Đón đầu xu thế phát triển, nhiều trường đại học top đầu đua nhau mở ngành mới

Dự kiến nhiều trường đại học top đầu dự kiến mở ngành mới trong mùa tuyển sinh năm 2024.

Ngày 16/2, Đại học Kinh tế Tp.HCM công bố thông tin tuyển sinh năm 2024. Theo đó, Đại học Kinh tế Tp.HCM tuyển 7.900 chỉ tiêu (tăng 100 chỉ tiêu so với 2023 cho 2 chương trình mới), tương ứng 56 lựa chọn chương trình học tại Tp.HCM (mã trường: KSA) và 630 chỉ tiêu, 16 chương trình học tại Vĩnh Long (mã trường: KSV), thông tin trên Người Lao Động.

Năm nay, Đại học Kinh tế Tp.HCM duy trì 6 phương thức xét tuyển, gồm:

- Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế;

- Xét tuyển học sinh giỏi;

- Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn;

- Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực;

- Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Đặc biệt, Đại học Kinh tế Tp.HCM mở mới 2 chương trình đào tạo: Arttech (Công nghệ nghệ thuật) và Điều khiển thông minh và tự động hóa.

PGS- TS Bùi Quang Hùng, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Tp.HCM, cho biết sau khi lựa chọn được ngành học phù hợp với bản thân, người học có thể lựa chọn các loại hình chương trình đào tạo như: (1) chương trình tiên tiến quốc tế, (2) chương trình tiên tiến, (3) chương trình kế toán tích hợp với chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế, (4) chương trình Cử nhân Tài năng ISB BBus, (5) chương trình Cử nhân ISB ASEAN Coop. Theo từng loại hình, sinh viên có thể lựa chọn học hoàn toàn bằng tiếng Anh, bán phần tiếng Anh và chương trình tiếng Việt.

Học phí tín chỉ tiếng Việt từ 975.000 đến 1.065.000 đồng, học phí tín chỉ tiếng Anh bằng khoảng 1,4 lần tiếng Việt. Riêng học phí học tại Phân hiệu Vĩnh Long bằng 60% - 65% học phí tại Tp.HCM.

Theo VTC News năm 2024 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến mở ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng với 50 chỉ tiêu.

Nhà trường lý giải việc mở ngành này nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, trường không hướng tới đào tạo diễn xuất mà chú ý về kịch bản, phê bình điện ảnh một cách bài bản.

Cụ thể, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh cho 28 ngành học, với tổng chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 2.200, nhiều hơn năm ngoái 200.

Năm phương thức xét tuyển gồm: tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội, xét chứng chỉ quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia, điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.

Ảnh minh họa.

Dự kiến Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM dự kiến mở 6 ngành mới, trong đó có Marketing, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng, chuyên ngành Kiểm toán và Quản lý rủi ro, trong ngành Kế toán.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là 4.329 sinh viên, tăng gần 700 so với năm ngoái. Trường tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng và dành 10-40% chỉ tiêu các chương trình chuẩn để xét tuyển bằng kết quả này. Dự kiến, 4 đợt thi đánh giá năng lực của trường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5.

Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM xét tuyển theo 3 phương thức khác: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT, tổng hợp kết quả, thành tích bậc THPT, xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Riêng chương trình do đối tác quốc tế cấp bằng, trường xét tuyển bằng học bạ kết hợp phỏng vấn.

Bên cạnh đó Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Tp.HCM) mở 6 ngành mới: Thiết kế vi mạch, Công nghệ Hóa dược, Công nghệ mỹ phẩm và ba ngành mới là Kinh tế xây dựng, Địa kỹ thuật xây dựng, Khoa học dữ liệu.

Dù mở nhiều ngành mới, trường Đại học Bách khoa Tp.HCM giữ nguyên quy mô tuyển sinh với 5.150 sinh viên, theo 5 phương thức. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng) chiếm khoảng 60-90% tổng chỉ tiêu.

Trong phương thức này, học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân chiếm 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%. Cụ thể, tiêu chí học lực gồm 3 thành phần là điểm học tập ở bậc THPT (gồm 6 học kỳ theo tổ hợp xét tuyển), điểm thi tốt nghiệp THPT (gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển), điểm thi đánh giá năng lực.

Ngoài ra, 10-15% chỉ tiêu được tuyển theo phương thức ưu tiên xét tuyển của Đại học Quốc gia Tp.HCM.

Ba phương thức còn lại chiếm 1-5% chỉ tiêu là xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo quy định Đại học Quốc gia Tp.HCM, xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế hoặc thí sinh nước ngoài (chỉ áp dụng cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, tiên tiến), xét tuyển vào chương trình chuyển tiếp quốc tế (Úc, New Zealand).

Trường Đại học Khoa học tự nhiên Tp.HCM dự kiến tuyển 3.900 sinh viên, mở hai ngành về vi mạch bán dẫn.

6 phương thức xét tuyển được trường giữ ổn định, gồm: Xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM, điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT, ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia Tp.HCM.

Trường cũng xét kết quả chương trình THPT quốc tế với thí sinh người Việt học trường nước ngoài, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học bạ.

Thí sinh trúng tuyển với thành tích cao vào 7 ngành: Vật lý học, Công nghệ Vật lý điện tử và tin học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Kỹ thuật địa chất, Khoa học môi trường, Công nghệ kỹ thuật môi trường, được cấp học bổng 50-100% học phí trong năm đầu.

Trường Đại học Ngoại thương xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển ngành, chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, lựa chọn những ngành, lĩnh vực có tính tiên phong, đáp ứng nhu cầu xã hội để đầu tư phát triển.

Nhà trường tiếp tục phát triển thêm các ngành mới thuộc các lĩnh vực trên và các ngành sang các lĩnh vực mới như: lĩnh vực Máy tính và Công nghệ thông tin; Báo chí và thông tin; Nghệ thuật và một số lĩnh vực khác.

Năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương là trường đại học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam triển khai tuyển sinh chương trình Kinh tế chính trị quốc tế.

Năm nay, trường này dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.

Năm 2024, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội mở thêm 2 ngành đào tạo mới là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc. Theo đó, nhà trường dự kiến tuyển 7.650 chỉ tiêu, 65% trong số này từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường mở thêm hai ngành đào tạo mới là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc; riêng ngành Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ học 2 năm ở Việt Nam và 2 năm ở Trung Quốc.

Trường có 6 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học THPT; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2024.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/don-dau-xu-the-phat-trien-nhieu-truong-dai-hoc-mo-nganh-moi-a649960.html