'Đòn gió' của ông Trump với Trung Quốc

Phải chăng ông Trump đang thực thi 'nghệ thuật của thỏa thuận' đối với Trung Quốc bằng cách thuyết phục Bắc Kinh đưa ra những nhượng bộ về thương mại để tránh bị phân tách khỏi hệ thống tài chính toàn cầu? Tuy nhiên, ngay cả khi ông Trump tung ra 'đòn gió' thì nhiều người ở Trung Quốc vẫn đang nghiêm túc xem xét mối đe dọa này.

Một cuộc chiến tài chính quy mô lớn giữa hai siêu cường có thể xảy ra trong thời gian tới. (Nguồn: New India Express)

Sẽ có cuộc chiến tài chính?

Một bản tin gần đây của Reuters dẫn lời giới chức và các chuyên gia kinh tế ở Trung Quốc cho rằng một “cuộc chiến tài chính quy mô lớn đã bắt đầu diễn ra” giữa hai nước và Bắc Kinh cần phải sẵn sàng đối phó trước “sự lựa chọn hạt nhân” của Washington khi "hất cẳng" Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng bạc xanh.

Dường như sau khi không giành được chiến thắng quyết định trong cuộc chiến thương mại đối với Trung Quốc, ông Trump đang chuẩn bị phát động một cuộc chiến tài chính, hoặc ít nhất đang "tỏ vẻ làm như vậy". Đây có thể là một phần của những chiến thuật gây sợ hãi vì chúng có thể hủy hoại cả Mỹ và Trung Quốc.

Ngay cả khi đúng là như vậy thì rủi ro của thiệt hại hoặc thậm chí là hủy hoại kinh tế song phương đã không thể cản trở Tổng thống Trump phát động các cuộc chiến thương mại nhằm vào Trung Quốc và các nước khác. Vì vậy, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, sẽ là không khôn ngoan khi phó thác chờ đợi cơ may đối với bất kỳ điều gì và trong bối cảnh đó cần cân nhắc và đánh giá mọi việc thông qua những ẩn ý của một cuộc xung đột tài chính tiềm tàng.

Các cuộc công kích của ông Trump đối với Tập đoàn công nghệ Huawei cũng như các nền tảng mạng xã hội TikTok, WeChat và các công ty khác của Trung Quốc là các đòn tấn công trực diện vào các mục tiêu dễ xác định, song một đòn công kích đối với các lĩnh vực trong hoạt động của hệ thống tài chính sẽ khác biệt. Đòn công kích này sẽ bao gồm mối đe dọa gạt bỏ Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng USD.

Hiện phần lớn các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc được thanh toán bằng đồng USD thông qua mạng lưới thanh toán quốc tế Swift, một trong những hệ thống gửi tin nhắn tài chính lớn nhất thế giới. Việc gạt Bắc Kinh ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế này sẽ gây tổn hại đến các giao dịch vốn và thương mại quốc tế của Trung Quốc.

Mỹ có thể gạt Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng bạc xanh như Swift và hành động này có thể coi như mang tính chủ quyền của Mỹ. Tuy nhiên, đây sẽ là một hành động bất lợi nếu Trump triển khai vào thời điểm này khi chính quyền Trump đang nỗ lực gây sức ép để Bắc Kinh mua một lượng lớn hàng hóa của Mỹ.

Ông Hung Tran, từng là nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế, cho rằng Mỹ sẽ “tiếp tục làm ăn với Trung Quốc vì kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ nâng khối lượng nhập khẩu hàng năm từ Mỹ lên 350 tỷ USD và Trung Quốc phải sử dụng hệ thống Swift để thanh toán hàng hóa mua từ Mỹ”.

Điều này cho thấy ông Trump rõ ràng là đang "tung đòn gió" hoặc đơn thuần không suy nghĩ thấu đáo về những hậu quả mà các hành động mang tính đe dọa của ông gây ra với hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ lo sợ đáng kể và chấp thuận trao cho Trump một thỏa thuận thương mại lớn vốn sẽ giúp ông tái đắc cử.

Giới chức Trung Quốc dường như đang xem xét một cách nghiêm túc quan điểm của ông Trump. Hãng tin Reuters dẫn lời Shuang Ding, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế về Trung Quốc tại ngân hàng Standard Chartered và từng là chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nhận định, mối đe dọa về sự phân tách Mỹ-Trung trên lĩnh vực tài chính là “rõ ràng và hiện hữu”.

Cùng nhận định này, Guan Toh - từng là người đứng đầu bộ phận thanh toán quốc tế thuộc Cục quản lý Ngoại hối Trung Quốc và hiện là nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Ngân hàng BOC International, công ty con của Ngân hàng Trung Quốc - đã thận trọng nói rằng Mỹ “có thể hất cẳng Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng USD”.

Phản ứng của Trung Quốc

Để đối phó với "đòn gió" từ người đứng đầu Nhà Trắng, gần đây, các chuyên gia tài chính Trung Quốc đã kêu gọi gia tăng sử dụng Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới của Trung Quốc trong hoạt động giao dịch tài chính thương mại toàn cầu.

Trong khi đó, Trung Quốc có thể tìm cách sử dụng đồng Euro để thanh toán các giao dịch thương mại và các giao dịch khác với các thị trường châu Âu, bằng đồng Yen với Nhật Bản và sử dụng đồng Nhân dân tệ để thanh toán ở châu Á.

Ngoài ra, có những tin tức cho hay, chính quyền Trump đã thảo luận về khả năng thực hiện hành động thâu tóm các tài sản của Trung Quốc ở Mỹ, bao gồm một lượng chứng khoán có giá trị khoảng 1 nghìn tỷ USD mà Trung Quốc nắm giữ tại Bộ Tài chính Mỹ. Điều này giống như một hành động phát động một "cuộc chiến tranh tài chính" - vốn là một “lựa chọn hạt nhân” đối với Trump.

Ông Hung Tran, cũng là chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho rằng đây là những bước đi mang tính gây hấn và chắc chắn sẽ vấp phải hành động đáp trả của Trung Quốc. "Những động thái như vậy sẽ làm đảo lộn các thị trường tài chính quốc tế và khiến thương mại thế giới sụp đổ, gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế nghiêm trọng ở tất cả các nước giao dịch thương mại”, ông Hung Tran nhận định.

Ông Yuqing Xing, chuyên gia từng làm việc tại Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Tokyo, nhận định không phải tất cả mọi người đều đánh giá nghiêm túc lời đe dọa của Trump về các biện pháp trừng phạt Trung Quốc trên hệ thống tài chính quốc tế. “Tôi không nghĩ rằng chính quyền Trump lại có thể ngốc nghếch thực hiện những hành động như vậy”, ông Yuqing Xing khẳng định.

Mặc dù vậy, nhiều người vẫn đang chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, và có thể Trung Quốc sẽ chọn cách “câu giờ” cho đến khi đó bằng cách tỏ ra xem xét nghiêm túc những mối đe dọa của ông Trump.

Bắc Kinh có thể đáp lại “nghệ thuật của thỏa thuận” bằng cách thực hiện “nghệ thuật của chiến tranh” như chiến lược gia quân sự Tôn Tử thời cổ đại của Trung Quốc từng nhắc đến.

(theo SCMP)

Nguyễn Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/don-gio-cua-ong-trump-voi-trung-quoc-122349.html