Đối với tôi, chúng là vô giá!

Những kỷ vật từ thời chiến tranh được người nữ cựu binh gìn giữ, nâng niu. Không chỉ là kỷ niệm, những kỷ vật đó còn là tình yêu đôi lứa, là sự khốc liệt của chiến tranh, là mất mát, là mọi cung bậc cảm xúc của đời người.

Lần giở từng trang trong cuốn nhật ký cũ chỉ nhỉnh hơn đôi bàn tay, bà Nguyễn Thị Thu Hiền (72 tuổi) như trở lại con gái đôi mươi, vừa sôi nổi, say đắm trong tình yêu, vừa không quên hoàn thành trọng trách đơn vị giao phó và động viên người thương.

Cuốn nhật ký chiến trường được bà Hiền nâng niu, gìn giữ (ảnh Hà Phương).

“Em hái hoa rừng giắt áo anh

Đường xa nhớ lúc buổi lâm hành

Anh đi giết giặc ngày trở lại

Em vẫn đợi chờ vẫn thủy chung”

(Trích 1 đoạn thơ ghi trong nhật ký).

Bà Hiền chia sẻ, đây là cuốn nhật ký viết từ thời còn trẻ, có những trang do bà viết, cũng có những trang được biết bởi người thương Lê Hữu Vạn, bí danh Lê Hữu Thuận (sau này cũng là chồng bà Hiền).

“Chồng tôi tham gia cách mạng năm 1964 cùng đội giải phóng Nghĩa Hành cho đến ngày thống nhất đất nước”, bà Hiền cho hay.

Chiến tranh khốc liệt, thường xuyên đối diện với hiểm nguy, bà Hiền cũng nắn nót ghi trong nhật ký những lời căn dặn: “Trong quá trình chiến đấu với quân thù, chẳng may tôi cống hiến đời tôi vì sự nghiệp chung, thì cuốn vở này mà quân thù không cướp, mong các đồng chí sẽ thông cảm cho tôi, sẽ giữ kỷ niệm này cho người yêu duy nhất của tôi là Lê Hữu Vạn”.

Cựu chiến binh Nguyễn Thị Thu Hiền sinh ra ở xã Hành Thịnh (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), là con út của một gia đình đông thành viên nhưng đều tham gia cách mạng, trong đó, chị gái bà là liệt sĩ, cha mẹ bà Hiền bị địch bắt, tù đày.

Ý chí chiến đấu được ươm mầm từ rất sớm, năm 1964, khi mới 13 tuổi, cô gái nhỏ đã tham gia cách mạng và đến năm 1967 trở thành nữ du kích tại địa phương. Từ du kích địa phương, bà Hiền được tin tưởng giao nhiệm vụ xã đội phó. Năm 19 tuổi, bà trở thành một trong những huyện ủy viên trẻ nhất thời bấy giờ. Sau một thời gian, bà Hiền được chuyển từ huyện về tỉnh làm công tác xây dựng Đảng.

Một trang viết bằng mực đỏ với những thông tin về người thân đã mất (ảnh Hà Phương).

Trong nhật ký, ngoài những cảm xúc nhung nhớ người thân, kỷ niệm kháng chiến, còn có những trang viết đầy nước mắt khi mất đi người thân, những ghi chú màu đỏ để tự nhắc nhở mình không bao giờ được quên.

"Ngày 23/10/1968, em Nguyễn Huy Hà đã hy sinh trong trận chiến đấu Nam Dũng. Ngày 23/4/1967, người Mẹ kính yêu đã hy sinh trong nhà lao…”

Hoặc: “Bom đạn làm cho em ta, cha ta, chị ta và bà con mỗi người một ngã… làm cho cánh đồng ta một màu đen xám” (Trích trang viết trong nhật ký).

Cuốn nhật ký chỉ là một trong số nhiều kỷ vật từ thời chiến tranh được bà Hiền nâng niu như báu vật. Hiện bà còn cất giữ được hàng chục lá thư viết tay, chiếc mũ cối, đài cassette, tấm vải ngụy trang, ống nhòm, thẻ thanh niên quyết thắng và nhiều hình ảnh về các dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp giải phóng quê hương...

Tấm vải ngụy trang- một trong những vật không thể thiếu khi đi rừng (ảnh Hà Phương).

Cầm trên tay tấm vải ngụy trang, bà Hiền lại bùi ngùi nhớ lại: “Hồi đó, đây là một trong những vật không thể thiếu khi đi trong rừng, chúng tôi thường hay nói với nhau rằng “Một chéo dù hoa, một ka năm chín (súng K59). Bây giờ, vào mùa lạnh, tôi vẫn thường lấy ra sử dụng, không quen dùng loại khác”.

Đồng đội cùng tham gia chiến đấu năm xưa, có người còn, có người đã mãi mãi nằm lại. Năm nào, bà Hiền cũng đi đến nghĩa trang liệt sĩ, thắp nén hương tưởng niệm trong những cảm xúc miên man.

Bà Hiền trong một chuyến về thăm lại đồng đội. (ảnh NVCC).

Dù những kỷ vật ngả màu thời gian, tấm vải ngụy trang đã sờn rách, những bức ánh trắng đen mờ đục, nhưng đối với bà Hiền, chúng là vô giá, không có gì có thể so sánh được.

Tuổi xế chiều, bà Hiền sống giản dị trong căn nhà nhỏ ở phường Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Bà được phong tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Mới nhất, năm 2023, bà nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Bà Hiền có ý định sẽ chuyển giao những hiện vật chiến tranh để trưng bày, triển lãm, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ (ảnh Hà Phương).

“Đến hết đời tôi, những hiện vật này sẽ được chuyển giao lại cho huyện Nghĩa Hành – quê hương của tôi và chồng. Chỉ mong chúng sẽ góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau. Để có được hòa bình, độc lập ngày nay, các thế hệ đi trước đã đổ biết bao máu và nước mắt”, bà Hiền nói.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doi-voi-toi-chung-la-vo-gia.html