Đội tuyển Việt Nam: Trận chiến giờ mới bắt đầu

Với làng bóng đá khu vực, việc đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) vào bán kết AFF Cup không phải điều gì ghê gớm. Trong lịch sử 14 kỳ giải AFF Cup, ĐTVN chỉ 2 lần không qua được vòng bảng là AFF Cup 2004 và 2012. Vì vậy, cuộc chiến chỉ thực sự bắt đầu từ vòng bán kết, nơi ĐTVN mới 3/11 lần thành công để có 2 lần vô địch.

Kỳ AFF Cup thứ 3 liên tiếp, đội tuyển Việt Nam giữ sạch lưới sau vòng bảng

* Nhìn lại vòng bảng

Kết thúc vòng bảng AFF Cup 2022, ĐTVN ghi nhiều bàn thắng thứ 2, chỉ sau Thái Lan (12 so với 13 bàn) nhưng có hiệu số cao nhất (+12) nhờ là đội duy nhất chưa thủng lưới bàn nào sau 4 trận. Đáng nói, đây là kỳ AFF Cup thứ 3 liên tiếp dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, ĐTVN làm được điều mà chưa có đội nào làm được.

Đặc biệt, lần đầu tiên tại một giải đấu, ngoài 2 thủ môn dự bị Nguyên Mạnh và Văn Toản, ông Park đã sử dụng tất cả 21 cầu thủ còn lại. Nói như HLV người Hàn Quốc, điểm mạnh lớn nhất của ĐTVN vào lúc này là sự đồng đều, không có sự chênh lệch trình độ giữa các cầu thủ đá chính và dự bị. Điển hình là ở vị trí 2 cánh, chúng ta có đến 2 sự lựa chọn ngang ngửa: Văn Hậu - Tấn Tài hoặc Hồng Duy - Văn Thanh.

Hay trong 12 bàn thắng của ĐTVN, ngoài 3 bàn của Tiến Linh và 1 bàn đá phản lưới nhà của cầu thủ Myanmar, 8 bàn còn lại thuộc về 8 cái tên khác nhau; từ những cầu thủ tấn công: Văn Toàn, Hoàng Đức, Châu Ngọc Quang, Hùng Dũng đến các hậu vệ: Văn Hậu, Tấn Tài, Văn Thanh, Quế Ngọc Hải (penalty). Chỉ hơi tiếc, giá như Quang Hải và Văn Quyết được “thông nòng” để giải tỏa tâm lý.

Nhưng cái được lớn nhất là sau 4 trận, giành ngôi đầu bảng nhưng ĐTVN năm nay vẫn chưa lộ bài, kể cả khi phải bung hết sức để tìm bàn thắng trong hiệp 2 trước Singapore. Có vẻ đây là chủ trương đã được quán triệt của ông Park khi ngay cả những “bài” dàn xếp đá phạt góc quen thuộc (đưa bóng đến cột gần hoặc xa, hoặc bất ngờ trả ngược lên mép vùng 16,50m) cũng được “ém” kỹ.

Tuy nhiên, một lần nữa ĐTVN lại vấp phải cái “dớp” ở trận thứ 3. 3 trận hòa bất lực ở 3 kỳ AFF Cup liên tiếp đều diễn ra với cùng kịch bản. 15 cú dứt điểm trước Myanmar năm 2018, 21 lần trước Indonesia năm 2021 và năm nay là 18 pha kết thúc (và kiểm soát bóng đến 76,8%) trước Singapore, đều không mang về 1 bàn thắng. Rõ ràng, chúng ta vẫn chưa giải được bài toán trước các đối thủ tổ chức hệ thống phòng ngự dày đặc.

Hay như trước Myanmar, vốn chỉ là trận đấu “thủ tục” khi đối phương dưới cơ và không còn động lực, nhưng ĐTVN khởi đầu chệch choạc. Trong 3 bàn thắng, ngoài cú sút xa đẹp mắt của Ngọc Quang, 2 bàn còn lại là từ pha phản lưới nhà của hậu vệ và món quà “mời anh xơi” của thủ môn Myanmar. Hàng phòng ngự dù gần như nhàn nhã nhưng có đến 3 lần mắc sai lầm cá nhân suýt thua (Duy Mạnh 2, Văn Lâm 1). HLV Antoine Hey của Myanmar cảnh báo: “Nếu đá thế này, các bạn sẽ không đủ mạnh mẽ ở bán kết”.

* Bước vào “chảo lửa”

Giờ là cuộc đấu knock-out, nơi những sai lầm sẽ không còn cơ hội để khắc phục. Với ngôi đầu bảng B, ĐTVN được chơi trận bán kết lượt về với Indonesia trên sân nhà nhưng trước tiên chiều mai 6-1 phải “lành lặn” ở chảo lửa Gelora Bung Karno dự kiến sẽ có 70 ngàn CĐV chủ nhà cuồng nhiệt, thậm chí quá khích.

Lại một cuộc đối đầu giữa 2 HLV người Hàn Quốc. Ông Park chưa bao giờ thua người đồng hương Shin Tae-yong, tại lượt về vòng loại thứ 2 World Cup 2022 ở UAE, ĐTVN thắng Indonesia 4-0; ở vòng bảng SEA Games 31 U.23 Việt Nam thắng đậm 3-0; chỉ một lần ông Shin không thua là trận hòa 0-0 là ở vòng bảng AFF Cup năm ngoái tại Singapore. Nhưng ngày mai đôi bên sẽ đổi chỗ cho nhau, Indonesia là đội buộc phải thắng, còn ĐTVN sẽ chơi phòng ngự phản công.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202301/doi-tuyen-viet-nam-tran-chien-gio-moi-bat-dau-3152482/