Dồn dập giảm lãi suất, doanh nghiệp có thoát khỏi khó khăn?

Chỉ trong vòng hơn 3 tháng qua, chính sách tiền tệ đã có dấu hiệu chuyển đổi từ thắt chặt sang nới lỏng. Đây là tin vui và đem đến nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với nội tại của nền kinh tế hiện nay, giảm lãi suất có hiệu ứng tích cực tới nền kinh tế, song cần thêm nhiều chính sách đồng bộ khác.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm tiếp một số lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng nội tệ đối với một số lĩnh vực ưu tiên, tất cả đều giảm 0,5 điểm %) có hiệu lực từ ngày 19/6/2023. Theo đánh giá của giới phân tích, đây là động thái mạnh mẽ của nhà điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.

Như vậy, kể từ tháng 3 đến nay, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất. Trong đó, riêng tháng 3, NHNN có 2 lần giảm lãi suất. Sau đó, đến tháng 5, NHNN tiếp tục giảm lãi suất vào ngày 25/5.

Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng khởi sắc

Trong đợt giảm lãi suất điều hành lần này, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV đánh giá sẽ có 4 tác động tới nền kinh tế và doanh nghiệp.

Lãi suất điều hành tiếp tục giảm, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Đó là việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn, liên ngân hàng, qua đó giúp các TCTD có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay.

Đồng thời, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới, qua đó góp phần tăng thu nhập từ tín dụng và các dịch vụ liên quan cho các TCTD.

Bên cạnh đó, lãi suất giảm (đối với cả nợ cũ và vay mới) sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn giảm một phần chi phí tài chính. Doanh nghiệp cũng có thể huy động vốn mới (vay nợ, phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp hơn, vừa góp phần tăng khả năng trả nợ, giảm rủi ro nợ xấu, giảm chi phí đầu vào, vừa tạo điều kiện giảm giá đầu ra tương ứng, qua đó kích thích tiêu dùng.

Hơn nữa, việc lãi suất điều hành tiếp tục giảm, doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm nay và năm tới.

Ngoài ra, TS Cấn Văn Lực nhận định: Lãi suất giảm, nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán, mua bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn cùng với kỳ vọng về triển vọng phục hồi của thị trường hoặc chi phí mua bất động sản thấp hơn…, nhờ đó sẽ giúp thị trường chứng khoán và bất động sản hồi phục.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, giảm lãi suất và tăng cung tiền vẫn là biện pháp vô cùng quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, ngoài các doanh nghiệp xuất khẩu - hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới - thì việc kéo giảm thêm lãi suất cho vay về mức hợp lý (khoảng 8 - 9%/năm) sẽ làm giảm áp lực nợ vay cho doanh nghiệp, kích thích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nội địa.

Giảm lãi suất không phải là "chìa khóa" giải quyết khó khăn

Tuy nhiên, với khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, nhiều ý kiến cũng khẳng định, giảm lãi suất không phải là "chìa khóa" để giải quyết khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, không thể chỉ bằng một chính sách đơn lẻ mà doanh nghiệp có thể thoát khỏi khó khăn. Giảm lãi suất có hiệu ứng tích cực tới nền kinh tế, song cần thêm nhiều chính sách đồng bộ khác.

“Trong mỗi quốc gia, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải luôn có sự song hành, giống như muốn vỗ tay thì phải có cả hai bàn tay”, ông Tùng nói.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chỉ giảm lãi suất là chưa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh cầu yếu, đầu ra không có như hiện nay. Các chính sách tài khóa, hỗ trợ an sinh phải vào cuộc đồng bộ với chính sách tiền tệ (giảm lãi suất) thì mới có thể kích cầu đầu tư, tiêu dùng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, giúp doanh nghiệp thoát khó khăn.

Ngoài khó khăn của khu vực sản xuất, kinh doanh, sự khó khăn, bế tắc của thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được tháo gỡ hiệu quả cũng là nguyên nhân gây nên điểm nghẽn dòng tiền. Chỉ khi tất cả các mối rối này được gỡ, dòng tiền mới có thể luân chuyển, tín dụng mới có thể lưu thông.

Theo đó, chuyên gia này kiến nghị: Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hỗ trợ cả chi phí đầu vào (thông qua các chính sách giãn hoãn, giảm thuế, phí đang tiến hành và mở rộng, nếu cần), và hỗ trợ đầu ra (đa dạng hóa, tìm kiếm thị trường, đối tác, đơn hàng…).

“Quan trọng hơn là có giải pháp cụ thể tăng hiệu quả thực thi công vụ của bộ máy hành chính; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính, pháp lý, vốn… trong các lĩnh vực như đất đai, bất động sản, xây dựng, đấu thầu, thông quan, tiếp cận điện, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm… Đây chính là các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp, người dân giảm khó khăn, thách thức và cũng là kích cầu đầu tư, tiêu dùng và tín dụng trong thời gian tới”, ông Lực nói.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/don-dap-giam-lai-suat-doanh-nghiep-co-thoat-khoi-kho-khan-1093316.html