'Dollars Mỹ vững vàng vị thế trên đỉnh thế giới'

Bloomberg có phân tích cho biết, đồng euro của châu Âu đã suy yếu nghiêm trọng, trong khi dollars Mỹ vẫn là vua trong nền tài chính toàn cầu.

Euro và cột mốc buồn 25 năm

Tháng 01/2024, đồng tiền chung châu Âu (euro) kỷ niệm 25 năm tồn tại. Quá trình tạo ra bản kỹ thuật số của nó diễn ra vào năm 1999, sau đó là sự ra đời của tiền giấy và tiền xu vào năm 2002.

Nhà phân tích Marcus Ashworth của Bloomberg đưa ra nhận xét rằng, đồng tiền chung châu Âu, biểu tượng của sự thống nhất, đã thành công trở thành phương tiện trao đổi nội bộ trong khu vực đồng euro gồm 20 quốc gia, nhưng tương lai của nó cũng có quá nhiều u ám.

Mặc dù sự tồn tại của đồng euro không còn gặp nguy hiểm nữa, nhưng đồng tiền chung của Liên minh châu Âu đã đạt được rất ít tiến bộ hướng tới mục tiêu rộng lớn hơn là thách thức vai trò của đồng dollars là đồng tiền dự trữ của thế giới và thay vào đó, nó đã đi thụt lùi.

Để khách quan, nhà phân tích của Bloomberg lưu ý rằng, việc sử dụng các loại tiền tệ khác trên thế giới cũng đã tăng lên 15% (từ 10% vào đầu năm 2023).

Ví dụ như tỷ trọng đồng Nhân dân Tệ của Trung Quốc tăng thêm 4%, vươn lên vị trí thứ 4, đứng trước đồng Yên Nhật, trong khi đồng bảng Anh vẫn ở vị trí thứ 3.

Việc sử dụng đồng euro trong các giao dịch SWIFT (hệ thống thanh toán xuyên biên giới chính trên toàn cầu), đã giảm xuống 22% vào cuối năm ngoái, so với mức 38% vào tháng 12 năm 2022.

Tỷ giá đồng dollars cũng có bước nhảy vọt tương ứng, mức độ sử dụng của nó tăng từ 40% lên 48%.

Nguyên nhân khiến euro suy yếu

Điều này phần lớn là do sự thay đổi trong thông lệ thị trường khi SWIFT thay đổi phương pháp tính toán để đo lường chính xác hơn dữ liệu ngân hàng thương mại gửi đến Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), mà đồng euro đã không đáp ứng được hy vọng của những người sáng lập nó.

Sự suy thoái của đồng tiền chung châu Âu cũng được tạo điều kiện thuận lợi bởi việc các nước EU từ chối mua dầu và khí đốt của Nga, vốn trước đây được thanh toán bằng đồng euro.

Các chuyên gia nhận định là mặc dù chống dollars hóa đã trở thành một chủ đề kinh điển, bao gồm cả giới đầu cơ, nhưng bất chấp mọi thách thức từ các đối thủ cạnh tranh như euro (châu Âu), RMB (Nhân dân Tệ - Trung Quốc), Rúp (Nga), Bảng (Anh)…, đồng USD của Hoa Kỳ vẫn là vua của tài chính thế giới.

Giờ đây, tất cả các khoản thanh toán đều được thực hiện bằng dollars (ngay cả khi mua nhiên liệu ở Qatar), điều này giúp cải thiện hiệu suất và độ ổn định của nó.

Những nguyên nhân đó khiến trong tương lai khó có gì có thể lay chuyển được vị thế của đồng USD, thậm chí, đồng tiền của Mỹ vẫn mới đang trong giai đoạn chạy đà để phát triển tiếp.

Khó lay chuyển vị thế của dollars Mỹ

Đánh giá về đối thủ tương lai là BRICS+ có tiềm năng trở thành “kẻ hủy diệt” đồng dollars hay không?, ông Marcus Ashworth không phủ nhận khả năng này nhưng cũng cho rằng, nó không thể ngay lập tức trở thành hiện thực và cũng không chắc là trong tương lai có thành công hay không.

Chuyên gia này nhận định, thương mại song phương giữa Trung Quốc, Nga và phần còn lại của liên minh BRICS rất khó đánh giá chính xác nhưng rõ ràng là chưa cao trong thời điểm hiện nay, nhưng tiềm năng gia tăng rõ ràng là có tồn tại và nó phụ thuộc nhiều vào ý chí chính trị của giới lãnh đạo các nước này.

Theo thời gian, sự gián đoạn chuỗi thương mại và cung ứng toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch và các vấn đề địa-chính trị leo thang sẽ dẫn đến giảm giao dịch bằng cả dollars và euro.

Quá trình phân mảnh này sẽ giúp làm suy yếu quyền bá chủ của đồng tiền dự trữ hiện tại.

Tuy nhiên, dự báo này mới là “có thể và trong tương lai rất xa”, còn ở hiện tại, không có đối thủ cạnh tranh nào có khả năng làm suy yếu vị thế của đồng dollars, bất kể là một đối thủ như Trung Quốc, Nhật Bản hay là một nhóm nước, một cộng đồng quốc gia như BRICS hay EU.

Hoàng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dollars-my-vung-vang-vi-the-tren-dinh-the-gioi-post670059.html