Đợi Xuân

Mấy hôm nay đi trên phố, chợt nhận thấy cả Hà Nội đang tăng tốc đầy hối hả, tất bật để guồng quay cuối năm về đích. Đấy là các trung tâm thương mại chăng đèn kết hoa, hàng hóa đầy ăm ắp các kệ, tủ.

Ảnh: Thư Hoàng.

Đấy là khắp các cửa hàng, cửa hiệu, thậm chí cả vỉa hè, ngõ ngách "vào mùa" xả hàng với những tấm biển giảm giá (các loại %) phất phơ trong gió lạnh. Dù bình thường hàng hóa đã nhiều, nhiều chỗ cũng đã giảm giá - sale off, vậy nhưng tâm lý nhiều người vẫn đợi cuối năm để săn giảm giá sâu.

Có chút gì giông giống… ngày xưa, nỗi mong chờ Tết của cả người lớn và trẻ con là sự phập phồng nghe ngóng xem tình hình tem phiếu, phân phối hàng hóa thế nào, là đào đâu ra thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho những ngày cả năm mới có một lần, và cũng quan trọng không kém, là làm sao bọn trẻ phải có ít nhất một thứ mới, không quần thì áo, hoặc đôi dép, hoặc chiếc khăn bóng bay, hay chỉ là chiếc cặp hoa nơ xanh nơ đỏ...

Cái tâm lý lo hết hàng, lo "tích cốc phòng cơ" đã ngấm vào máu tôi, đến nỗi giờ cả con, cả cháu đều cười xòa bởi cứ đến cuối năm, ngày nào tôi cũng phải tha một món gì đó về nhà, để chuẩn bị cho cái Tết sắp đến. Vừa mua được mấy quả gấc nếp đỏ tươi, quay ra đã thấy bà bán hành muối tươi cười: "Bà mua đi, em để rẻ cho bà…".

Bà bán hàng quen thuộc đã trở thành thân thiết, bởi năm nào tôi cũng phải mua vài cân, chọn loại hành ngon nhất.

Mấy đứa con cứ trách: "Giờ ngoài hàng cái gì chả có, thậm chí có cả hành muối sẵn đóng hộp trong siêu thị, mua về ăn ngay, mẹ tội gì phải lọ mọ cho khổ". Nhưng Tết năm nào cũng thế, thịt thà giò chả còn đầy, chỉ vại dưa cà là hết nhẵn. Muối hành bây giờ thì còn khí sớm, vả lại, chiếc vại muối dưa hành theo tôi mấy chục năm trời vừa bị vỡ lúc chuyển nhà, tôi phải ra bãi giữa sông Hồng chọn một chiếc vại mới.

Giá cả ngày Tết cũng như thời tiết, như con ngựa chứng chả biết thế nào mà lần. Có khi, về cuối năm, đào nở rụng hết rồi, những cây còn lại lại đắt ra trò. Cũng lạ, thời buổi này mà còn rất nhiều người chơi hoa giả. Không phải hoa lụa cao cấp bán trong các cửa hàng, siêu thị thương hiệu, mà hoa nhựa, hoa lụa đủ màu sặc sỡ trên các xe đạp, rong ruổi khắp phố. Đặc biệt, càng về cuối năm những chuyến xe này càng nhiều lên, cứ như đua với các xe hoa đào, thược dược, lay ơn...

Chợt nhớ, những năm đói kém, tem phiếu chỉ đủ mua mấy cái bánh chưng, vài hộp mứt, chai rượu, Tết chẳng có hoa đào là chuyện bình thường.

Nhà tôi có chùm hoa hồng bằng nhựa cứng, trưng quanh năm, đến Tết tôi mang ra cọ rửa đến bạc cả màu, cắm vào chiếc lọ làm bằng giấy báo, thế mà chùm hoa ấy cũng đi qua được bao nhiêu cái Tết, đến mãi sau này khi nó thâm xỉn, rụng hết cả lá, cành bằng thép gỉ hoen hết cả tôi mới chịu vứt đi để Tết năm nào cũng ngồi nhớ nó. Những đứa con tôi cứ cười, cuối năm chúng con lo thắt ruột nợ nần, còn mẹ chỉ chờ cuối năm để ngồi ôn hoài niệm.

Hoài niệm cũng là một cách để đợi Xuân, đợi Tết, để thấy Tết nay khác gì Tết đã qua, để thấy mỗi Tết đến là một dịp ta gác mọi lo âu, đón một năm mới về trong cuộc đời mình.

HÀ THƯ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/doi-xuan-10272340.html