Đòn bẩy nâng cao sức cạnh tranh du lịch ASEAN

Trong bối cảnh ngành du lịch toàn cầu đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, việc nâng cao sức cạnh tranh của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là rất cần thiết. Để gia tăng sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế, việc tăng cường hiệu quả khai thác du lịch lễ hội được xem là phương cách phát triển bền vững, phát huy được những giá trị đặc biệt.

Lễ hội thiên đăng (thả đèn trời) hay còn được biết đến là lễ hội ánh sáng được tổ chức ở thành phố Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: Chiang Mai Tours

Nâng tầm năng lực cạnh tranh nhờ bản sắc

Thống kê do Ban Thư ký ASEAN công bố cho biết, năm 2019, thời điểm trước đại dịch toàn cầu Covid-19, các nước thành viên ASEAN thu hút khoảng 143,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chiếm 9,6% tổng lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới. ASEAN có tốc độ tăng trưởng đạt 6,1%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thế giới (4%). Tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 170,9 nghìn tỷ USD. Thị trường nguồn du lịch khu vực ASEAN chủ yếu là khách du lịch nội khối và Đông Bắc Á.

Báo cáo kế hoạch hồi phục du lịch ASEAN giai đoạn hậu Covid-19 (ban hành năm 2021) đã nêu bật 5 nhóm giải pháp trụ cột để thúc đẩy phát triển du lịch. Nổi bật trong đó là phát triển sản phẩm đáp ứng xu hướng du lịch mới góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

ASEAN đánh giá, phát triển du lịch lễ hội có hiệu quả giữa các nước trong khu vực là hướng đi mở ra nhiều cơ hội cho ASEAN. Đây cũng là nguồn sức mạnh quan trọng hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy sức tăng trưởng theo hướng bền vững.

Thực tế cho thấy, loại hình du lịch gắn với lễ hội đã từng bước phát triển ở Đông Nam Á. Một số nước ASEAN đã coi du lịch văn hóa là một dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch. Đồng thời xác định, đây là một trong những ngành bổ trợ, nổi bật và hấp dẫn, nâng cao trải nghiệm cho du khách quốc tế.

Nhiều quốc gia ASEAN đã ban hành chính sách phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo tồn văn hóa, trong đó có các nỗ lực phục dựng lễ hội phục vụ phát triển du lịch với vai trò quan trọng của cộng đồng địa phương, chủ nhân các giá trị văn hóa trong thực hành lễ hội. Cách thức tổ chức lễ hội tại khu vực đang ngày càng chuyên nghiệp, đổi mới, sáng tạo với nhiều hoạt động hấp dẫn du khách, nhất là khách quốc tế.

Đánh giá từ giới chuyên gia chỉ ra rằng, du lịch lễ hội là con đường ngắn nhất để du khách tìm hiểu về sinh hoạt tâm linh của các dân tộc. Các tour du lịch lễ hội sẽ giúp du khách có những trải nghiệm rõ nét nhất về sự phong phú, đa dạng của cuộc sống cư dân khu vực ASEAN.

Trên thực tế, nhiều lễ hội tại khu vực đã nổi tiếng, thu hút lượng lớn du khách khắp nơi trên thế giới. Nổi bật như: Lễ hội năm mới ở Campuchia (Chnam Thmei); lễ hội té nước, lễ hội thả đèn trời ở Thái Lan; lễ hội đua thuyền ở Lào; lễ hội nghệ thuật Bali ở Indonesia; lễ hội rằm trung thu ở Việt Nam...

Một phần không thể thiếu trong các lễ hội là các hoạt động cộng đồng như: Trình diễn âm nhạc, nghệ thuật truyền thống; thi đấu thể dục-thể thao; trò chơi dân gian; ẩm thực..., từ đó giúp lễ hội trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đậm bản sắc riêng và có sức hấp dẫn du khách cao.

Không chỉ phát huy các lễ hội truyền thông, thực tế cũng cho thấy, ngày càng có thêm sự xuất hiện của nhiều lễ hội hiện đại. Đây là loại hình sự kiện, văn hóa nghệ thuật gắn với bối cảnh đô thị và kinh tế thị trường đương đại. Đặc biệt, những lễ hội hiện đại này cũng mang sắc thái, bản sắc văn hóa, xã hội riêng của các vùng, địa phương, trở thành những điểm đến đặc biệt.

Chung sức kiến tạo không gian phát triển

Giới chuyên gia nhìn nhận, ASEAN đang ngày càng cho thấy các nỗ lực hợp tác tích cực hơn nhằm phát triển du lịch lễ hội. Dễ thấy là hàng loạt hoạt động đẩy mạnh quảng bá sản phẩm lễ hội thông qua công nghệ số. Kế hoạch hành động du lịch bền vững ASEAN 2023 cũng định hình phát triển các nền tảng số hướng tới mục tiêu trong vòng 1 năm đạt 500.000 người dùng. Đồng thời phát triển các công cụ số với mục tiêu tăng 30% số doanh nghiệp sử dụng công cụ này.

Những sắc màu rực rỡ, đậm bản sắc trên đường phố trong lễ hội nghệ thuật Bali ở Indonesia. Ảnh: Shutter Stock

Bên cạnh đó, ASEAN sẽ triển khai chiến dịch “số hóa” hoạt động quảng bá du lịch ASEAN với mục tiêu là trong 1 năm tiếp cận 10 triệu du khách tiềm năng. Đồng thời đầu tư xây dựng nội dung quảng bá du lịch lễ hội trên không gian mạng... Những giải pháp quan trọng này được kỳ vọng sẽ giúp lễ hội, sản phẩm du lịch lễ hội ở các nước thành viên ASEAN có khả năng tiếp cận mạnh mẽ hơn tới đông đảo cộng đồng quốc tế. Song hành với đó, các nước trong khu vực ASEAN cũng cần đẩy mạnh việc liên kết tổ chức khảo sát tuyến điểm, xây dựng sản phẩm du lịch lễ hội cho cả khu vực. Đồng thời đẩy mạnh hợp tác để tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa du lịch nhằm thu hút du khách.

Bàn giải pháp phát triển du lịch ASEAN, tại một hội nghị vào đầu tháng này, những người đứng đầu ngành du lịch các nước ASEAN cùng đánh giá, trong giai đoạn bản lề vừa qua, cơ chế hợp tác du lịch ASEAN đã khẳng định được tầm quan trọng trong việc duy trì kết nối và sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN.

Ngành du lịch khu vực ASEAN phục hồi nhanh chóng, được minh chứng rõ nét bằng lượng khách quốc tế tăng nhanh, thúc đẩy sự khôi phục các dịch vụ bổ trợ, góp phần tạo việc làm và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế nói chung.

ASEAN đã nỗ lực triển khai các dự án, kế hoạch công tác và chương trình mục tiêu, góp phần đưa ngành du lịch vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt kết quả tốt, đáng ghi nhận. Nhiều dự án đã được khởi động và hoàn thành, bao quát trên tất cả các lĩnh vực như xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, đảm bảo an ninh, an toàn, phát triển bền vững...

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/don-bay-nang-cao-suc-canh-tranh-du-lich-asean-post472901.html