảo và tình yêu Tổ quốc. Ở nơi xa ấy, chỉ có niềm vui và sự cống hiến thầm lặng, hy sinh của lính đảo hòa vào sóng nước. Nếu trong đất liền gói bánh chưng bằng lá dong hoặc lá chuối thì bộ đội Trường Sa gói bánh chưng bằng lá bàng quả vuông. Bánh chưng gói bằng loại lá đặc biệt này vừa có vị chát ngọt, lại vừa có vị mặn mòi của biển, trở thành đặc sản chỉ huyện đảo Trường Sa mới có. Trung tá Nguyễn Quốc Tuấn, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây cho biết: “Hiện tại, các đảo đều có lá dong đem từ đất liền ra để gói bánh chưng, nhưng gói bằng lá bàng quả vuông vẫn thấy thiêng liêng hơn. Trong mỗi cái bánh chưng ấy có tinh thần của người chiến sĩ nơi đảo xa”.

 Bánh chưng gói bằng lá bàng quả vuông chính là đặc sản của Trường Sa.

Bánh chưng gói bằng lá bàng quả vuông chính là đặc sản của Trường Sa.

Binh Nhất Nguyễn Trường Khang, quê Hải Hậu, Nam Định, đóng quân trên đảo Nam Yết chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em gói bánh chưng, hơn thế nữa cũng là lần đầu tiên em được tham gia hoạt động này trên tại nơi đóng quân trên đảo. Được tham gia gói bánh chưng chung cùng đồng chí, đồng đội trên đảo, em cảm thấy rất tự hào và thú vị. Bánh chưng gói trên đảo nhỏ hơn trong đất liền, ngoài ra bánh còn được gói bằng nhiều loại lá khác nhau, đặc biệt là lá cây bàng quả vuông”.

Người chiến sĩ trẻ tâm sự, được tham gia gói bánh chưng cùng đồng đội, em cảm thấy ấm cúng như ở nhà, khi mọi người quây quần, tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Cùng với đó, đây là hoạt động rất bổ ích và có ý nghĩa giúp tình cảm cán binh thêm đoàn kết, gắn bó, cũng như tạo sự thấu hiểu tâm tư tình cảm giữa những người đồng chí, đồng đội.

Ngày xuân ở Trường Sa thật rộn ràng. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quây quần đón năm mới một cách thật đặc biệt. Không chỉ có bánh chưng bằng lá bàng vuông, Tết của lính đảo còn có mâm ngũ quả với đu đủ, dừa, chuối và quả tra. Tất cả những thứ trái cây được bàn tay và công sức của quân, dân trên quần đảo tự trồng. Hàng loạt hoạt động trong những ngày đầu năm được tổ chức liên tục. Các trò chơi dân gian như đẩy gậy, lắc thúng bắt vịt hay kéo co được các chiến sĩ trẻ tham gia một cách hào hứng.

Chỉ những ai từng đón Tết ở Trường Sa mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng đến diệu kỳ của nó. Giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, trong huyết quản của những người lính đảo đều trào dâng niềm tự hào, xúc động. Tự hào bởi được canh trời, giữ biển cho đất liền vui xuân, tự hào bởi được nhân dân trao gửi niềm tin tuyệt đối. Trong thời khắc quan trọng, trái tim của những người lính hướng đều về Tổ quốc, về các anh hùng liệt sĩ Trường Sa đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, vì quần đảo Trường Sa thiêng liêng giữa ngàn khơi.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/don-tet-som-tren-quan-dao-truong-sa-608212