Dồn sức cho tăng trưởng

Việc nền kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại ở mức đáng lo ngại đang thu hút sự quan tâm cũng như đặt ra yêu cầu cần nhận diện thực tiễn, tìm giải pháp phục hồi và tăng tốc. Có thể coi thời gian từ nay đến hết năm 2023 chính là 'chặng nước rút' của nền kinh tế…

Sản xuất đồ gia dụng tại Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse (Cụm công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Nhật Nam

Đối diện khó khăn, thách thức

Theo Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% so với cùng kỳ. Như vậy, so với mục tiêu GDP tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2023 thì kết quả trên là rất hạn chế, đang và sẽ gây sức ép rất lớn vào 6 tháng cuối năm.

Thực tế là hầu hết các ngành công nghiệp đều gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế thế giới suy thoái dẫn đến sự suy giảm mức cầu; người dân các đối tác lớn ở Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản… cắt giảm chi tiêu và hạn chế mua hàng nhập khẩu. Giá trị tăng thêm của lĩnh vực công nghiệp trong 6 tháng qua chỉ tăng 0,44% so với cùng kỳ - là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm thuộc giai đoạn 2011-2023.

Trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ. Đây là kết quả thấp do cộng đồng doanh nghiệp trong nước thiếu đơn hàng từ ảnh hưởng của lạm phát cao ở các nước thường nhập khẩu hàng Việt.

Nền kinh tế nước ta gặp khó đã tác động khá nặng nề đối với hoạt động khởi nghiệp. Cả nước mới có 75,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ. Nhưng có tới 60,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9% và 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%. Ngược lại, chỉ có gần 37,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4% so với cùng kỳ.

Theo sát thực tiễn để có giải pháp phù hợp

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1 là GDP cả năm 2023 tăng 6% thì tính chung 6 tháng cuối năm phải đạt tốc độ tăng trưởng 8%. Kịch bản 2 là để đạt mức tăng trưởng 6,5% thì 6 tháng cuối năm phải đạt tốc độ tăng trưởng 8,9%. Như vậy, dù kịch bản nào thì tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm đều phải rất cao. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần ý thức nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực của cả hệ thống chính trị đến doanh nghiệp; cần phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực; tận dụng tối đa các cơ hội…

Còn theo bà Nguyễn Thị Hương, cần nắm bắt tình hình, đánh giá đúng để đưa ra đề xuất, gợi ý cho công tác điều hành; nhất là tận dụng thời cơ, phát huy kết quả đã đạt được. Đơn cử, khu vực công nghiệp đã tạm thời chấm dứt đà tăng trưởng âm, cho thấy tín hiệu lạc quan hơn về triển vọng cuối năm. Khu vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng nhất với mức tăng trưởng 6,33%, đóng góp 3,04 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Theo các chuyên gia, kết quả từ khu vực dịch vụ cần được phát huy mạnh mẽ trong những tháng tới; nhất là xét trong bối cảnh cần tận dụng cơ hội khi đã xuất hiện chỉ dấu cho thấy kinh tế trong nước cũng như ở một số đối tác lớn đang phục hồi khá rõ nét. Tiêu dùng trong nước và du lịch đang được kỳ vọng tiếp đà gia tăng và góp phần kích đẩy GDP tăng lên.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm đánh giá, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công bởi đó là động lực của tăng trưởng. Chia sẻ quan điểm trên, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) Phí Thị Hương Nga nhấn mạnh, giải ngân nguồn vốn này sẽ là “vốn mồi” quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng, tạo cơ hội cho doanh nghiệp - nhà thầu thi công, sự thuận lợi cho kinh doanh cung cấp nguyên vật liệu cùng các hoạt động kinh tế trên diện rộng.

Bên cạnh đó, định kỳ hằng quý, Chính phủ và các địa phương sẽ nắm bắt và khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo từng ngành, từng lĩnh vực. Đặc biệt tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, quy định không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Về phía mình, cộng đồng doanh nghiệp cần phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Chính phủ thực hiện gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 (số tiền xem xét gia hạn khoảng 110 nghìn tỷ đồng) là rất thiết thực. Bên cạnh đó, nhiều loại thuế, phí khác (thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước...) cũng được miễn, giảm, gia hạn để khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất. Việc này sẽ tạo cú hích cho doanh nghiệp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Hy vọng, với những nỗ lực cụ thể, các bước triển khai giải pháp phù hợp sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, kích đẩy nền kinh tế tăng trưởng cao nhất có thể.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/don-suc-cho-tang-truong-635139.html