Dồn sức phòng, chống cháy rừng mùa khô hạn

Miền Tây Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp làm cho nhiều cánh rừng kiệt nước và liên tục tăng cấp báo cháy. Trước tình hình trên, lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố trong vùng đã chủ động thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp phòng ngừa, quyết tâm không để cháy rừng xảy ra.

Hàng chục héc-ta rừng khô kiệt

Để vào Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), chúng tôi di chuyển bằng vỏ lãi (phương tiện di chuyển đặc trưng ở miền Tây). Thỉnh thoảng vỏ lãi khựng lại vì mắc cạn. Nước dưới kênh đã nhìn rõ đáy, trên bờ, nhiều khoảnh rừng thuộc khu Gò Lức, thực bì đã khô, một số loại dây leo trên thân tràm cũng bắt đầu khô lá. Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết: “Ngoài khu Gò Lức thì hiện đơn vị cũng cho lực lượng rà soát lại tất cả các khu khác tại khu bảo tồn để tiến hành khoanh vùng những nơi có nguy cơ cháy cao. Qua rà soát, nhiều nơi cũng có thực bì trên rừng bị khô tương tự. Do đó, khu bảo tồn đang tiến hành bơm nước vào các mương để trữ lại, góp phần làm tăng độ ẩm trong rừng và thực hiện phòng, chống cháy rừng”.

 Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS Cà Mau tham gia chữa cháy rừng. Ảnh: THÚY AN

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS Cà Mau tham gia chữa cháy rừng. Ảnh: THÚY AN

Rời Hậu Giang, trong cái nắng như thiêu đốt, chạy dọc theo tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp, chúng tôi về với Cà Mau. Các cánh đồng hiện đã khô hạn, nứt nẻ bị người dân bỏ trống, chờ nước để sản xuất. Khi gặp ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, chúng tôi được biết, do diễn biến của thời tiết phức tạp, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao, cộng với gió mạnh, lượng nước bốc hơi nhanh làm cho diện tích rừng khô hạn báo động cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) ngày càng rộng, có thể xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Không chỉ thế, trên địa bàn toàn tỉnh Cà Mau có tổng cộng hơn 44.500ha rừng tràm đang bị khô hạn. Trong đó, cảnh báo cháy ở cấp cực kỳ nguy hiểm là 4.235ha; cấp nguy hiểm 13.500ha... Trong đó, rừng cảnh báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm tập trung tại 3 xã của huyện U Minh gồm: Nguyễn Phích, Khánh An và Khánh Lâm. Đến thời điểm này, Vườn Quốc gia U Minh Hạ có gần 3.500ha rừng đã được báo động cấp 5. “Toàn diện tích 8.527ha của Vườn Quốc gia U Minh Hạ được bao quanh bởi đất sản xuất nông nghiệp và rừng sản xuất của các hộ dân vùng đệm. Chúng tôi lo lắng nhất là tình trạng người dân vào rừng bắt ong, đốt thực bì rất dễ gây ra hỏa hoạn. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới cháy rừng thời gian qua...”, ông Nguyên chia sẻ.

Còn ở tỉnh An Giang, theo ông Trương Minh Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, toàn bộ diện tích khoảng 13.000ha rừng trên địa bàn tỉnh đã chuyển sang trạng thái dự báo cháy cấp 5. Năm 2020, An Giang có 13 vụ cháy rừng và trong tháng 3-2021, tại huyện Tri Tôn đã xảy ra 3 vụ cháy. Nguyên nhân do người dân bất cẩn trong sử dụng lửa, khách hành hương đốt nhang, đốt vàng mã. “Để chủ động trong phòng, chống cháy rừng, ngành kiểm lâm đã triển khai toàn bộ phương án và kế hoạch bảo vệ rừng. Đồng thời kiện toàn ban chỉ đạo bảo vệ và phát triển rừng từ cấp tỉnh đến cấp xã... Lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra lượng nước ở các hồ, ao, bồn chứa hiện có, những bồn nào còn ít nước thì bổ sung để kịp thời chữa cháy khi tình huống xảy ra”, ông Hùng thông tin.

Túc trực... giữ rừng

Trước tình hình khô hạn gay gắt, việc ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra trên địa bàn được các tỉnh, thành phố trong vùng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống cháy rừng theo phương châm “4 tại chỗ” là rất cần thiết. Để chủ động trong công tác bảo vệ rừng, theo ông Nguyễn Như Độ, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, ngành chức năng đã thành lập ban chỉ huy phòng cháy và chữa cháy rừng; sơn, sửa và xây dựng mới 90 chòi quan sát lửa, 114 máy bơm chữa cháy, phát dọn đường băng cản lửa, dọn kênh lưu thông... Đồng thời bố trí lực lượng trực thường xuyên hơn 380 người và sẵn sàng huy động hơn 1.560 người cùng 73 tổ máy bơm.

Còn tại Kiên Giang, trong năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ cháy làm thiệt hại hơn 262ha rừng. Do đó, ngành chức năng tỉnh thường xuyên kiểm tra giám sát các địa phương, chủ rừng trong thực hiện các phương án phòng, chống cháy rừng được cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, thực hiện công tác phòng, chống cháy rừng, tỉnh đã tạo đường băng cản lửa rộng 623ha, phát dọn thực bì trên hệ thống kênh quanh rừng dài 125km, bơm hơn 2,8 triệu m3 nước bổ sung vào khu rừng tràm tại các huyện U Minh Thượng, Hòn Đất, Giang Thành; bố trí trang thiết bị, phương tiện tại 125 trạm, chốt trực 24/24 giờ tại các vùng trọng điểm; chuẩn bị 206 máy bơm các loại, hơn 100.000m vòi chữa cháy; 120 bộ xuồng máy, 70 máy thổi gió, 200 máy đeo vai và nhiều dụng cụ phục vụ công tác chữa cháy.

“Tỉnh duy trì thực hiện chặt chẽ quy chế phối hợp bảo vệ và phòng, chống cháy rừng giữa các lực lượng kiểm lâm-công an-quân đội, xây dựng lực lượng ứng cứu trên các lâm phần từ 420 đến 810 người. Ngoài ra, tỉnh đã có kế hoạch phối hợp, sẵn sàng huy động thêm các lực lượng đóng quân trên địa bàn như: Lữ đoàn 950, Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4... tham gia khi cháy lớn xảy ra. Đồng thời, tỉnh kiên quyết xử lý những chủ rừng không thực hiện các điều kiện bảo đảm về phòng, chống cháy rừng, xử lý cán bộ chủ chốt các địa phương, cơ quan khi không bố trí lực lượng trực chiến tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao theo phương châm “4 tại chỗ”, ông Nhàn nhấn mạnh.

Địa bàn miền Tây Nam Bộ có khoảng 347.500ha rừng với các hệ sinh thái như: Rừng đầm lầy than bùn, rừng tràm, rừng ngập mặn, rừng đồi núi. Với các mô hình quản lý như vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển, vườn-sân chim, diện tích rừng ở khu vực có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, cân bằng môi trường sinh thái cho toàn vùng, tạo sinh kế cho người dân... Để bảo vệ "lá phổi xanh" của vùng, cùng với nỗ lực của lực lượng chức năng, rất cần có sự chung tay của người dân nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng xảy ra.

THÚY AN - NGỌC QUYÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/don-suc-phong-chong-chay-rung-mua-kho-han-657249